Cuộc hành trình của tín dụng ưu đãi ở thị xã Bến Cát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ một huyện thuần nông, chỉ sau 8 năm kể từ khi thành lập, thị xã Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương đã có nhiều đổi thay, nổi bật rõ rệt là kết quả giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
NHCSXH thị xã Bến Cát ký hợp đồng tín dụng trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
NHCSXH thị xã Bến Cát ký hợp đồng tín dụng trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Những năm qua, nhờ được tiếp cận với các chính sách, các nguồn lực tài chính của trung ương, của tỉnh, trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), đông đảo hộ dân trên địa bàn đã có thêm điều kiện chủ động đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, qua đó góp phần đưa thị xã trẻ Bến Cát nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam này thoát khỏi danh sách vùng nghèo khó, đạt tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa…

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Bến Cát, bà Phạm Hồng Nguyệt cho biết: Suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, toàn đơn vị đã dốc sức, đồng tâm tham gia thực hiện trực tiếp chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở Bến Cát, thông qua những việc làm cụ thể như tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính, đồng thời tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ.

Minh chứng cho sự nỗ lực đó là tổng nguồn vốn chính sách tạo lập được ở Bến Cát đến 31/5/2022 đạt xấp xỉ 370 tỷ đồng, tăng so với đầu năm hơn 26 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, kinh tế xã hội toàn thị xã thêm đà phát triển, hàng nghìn hộ dân tại các xã, phường trên địa bàn có điều kiện chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống; cùng với đó, hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, duy trì tăng trưởng.

Phiên giao dịch xã của NHCSXH thị xã Bến Cát.
Phiên giao dịch xã của NHCSXH thị xã Bến Cát.

Đơn cử về xã An Điền, thị xã Bến Cát nhờ được tiếp cận thuận lợi hơn 50 tỷ đồng vốn ưu đãi nên có nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi trâu bò, chăm sóc vườn cao su, trồng hoa cảnh, rau xanh được xây dựng, làm ăn khấm khá, nhiều tấm gương trong Hội nông dân, Hội phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Như là gia đình bà Phạm Thị Tình ngụ ấp Tân Lập đã sử dụng 50 triệu đồng vay vốn ưu đãi của NHCSXH thâm canh trồng dưa sạch trong nhà lưới với vườn rộng 3.500m2, để thu hoạch 5 tấn quả/vụ (2 tháng thu hoạch dưa 1 lần) thoát hẳn cảnh eo hẹp về kinh tế, sửa sang căn nhà ở thoáng đãng, vững chắc.

Còn ở phường Mỹ Phước, mọi người nhắc đến bà Bùi Thị Ánh Nhi như một hình mẫu về giảm nghèo bền vững. Nhờ sự giúp đỡ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, bà Nhi đã lo liệu chu đáo cho 2 cô con gái theo học Đại học trên TP Hồ Chí Minh, mặt khác bản thân cũng cần cù lao động, tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ TK&VV tại khu phố số 2.

Ấn tượng về bức tranh vốn tín dụng ưu đãi với kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở thị xã Bến Cát hiện tại là đã hỗ trợ cho gần 20 nghìn lượt hộ vay vốn với tổng số tiền 352 tỷ đồng, góp phần giúp nhiều hộ vượt ngưỡng nghèo, cận nghèo, vươn lên làm giàu.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, nguồn vốn ưu đãi đã đến từng xã, phường, thông qua mạng lưới 150 tổ tiết kiệm vay vốn và 8 điểm giao dịch trên địa bàn thị xã. NHCSXH Bến Cát đã giải ngân vốn cho 771 hộ với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay ưu đãi hộ mới thoát nghèo là 450 triệu đồng; nước sạch vệ vinh môi trường hơn 2 tỷ; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là 650 triệu đồng; cho vay giải quyết việc làm trên 30 tỷ đồng; cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hơn 7,6 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội là 330 triệu đồng…

Các nguồn vốn này đã giúp các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn TX Bến Cát có vốn để chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Có thể thấy, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã trở thành động lực quan trọng giúp địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Thực tế 20 năm qua, NHCSXH Bến Cát tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có dịch bệnh COVID-19 bùng phát hoành hành. Thế nhưng những người làm tín dụng chính sách ở thị xã miền đất đỏ Đông Nam Bộ này không hề nản lòng, đoàn kết vượt gian nan, huy động các nguồn vốn từ trung ương, trên tỉnh, các cơ quan doanh nghiệp trong, ngoài thị xã, đặc biệt chủ động khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa phương.

Theo bà Phạm Hồng Nguyệt, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thị xã hàng năm đã bổ sung vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH đến 30,5 tỷ đồng, góp phần nâng tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi toàn địa bàn lên 368 tỷ đồng.

Tất thảy nguồn vốn lớn đó đã được NHCSXH Bến Cát chuyển tải kịp thời tới tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua hệ thống 8 Điểm giao dịch xã và mạng lưới 150 Tổ TK&VV ở khắp làng xóm, khu phố. 2 năm qua, đơn vị còn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa tăng cường ứng phó, phòng chống dịch COVID-19, vừa tập trung huy động vốn nhanh, bảo đảm dòng vốn chảy đều đặn, an toàn đến mọi nơi, mọi lúc.

Và trong những ngày này, cùng với việc triển khai nhiều chương trình cho vay vốn như cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm… Trong đó cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất NHCSXH thị xã Bến Cát tích cực triển khai thực hiện cho vay phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Với phương châm “đưa vốn ưu đãi đến gần dân” hơn và không để người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không được tiếp cận vốn chính sách, công tác cho vay vốn được các đơn vị trực thuộc NHCSXH tỉnh Bình Dương, trong đó có thị xã Bến Cát thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm điều kiện, mở rộng đối tượng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.

Đồng thời, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để các đối tượng có nhu cầu nắm rõ. Từ đó thực hiện thủ tục cho vay vốn, bám sát vào các mục tiêu, nghị quyết của địa phương, chuẩn bị đầy đủ vốn để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian tới.

Đọc thêm