Cục Thuế Nghệ An: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với bối cảnh phòng chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuế với nhà nước, Cục Thuế Nghệ An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý thuế, thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch.
Triển khai dịch vụ thuế điện tử trên cổng thông tin ngành Thuế
Triển khai dịch vụ thuế điện tử trên cổng thông tin ngành Thuế

Triển khai các phần mềm CNTT trong quản lý thuế

Năm 2021, ngành Thuế đã triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Trong đó, Cục Thuế Nghệ An đã triển khai tích hợp 33 dịch vụ công trực tuyến về khai thuế, nộp thuế điện tử lên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tiếp tục duy trì cung cấp miễn phí phần mềm hỗ trợ kê khai để người nộp thuế (NNT) có thể lập hồ sơ khai thuế điện tử tại máy trạm của NNT.

Bên cạnh đó, ngành Thuế Nghệ An đã triển khai thực hiện theo hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT (eTax) thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 Cục Thuế và 415 Chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên 24/24 giờ, liên tục và thông suốt. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là việc phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp mã số thuế tự động ngay trong ngày làm việc cho NNT…

Qua đó góp phần tiết giảm thời gian làm thủ tục về thuế cho NNT từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, giảm 420 giờ so với trước. Đến nay, 100% doanh nghiệp (DN) đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng Internet, trên 98% DN nộp thuế điện tử, 100% DN đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện hoàn thuế qua phương thức điện tử.

Cán bộ ngành Thuế Nghệ An ứng dụng CNTT trong các hoạt động để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Cán bộ ngành Thuế Nghệ An ứng dụng CNTT trong các hoạt động để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Cục Thuế Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về đẩy mạnh việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), chứng từ điện tử, biên lai điện tử thu phí, lệ phí đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính. Sau một tháng rưỡi áp dụng, đã có 9.065 tổ chức, DN đăng ký sử dụng HĐĐT thành công, hướng mục tiêu đến ngày 01/7/2022 sẽ có 100% các tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử theo quy định.

Đặc biệt, Cục Thuế đã thành lập Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT và tổng đài hỗ trợ tổ chức, DN và NNT gồm 17 thành viên và công khai số điện thoại đường dây nóng của Cục Thuế Nghệ An để hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc của tổ chức, DN và NNT trong quá trình triển khai.

Tiếp tục nâng cao mức độ hài lòng của người nộp thuế

Thời gian qua, ngành Thuế Nghệ An đã đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thuế điện tử trực tuyến thông qua mạng Internet. Tuy nhiên, chất lượng của dịch vụ bị ảnh hưởng bởi thói quen của nhiều NNT đến ngày cuối cùng của thời hạn mới thực hiện khai, nộp thuế.

Do đó, hệ thống ứng dụng CNTT cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phải tiếp nhận và xử lý một lượng giao dịch rất lớn tập trung vào các kỳ cao điểm. Điều này dẫn đến tình trạng hệ thống cung cấp dịch vụ thuế điện tử đôi khi bị quá tải, nghẽn mạng.

Để tháo gỡ tình trạng trên, Cục Thuế Nghệ An đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật về thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng những phương pháp tiếp cận dễ hiểu, dễ thực hiện các thủ tục về thuế để NNT thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

Đồng thời, tiếp tục nâng cấp mở rộng băng thông, đường truyền, nâng cao chất lượng hạ tầng truyền thông để đảm bảo hệ thống CNTT tốt nhất phục vụ thuận tiện nhất cho người dân và cộng đồng DN.

Một doanh nghiệp trên địa bàn cho biết, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, DN đặt mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất, hoạt động vận hành để nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc cơ quan Thuế hỗ trợ NNT qua hệ thống thuế điện tử là một giải pháp hữu hiệu. Đơn cử như khi nói đến chi phí trung bình để phát hành hóa đơn, nếu áp dụng HĐĐT thì chi phí của doanh nghiệp để thực hiện phát hành hóa đơn giảm được 80% so với trước đây.

Bên cạnh đó, số lượng hóa đơn xuất ra hằng tuần, hằng tháng thường khá lớn, do đó ngoài việc cắt giảm được lượng lớn thời gian, chi phí thì sử dụng HĐĐT còn giúp công tác đối chiếu hóa đơn diễn ra nhanh chóng, tránh được rất nhiều sai sót. Đồng thời giảm thiểu chi phí về lưu kho, lưu bãi, cũng như các chi phí tích trữ hóa đơn chứng từ theo yêu cầu bảo mật.

Nhằm tiếp tục nâng cao mức độ hài lòng của NNT, ngành Thuế Nghệ An đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc duy trì ổn định kết nối thông tin giữa 4 ngành: Thuế - Hải quan - Kho bạc - Tài chính; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa, công khai thủ tục hành chính (TTHC) và niêm yết công khai các TTHC tại trụ sở cơ quan thuế các cấp để NNT biết, tra cứu. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa Cơ quan thuế và Cơ quan đăng ký đất đai.

Từ tháng 11/2020, hệ thống trao đổi thông tin bằng hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của cá nhân, hộ gia đình (người dân) giữa các Chi cục Thuế và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chính thức được triển khai tại các huyện thành, thị trên địa bàn tỉnh.

Từ tháng 5/2021, Cục Thuế Nghệ An cũng bắt đầu triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Bước đầu được người dân đánh giá cao về tính thuận lợi khi phát sinh nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước.

Ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết: Trong thời gian tới, Cục Thuế Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý thuế, giảm thiểu chi phí cho NNT thông qua việc dựng mới các ứng dụng quản lý thuế; duy trì hoạt động ổn định các ứng dụng hiện tại, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng Chính phủ điện tử và định hướng chuyển đổi số nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, quản lý tuân thủ phù hợp với chuẩn mực quốc tế./.

Đọc thêm