Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đặc biệt số lượng việc và tiền tiếp tục gia tăng, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các địa phương trong tỉnh Hà Giang đã chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS); nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, giá trị lớn đã được giải quyết dứt điểm.
Các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thi hành án dân sự, nhất là đối với các ngành trong khối nội chính như Công an, Viện Kiểm sát và Toà án cùng cấp theo quy chế phối hợp 4 ngành; triển khai thực hiện tốt các quy chế, như phối hợp thi hành án giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quy chế phối hợp giữa Tổng cục THADS và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quy chế phối hợp với đương sự là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam; tiếp tục triển khai chương trình phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân.
Năm 2021, công chức, người lao động trong toàn Ngành THADS tỉnh Hà Giang luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế cơ quan, không có công chức, người lao động có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, khởi tố, bắt giam. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, người lao động được quan tâm thực hiện kịp thời, thường xuyên.
Đội ngũ cán bộ được quan tâm, củng cố, kiện toàn. Cục THADS chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó góp phần thúc đẩy hiệu quả chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án. Ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật lao động có nhiều chuyển biến tích cực.
Với khối lượng công việc lớn, Cục THADS đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối làm việc, Cục thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ giải quyết các vụ án cũng như thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành đã đề ra.
|
Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2022 |
Cục và các chi cục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật, nhất là làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc động viên, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án; phối hợp tổ chức thi hành hình phạt tiền và trách nhiệm dân sự của người phải thi hành đang chấp hành án phạt tù và việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá…
Với sự vào cuộc tích cực, sát sao của đội ngũ cán bộ, các cơ quan THADS Hà Giang đã thi hành xong là 2.373 việc, đạt tỉ lệ 92,05%. Vượt 8% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao.
Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 54.577.157.000 đồng, tăng 17.396.688.000 đồng đạt tỉ lệ 58,18% vượt 18% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao.
Để đạt được kết quả này là nhờ ngành THADS tỉnh thực hiện nhiều giải pháp ngay từ đầu năm như: thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân; có biện pháp chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS tại địa phương, thời gian tới , các chi cục tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo kế hoạch, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thi hành án; rà soát các vụ việc có điều kiện thi hành án để có kế hoạch, biện pháp tổ chức thi hành án hiệu quả.
Hiện nay, Cục THADS Hà Giang đã thực hiện công bố Hệ thống QLCL phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCQG ISO 9001:2015 (lần thứ 1), đồng thời niêm yết tại trụ sở cơ quan và đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự theo đúng quy định.
Cục THADS và 11/11 Chi cục THADS trong toàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện cơ chế một cửa và hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự. Trang thông tin điện tử Cục THADS Hà Giang hoạt động có hiệu quả, danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện, hệ thống các văn bản liên quan đến công tác thi hành án...được đăng tải công khai trên trang thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, khai thác thông tin.
Tiếp tục thực hiện phương châm “Lấy kết quả thi hành án làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ” đối với cơ quan thi hành án và từng Chấp hành viên. Quản lý chặt chẽ các khoản tiền, tài sản, tang vật thi hành án; thực hiện về kế toán nghiệp vụ, thu, nộp kịp thời, đầy đủ các khoản tiền, phí thi hành án theo quy định. Chú trọng thu tiền thi hành án qua tài khoản.
Tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, đề xuất kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo các vụ việc trọng điểm, phức tạp; tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, án tín dụng ngân hàng, các đơn vị bán đấu giá tài sản.