Thời điểm cuối năm 2021, trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần là thời điểm mà hoạt động hàng hóa trên thị trường có mức luân chuyển tương đối lớn do nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng tăng cao. Chính vì vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp hơn; cùng với đó là các thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng tinh vi và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với sự xuất hiện của nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Nhằm bảo vệ người tiêu dùng được ổn định thị trường thời điểm cuối năm. Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá ( QLTT) sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết của người dân trong thời điểm dịch bệnh và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Lực lượng QLTT Thanh Hoá tăng cường kiểm tra hàng hoá dịp cuối năm |
Trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá gặp nhiều khó khăn, thách thức, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dịch Viêm da nổi cục ở trâu bò… Trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh vẫn được kiểm soát chặt chẽ, sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào của một số ngành công nghiệp như: sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; sản xuất thép tăng cao, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn; nhiều nhóm hàng tiêu thụ chậm, doanh thu từ các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch bị giảm sút. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 nên nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân tăng cao. Tuy nhiên do được chuẩn bị từ trước nên không xảy ra tình trạng thiết hụt hàng hóa đẩy giá, ép giá bán hàng hóa.
Qua ghi nhận, hoạt động gian lận thương mại vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: khuyến mại, lợi dụng tâm lý ham rẻ, sính hàng ngoại của người dân để đánh lừa người tiêu dùng bán hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, niêm yết giá… hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo các nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Gucci…vẫn diễn ra khá phức tạp.
Trong quý III năm 2021, Cục QLTT tỉnh Thanh Hoá kiểm tra 1.840 vụ, xử lý được 1533 vụ, trong đó: Xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu 228 vụ, lĩnh vực giá 425 vụ, vi phạm vệ sinh an toàn toàn thực phẩm 403 vụ, vi phạm khác trong kinh doanh 348 vụ. Tổng số tiền thu là 4.613,3 triệu đồng, trong đó tiền phạt vi phạm hành chính 4.165,4 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu 447,9 triệu đồng, trị giá hàng đã tiêu huỷ 2.509,3 triệu đồng, trị giá hàng chờ bán, chờ tiêu huỷ 4.026,6 triệu đồng.
Cán bộ cục QLTT Thanh Hoá tích cực hưởng ứng chia sẻ khó khăn trong đại dịch Covid |
Nhằm ổn định thị trường và bảo đảm quyền lợi của người người tiêu dùng trong thời điểm cuối năm 2021, Cục QLTT tỉnh Thanh Hoá tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, hàng hóa trên thị trường, tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt nguồn tin, xây dựng phương án kiểm tra đột xuất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: pháo nổ; quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩn chế biến từ động vật, hàng điện tử, điện lạnh; thuốc lá; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền…
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết của người dân trong thời điểm dịch bệnh và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt trên các ứng dụng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo…) ; các kho hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, logistic.
Tích cực nắm bắt tình hình vi phạm tại các địa bàn nổi cộm có liên quan đến mặt hàng đường, phân bón, xăng dầu; tình hình lưu chuyển hàng hóa tại các kho chứa hàng của các doanh nghiệp kho vận, doanh nghiệp nhập khẩu hàng thực phẩm, mỹ phẩm, tân dược; kịp thời phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu thay đổi thời hạn sử dụng trên nhãn, bao bì hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng có liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn. Chủ động có các giải pháp hỗ trợ bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông đối với nhóm hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, ô xy y tế, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.