Công Thương Vĩnh Phúc: 70 năm hình thành và phát triển

(PLVN) - Sự ra đời và trưởng thành của ngành Công Thương gắn chặt với lịch sử đấu tranh của nhân dân ta từ ngày cách mạng tháng Tám thành công đến nay, trải qua những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau khi hoà bình lập lại.
Ảnh minh họa

Năm 1954, ngành Công Thương duy trì sản xuất, ổn định đời sống, đánh thắng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và chi viện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam; tham gia hàn gắn vết thương sau chiến tranh, thực hiện đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước trong những thập kỷ qua, góp phần đưa đất nước ta, dân tộc ta vững bước vào thế kỷ 21 với thế và lực mạnh hơn bao giờ hết. Trong sự nghiệp đó, có công sức không nhỏ của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Công Thương.

Trải qua 70 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và lao động ngành Công Thương đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trước yêu cầu của bối cảnh mới, ngành Công Thương cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các định hướng, chính sách và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những thành tựu quan trọng này có ý nghĩa không chỉ đối với ngành Công Thương mà còn góp phần to lớn thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới.

Cùng với cả nước, ngành Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc trong suốt chiều dài 70 năm lịch sử hình thành và phát triển đã giành được rất nhiều thành tích: Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950 trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Năm 1968, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.

Sau 29 năm hợp nhất, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa 9 (tại kỳ họp thứ 10), tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997. Vĩnh Phúc khi tái lập còn là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm của nền kinh tế ở mức rất thấp, kinh tế hàng hóa chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, thu nhập tính theo đầu người còn thấp xa so với bình quân chung của cả nước, cơ sở vật chất – kỹ thuật yếu kém lại chưa được đầu tư.

Với chủ trương quyết tâm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, nhận thức rõ vị thế của một tỉnh là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, giàu tiềm năng về du lịch, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế công nghiệp.

Nhờ có các chủ trương, chính sách đúng đắn trên, Vĩnh phúc từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đã vươn lên trở thành một tỉnh thành có nền kinh tế công nghiệp đứng thứ 7 cả nước.

Đến nay, năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 266 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2019 và đạt 97,3% so với kế hoạch năm. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì được tăng trưởng ổn định, một số ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục được phát triển, nhiều sản phẩm công nghiệp tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng. Từ năm 1997 đến năm 2020, tỷ trọng khu vực nông nghiệp từ 48,27% giảm xuống còn 7,37%; công nghiệp-xây dựng từ 13,98% lên mức 61,95%; dịch vụ từ 37,75% xuống còn 22,20%.

Cùng với phát triển công nghiệp, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn ngày càng phong phú, đa dạng, cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng của nhân dân. Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Các hình thức mua bán hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ ở nông thôn ngày càng phát triển.

Với những nỗ lực, đóng góp to lớn của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong suốt quá trình 70 năm hình thành và phát triển, ngành công thương đã được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại và Bộ Công thương ghi nhận, tằng nhiều cơ thi đua, huân chương các loại. Đặc biệt để ghi nhận thành tích xuất sắc của ngành đã đạt được Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020.

Nhìn lại 70 năm với không ít khó khăn thử thách. Có được những kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Công Thương và sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành Công Thương.

Phấn khởi với những thành tích đã đạt được. Trong thời gian tới ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong việc xây dựng chính sách phát triển công thương, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và thương mại trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, dần dần đưa công nghiệp thành khâu đột phá phát triển kinh tế của tỉnh.

Năm 2021, là năm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là năm đầu tiên trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025), ngành Công Thương Vĩnh Phúc phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 dự kiến đạt 297.066 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2020. Các sản phẩm sản xuất chủ yếu trên địa bàn chủ yếu tập trung vào sản xuất ô tô, thức ăn gia súc gia cầm, quần áo, vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử. Về hoạt động thương mại phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 dự kiến đạt 56.871 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Sở Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các định hướng về phát triển ngành Công Thương, trong đó, tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh trên tại địa phương. Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tình hình, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công và phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy thị trường nội địa, hỗ trợ thông tin hội nhập kinh tế quốc tế. Song song, đẩy nhanh thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, đảm bảo cung ứng điện ổn định cho sản xuất và nhu cầu của người dân.

Ngành Công Thương tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, quy hoạch khu, cụm công nghiệp… gắn với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành lĩnh vực khác phù hợp với phát triển chiến lược của ngành. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật về thương mại, công nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2025 trong bối cảnh mới.

Đọc thêm