- Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời: Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động có quyền: “Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể”. Do đó, bạn có quyền được hưởng lương theo đúng thoả thuận theo hợp đồng lao động đã ký kết.
Tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nguyên tắc trả lương cho người lao động: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
Cũng theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ) quy định về kỳ hạn trả lương thì “Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”.
Như vậy, công ty phải trả lương đúng hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 94 BLLĐ. Trường hợp vì lý do bất khả kháng thì việc trả lương cho người lao động không được quá 30 ngày. Việc đã qua 6 tháng nhưng công ty vẫn chưa trả lương cho bạn và đồng nghiệp là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn. Bạn có thể làm đơn đề nghị gửi đơn đến thanh tra lao động đề nghị xem xét xử phạt hành chính đối với công ty về hành vi không trả lương đúng hạn theo quy định Điều 50 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ (NĐ 28).
Đối với hành vi vi phạm về việc trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Tùy theo số lượng người lao động bị trả lương không đúng hạn, không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 NĐ 28. Ngoài ra, người sử dụng lao động (công ty) phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt”.
Nếu phát sinh tranh chấp liên quan đến việc công ty không trả lương thì bạn có thể gửi đơn đến hòa giải viên lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 187 BLLĐ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật này, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
Trường hợp hòa giải không thành, theo quy định tại khoản 4 Điều 187 BLLĐ thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp: yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của BLLĐ hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết cấp có thẩm quyền nơi công ty có trụ sở theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 32 và điểm c, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.