Biên giới phía Bắc một thời máu lửa
Rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc ồ ạt xua quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, dài hơn 1.400km, mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang), Quảng Ninh và những xung đột kéo dài suốt 10 năm sau đó.
Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 18/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc, trong đó kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trên cơ sở Tuyên bố của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trên mặt trận Lạng Sơn (Quân khu 1), các lực lượng vũ trang địa phương nhanh chóng chặn đánh các mũi tiến công.
Tính đến đầu tháng 3/1979, trên dọc tuyến biên giới phía Bắc, Trung Quốc đã chiếm được các thị xã: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Cam Đường, Phố Lu, Sa Pa và một số thị trấn trên vùng biên giới. Nhằm ngăn chặn sự mở rộng tiến công xâm lược của Trung Quốc, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên lực lượng để bảo vệ Tổ quốc.
Theo đó, hàng triệu người, chủ yếu là thanh niên ở hầu khắp các tỉnh, thành phố đã tình nguyện đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang, ra mặt trận, lên tuyến trước xây dựng trận địa. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã viết đơn tình nguyện lên biên giới để được trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm (từ 1979-1989) thì mặt trận Vị Xuyên là chiến trường khốc liệt nhất, cam go nhất. Từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 4 năm 1989 chiến tranh ác liệt nhất là ở Vị Xuyên, Hà Giang (trước đây là Hà Tuyên). Nơi đây cũng thể hiện bản lĩnh, ý chí của dân tộc ta; sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân, sự chiến đấu kiên cường, hy sinh dũng cảm của quân đội, các lực lượng vũ trang, chúng ta đã chiến thắng, đánh bại âm mưu xâm lược, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
|
Tướng Nguyễn Đức Huy thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, nơi những người lính năm xưa của ông yên nghỉ. |
Từ đầu năm 1985 đến cuối năm 1989, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (SN 1931) đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên, ông là Tham mưu trưởng Mặt trận (đồng thời là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2). Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh: “Sau nhiều lần gây ra các vụ khiêu khích quân sự quy mô nhỏ, 5 giờ sáng 17/2/1979, phía Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, xe bọc thép, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh với hàng ngàn khẩu pháo các loại mở cuộc tấn công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Phong Thổ (Lai Châu) tới Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km.
Mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18/3/1979 thì hoàn thành, nhưng trên thực tế, cuộc chiến kéo dài tới 10 năm (1979 - 1989)”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại, cuộc chiến tại huyện Vị Xuyên kéo dài dọc 20km và chiều sâu 5km. Trên chiến trường, cả ta và địch luôn ở thế trận giằng co, xen kẽ, cài răng lược, ta và địch cứ đánh đi đánh lại liên tục, 1 ngày có thể đánh nhau 2-3 lần, ta bám chặt thắt lưng địch mà đánh. Làng Pinh được lấy làm cột mốc. Từ làng Pinh trở về thị xã Hà Giang là cuộc sống bình thường, không có tiếng súng. Từ làng Pinh trở lên mới có chiến tranh giáp biên giới. Các chiến trường khác không như thế. 5 năm trời (từ 1984 - 1989), địch không xuống sâu vào ta được tấc đất nào và cuối cùng phải rút.
Trung tướng Đặng Quân Thụy- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Tư lệnh Quân khu 2, Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) chia sẻ: “Về Mặt trận Vị Xuyên phải nói thế này: Đây là một cuộc chiến tranh kéo dài, diễn ra vô cùng ác liệt. Ở thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày, quân Trung Quốc bắn sang Việt Nam từ 30 - 50 ngàn quả đạn pháo... khiến cho núi lở, đá đè lấp kín khe sâu. Vì thế, trong số hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ ta hi sinh tại Vị Xuyên, thì có tới hơn 2.000 liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt”.
Tỏa sáng những tấm gương anh hùng
Ngày 20/12/1979, Chủ tịch nước đã có Lệnh số 187-LCT, tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 100 đơn vị và 48 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ đã lập được nhiều thành tích trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống bọn xâm lược mới ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc nước ta.
