Cụ ông 91 tuổi chống gậy cầm cả trăm triệu đi ủng hộ chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Tôi nguyên là quân y, rất muốn chung tay với đội ngũ y bác sỹ để trực tiếp chống dịch COVID-19 nhưng sức khỏe không cho phép. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định ủng hộ 100 triệu đồng vào quỹ phòng chống dịch của địa phương. Đối với gia đình tôi là thật to vì đó là khoản tiền lương tích góp nhiều năm nhưng nó chỉ như hạt cát với số tiền Nhà nước chống dịch suốt hai năm qua”. Đó là chia sẻ của cụ ông 92 tuổi Đàm Điệt – cựu Quân y đã dành toàn bộ tiền lương hưu tích góp để ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID-19.
Cụ Đàm Điệt chia sẻ về quyết định dùng toàn bộ tiền lương hưu tích của mình để ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID-19.
Cụ Đàm Điệt chia sẻ về quyết định dùng toàn bộ tiền lương hưu tích của mình để ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID-19.

Mấy ngày nay, câu chuyện cụ ông 92 tuổi Đàm Điệt, ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) chống gậy lên UBND xã Hưng Thông ủng hộ 100 triệu đồng để địa phương phòng, chống dịch COVID-19 khiến nhiều người khen ngợi. Cũng không ít người bất ngờ trước tấm lòng thơm thảo của cụ Điệt.

Cụ Đàm Điệt trao cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Hưng Thông (ảnh L.H).

Cụ Đàm Điệt trao cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Hưng Thông (ảnh L.H).

Cụ Điệt là cán bộ Quân y về hưu. Thời còn trẻ, cụ tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước. Năm 1981, vị bác sĩ quân y này nghỉ hưu sau hơn 15 năm công tác tại Trung tâm điều dưỡng thương binh tỉnh Nghệ An.

Về quê, cụ cùng vợ là bà Lê Thị Hồng (SN 1938) chăm sóc, dạy dỗ các con. Theo bà Hồng, vì sức khỏe của chồng yếu nên mọi việc nặng nhọc đều do bà quán xuyến. Chi tiêu trong gia đình bà cố gói gọn trong đồng lương giáo viên về hưu của mình.

Thời gian dần trôi, các con của hai cụ đã trưởng thành, có công việc ổn định và sinh sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Tuổi cao, nhưng vợ chồng cụ Điệt vẫn sống tự lập không muốn làm phiền đến con cháu. Cho đến một ngày cuối năm 2021 các con của cụ bất ngờ trước thông tin bố mình đã ủng hộ 100 triệu đồng vào Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của địa phương.

Cụ Hồng hoàn toàn ủng hộ quyết định của chồng

Cụ Hồng hoàn toàn ủng hộ quyết định của chồng

Đó là ngày 29/12, cụ Đàm Điệt chống gậy đi lên ủy ban, gặp lãnh đạo địa phương ủng hộ vào Quỹ, phòng chống dịch COVID-19 của xã. Cụ nói với lãnh đạo xã Hưng Thông: “Tôi già rồi, cũng không ăn uống hay cần tiêu gì nhiều đến tiền, ốm đau thì đã có bảo hiểm lo. Nay tôi muốn đóng góp một ít kinh phí cho xã nhà chống dịch”.

Thế nhưng “một ít” của cụ khiến cán bộ xã bất ngờ bởi đó là khoản tiền 100 triệu đồng. Phấn khởi trước sự tin tưởng của người dân đối với công tác phòng, chống dịch nhưng ông Nguyễn Hữu Phúc - Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cũng khá băn khoăn vì sợ cụ lớn tuổi, nhỡ không minh mẫn khi quyết định ủng hộ số tiền này hay chưa bàn bạc thống nhất với gia đình thì sao?. Do đó, ông Phúc đã hỏi lại cụ Hồng, rồi gọi điện cho cô con gái đầu của hai cụ đang công tác ở Hà Nội.

Vợ chồng cụ Điệt mong dịch sớm được đẩy lùi để mọi người được bình yên và đội ngũ bác sĩ, y tá được nghỉ ngơi.

Vợ chồng cụ Điệt mong dịch sớm được đẩy lùi để mọi người được bình yên và đội ngũ bác sĩ, y tá được nghỉ ngơi.

Cả hai cụ và các con đều đồng lòng nhất trí ủng hộ cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch. Sau khi xác nhận lại, Chủ tịch xã và lãnh đạo địa phương mới yên tâm tiếp nhận số tiền này từ cụ Điệt.

Theo ông Phúc, đây là số tiền ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 lớn nhất mà địa phương tiếp nhận từ một cá nhân kể cả doanh nghiệp. Số tiền này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh phí chống dịch trong thời điểm địa phương đang có 3 ca F0 mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với chính quyền và đội ngũ cán bộ y tế.

Chia sẻ thêm về việc làm của chồng, cụ Hồng tươi cười nói: Vợ chồng tôi có 5 cô con gái, 4 đứa công tác trong ngành giáo dục. Các con cháu công tác xa, nhà chỉ có 2 ông bà già. Chi tiêu trong nhà thì có lương hưu của tôi, còn lương hưu của ông ấy thì để dành để làm những việc lớn.

Trước đó, khi dịch mới bùng phát, trong khi đại bộ phận người dân sống bằng nghề nông ủng hộ ít chục nghìn thì cụ Điệt đã đóng góp 1 triệu đồng. Hành động của cụ kiến nhiều người trầm trồ, cũng có lời ra, lời vô nhưng ông cụ gạt đi “Tôi công tác trong ngành y, đáng lẽ phải ra trạm xá giúp các cháu nhưng già rồi, sức lực có hạn nên chỉ biết đóng góp chút ít cho địa phương”.

Về khoản tiền 100 triệu đồng ủng hộ cho địa phương, cụ Điệt cho hay đó là tiền lương tích góp đã lâu. Hơn một năm qua, dịch giã, ông bà cũng không đi được đâu, thành thử khoản tiền lương của ông cũng “tích” lại trong thẻ ATM, chưa rút được. Vừa rồi ông đi rút, được hơn 130 triệu đồng. Sau khi chi tiêu một số việc cần thiết còn lại 100 triệu đồng cụ Điệt mở một cuốn sổ tiết kiệm để tích lũy.

“Đến khi chứng kiến đội ngũ y bác sỹ căng sức làm việc và gia đình đều đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cả rồi, tôi nghĩ mình đã được Nhà nước quan tâm rất lớn. Do đó, tôi quyết định góp 100 triệu tiết kiệm vào quỹ để cùng xã chống dịch”, cụ Điệt nói.

Ý định của cụ được vợ tán thành. Vì theo cụ Hồng, dù gia đình không phải giàu có, chỉ sống dựa vào tiền lương hưu, tằn tiện mới được 100 triệu đồng. Số tiền này thực sự đối với vợ chồng tôi là rất lớn, nhưng nó chỉ như hạt cát với số tiền Nhà nước chống dịch suốt hai năm qua.

Từ khi làm được việc ý nghĩa, sức khỏe của cụ Đàm Điệt cũng tốt hơn. Cụ chia sẻ, chỉ mong dịch sớm được đẩy lùi để mọi người được bình yên và đội ngũ bác sĩ, y tá được nghỉ ngơi.

Đọc thêm