Đáng chú ý trong Lệnh số 187-LCT, có 28 tập thể và 29 cá nhân có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong số 29 cá nhân ấy có nhiều người là liệt sĩ, đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu, nhiều người là dân quân tự vệ, là Bộ đội Biên phòng.
Anh hùng Trần Nghiêm (SN 1927, dân tộc Kinh, quê Lào Cai) khi được tuyên dương Anh hùng là chính trị viên khu đội tự vệ tiểu khu Duyên Hải, thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn, Quân khu 2.
|
Ngày 17/2/1979, lính Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta. |
Ngày 17/2/1979, ngay khi phát hiện địch tấn công, mặc dù chúng đông, được pháo binh, xe tăng yểm trợ bắn phá ác liệt vào thị xã Lào Cai, Trần Nghiêm đã chỉ huy đơn vị bám sát địch, liên tục chiến đấu từ 3 giờ đến 9 giờ sáng. Đơn vị ông đã tiêu diệt gần 100 địch, ngăn chặn được bước tiến công của chúng, tạo điều kiện tốt cho nhân dân sơ tán kịp thời.
Đặc biệt, trong đợt đánh quân xâm lược tháng 2 năm 1979, ông Trần Nghiêm và 3 con trai là tự vệ cùng đánh địch và đều dũng cảm lập công, cả 3 người con được đề nghị tặng thưởng Huân chương. Gương chiến đấu dũng cảm của gia đình ông đã cổ vũ mọi người noi theo.
Anh hùng Nguyễn Ngọc Hòa (SN 1953, quê Lào Cai). Khi được tuyên dương Anh hùng, ông là tự vệ tiểu khu Lào Cai. Ông Hòa nhập ngũ năm 1971, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Phục viên năm 1975, ông trở về quê tham gia tự vệ.
Ngày 19/2/1979, bộ binh Trung Quốc có số lượng rất đông, được xe tăng yểm trợ mở nhiều đợt tấn công đảnh phá ác liệt vào thị xã Lào Cai. Đơn vị không có súng chống tăng, Nguyễn Ngọc Hòa đã dũng cảm, nhanh chóng vượt qua khu hỏa lực địch bắn rất dữ dội đến một đơn vị bộ đội mượn được khẩu súng B40, rồi nhanh chóng bám sát địch, đuổi theo xe tăng địch bắn 2 quả đạn diệt 2 xe tăng.
Ngày 26/8/1978, bọn côn đồ vượt biên giới sang gây rối, hành hung cán bộ, phụ nữ Việt Nam tại cửa khẩu Hữu Nghị. Mặc dù bọn chúng đông và hung hãn, Nguyễn Công Thuận đã ba lần chỉ huy đơn vị đến giải tỏa, bảo vệ được cán bộ, buộc bọn côn đồ phải về bên kia biên giới.
Sáng 17/2/1919, quân xâm lược sau 1 giờ bắn pháo liên tục, đã cho xe tăng và bộ binh ồ ạt tấn công vào khu vực đơn vị đồng chí chốt giữ. Bình tĩnh, tự tin, Nguyễn Công Thuận động viên các chiến sĩ: “Địch đông, ta ít, các đồng chí phải bắn tiết kiệm đạn để chiến đấu lâu dài. Quyết tâm giữ vững trận địa”.
Sau khi chỉ huy đơn vị đẩy lùi 11 đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa, địch củng cố đội hình, lại xông lên. Nguyễn Công Thuận bị thương vào đùi, tự băng bó, nén đau, tiếp tục chỉ huy. Cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt thì xạ thủ cối 60 ly bị thương nặng. Vì vậy, ông Thuận vừa chỉ huy vừa trực tiếp bắn cối vào đội hình địch, góp phần cùng đơn vị tiêu diệt, làm bị thương nhiều tên, bắn cháy 3 xe tăng của địch. Riêng ông Nguyễn Công Thuận vừa chỉ huy đơn vị chiến đấu tiêu diệt địch, giữ vững trận địa, vừa dũng cảm diệt 30 tên.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (tính từ ngày 17/2 đến 18/3/1979), quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực của Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự...