Từ hôm nay, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng cùng các đơn vị bạn thuộc hệ thống tín dụng đặc thù của nước ta bước sang năm thứ 20 xây dựng và phát triển. Những người làm tín dụng chính sách ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long này phấn chấn đón chào năm mới - 2022, với những kết quả, thành tích trong cuộc hành trình 19 năm qua, nhất là có những điểm sáng ấn tượng về thực hiện giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội bền vững trong năm 2021.
Giám đốc NHCSXH Sóc Trăng, Trần Duy Đông là một trong số cán bộ tín dụng chính sách đã trưởng thành và gắn bó gần 2 thập niên liên tục với công cuộc xóa đói giảm nghèo từ trên miền biên ải phía Bắc đến giữa vùng sông nước phương Nam, cho biết: Nhìn lại năm 2021 là năm có đầy khó khăn, thử thách đối với nhiều địa phương các trung tâm kinh tế phía Nam, trong đó có NHCSXH do đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, lây lan rộng, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hệ thống và địa phương đã trở thành “chìa khóa” giúp đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch tốt, vừa huy động vốn nhanh, sớm hoàn thành kế hoạch cả năm, góp phần đắc lực đẩy lùi nghèo nàn, dựng xây cuộc sống no đủ, yên bình.
Nổi bật về hoạt động của NHCSXH Sóc Trăng trong năm 2021 là bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, doanh số cho vay vẫn đạt 1.200 tỷ đồng, với 39.840 khách hàng được vay vốn và mức cho vay bình quân 30 triệu đồng/hộ, tăng 2,4 triệu đồng so với 31/12/2020. Riêng về cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho các lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ cũng đạt 2.500 triệu đồng.
Ý nghĩa sâu sắc từ nguồn vốn chính sách tạo dựng được ngay trong mùa dịch bệnh là do, Ban lãnh đạo NHCSXH Trung ương và Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm chỉ đạo việc tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo tinh thần Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, UBND các cấp ở Sóc Trăng đã ưu tiên chuyển 120 tỷ đồng vốn ngân sách sang NHCSXH đóng trên địa bàn để cho hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Ngay giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại địa phương nhưng do công tác tham mưu đúng của các ban ngành, nguồn vốn từ ngân sách địa phương càng được tăng cường, năm 2021 đã bổ sung đến 18 tỷ đồng, góp lực để giúp đối tượng chính sách vay thêm vốn, sản xuất kinh doanh. Tất cả 11/11 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành kế hoạch chuyển vốn ngân sách năm 2021, dẫn đầu là huyện Châu Thành chuyển 1,2 tỷ đồng, đạt 133%, tiếp theo huyện Thạnh Trị đạt 110%. Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Sóc Trăng còn dành một khoản tiền lớn từ nguồn vốn ngân sách chuyển qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tham gia chương trình phục hồi và phát triển kinh tế tại địa phương.
Cũng trong năm 2021, bên cạnh việc được cấp uỷ, chính quyền địa phương tin tưởng ủy thác thêm nguồn vốn, NHCSXH Sóc Trăng đã tích cực sáng tạo khai thác các nguồn vốn huy động bằng việc phối hợp với Mặt trận tổ quốc tổ chức mạnh mẽ các hoạt động từ thiện gây quỹ vì người nghèo để NHCSXH nhận toàn bộ tiền gửi huy động được cùng với các hình thức huy động truyền thống qua tổ tiết kiệm và huy động tiền gửi dân cư tại trụ sở và trên khắp các Điểm giao dịch xã toàn tỉnh để tạo lập được nguồn vốn lớn, chạm đến đích 4.000 tỷ đồng để đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt xấp xỉ 8%/năm.
Rõ ràng, công tác tín dụng chính sách ở Sóc Trăng có bước chuyển biến tích cực từ việc hội tụ các nguồn lực tài chính về một đầu mối đến sự đổi mới quy trình thủ tục, phương thức truyền dẫn vốn và cấp vốn chính sách. Song hành với thực hiện mục tiêu tập trung huy động nguồn vốn, NHCSXH Sóc Trăng đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Đó là mạng lưới hoạt động của NHCSXH có độ che phủ rộng khắp toàn tỉnh với các phòng giao dịch cấp huyện cùng các Điểm giao dịch tại xã làm điều kiện tiên quyết xóa tình trạng vùng trắng về tín dụng của Nhà nước, đồng thời còn tạo điều kiện cho người nghèo, bà con DTTS tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn chính sách. Các hoạt động ủy thác được tiếp tục củng cố đảm bảo hiệu quả đã làm tốt hơn công việc truyền dẫn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, thế nên năm 2021 dư nợ uỷ thác qua các tổ chức hội – đoàn thể đạt hơn 3.940 tỷ đồng, chiếm 99,87% tổng dư nợ của NHCSXH. Cùng với đó, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được củng cố, kiện toàn đã đảm bảo đủ 3 tiêu chí hoạt động: đủ số thành viên, đủ vốn liếng, đủ tổ trưởng có năng lực quản lý kinh tế, thực hiện việc bình xét, đối tượng vay vốn chính sách công khai, dân chủ, đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, giảm khá nhiều số tiền nợ khoanh, nợ quá hạn.
Nhờ có mô hình tổ chức quản lý phù hợp và mạng lưới rộng khắp nên những người làm tín dụng chính sách ở Sóc Trăng chẳng quản ngại khó khăn tình hình dịch bệnh để bền bỉ, năng động chuyển tải tất thẩy nguồn vốn về 109 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, phân bổ tới 3.176 Tổ TK&VV ở 775 ấp, khóm, giúp hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao cuộc sống. Dòng vốn chính sách được khơi thông, chảy đều đặn. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Không hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn nào bị lãng quên, bị bỏ lại phía sau.
Đơn cử về Vĩnh Châu vốn là huyện ven biển tỉnh Sóc Trăng có hơn 53% số dân là đồng bào DTTS. Trước đây, do xa trung tâm, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư, Vĩnh Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau khi được thụ hưởng các chính sách đầu tư của nhà nước, trong đó có gần 500 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi cho vùng có đông đồng bào DTTS, Vĩnh Châu như khoác lên chiếc áo mới và trở thành thị xã ven biển của tỉnh. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào Khmer nghèo đã chủ động phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, thâm canh đồng ruộng, làm cho cuộc sống đỡ nhọc nhằn, thêm tươi vui. Ông Ngô Hùng, Bí thư thị ủy Vĩnh Châu nhận xét, nhờ nguồn vốn chính sách đến nay, mức sống của người dân tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn cơ bản ổn định và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm xuống còn 5,43%.
Đâu chỉ có Vĩnh Châu, nơi có đông đồng bào DTTS mới có sự ưu tiên đầu tư nguồn vốn chính sách, mà hầu hết các huyện, thị xã khác đều đạt tổng dư nợ trên, dưới 400 tỷ đồng nên đã làm cho cơn khát vốn trong toàn tỉnh dịu lại, cũng như nạn “cho vay nặng lãi, bán lúa non” tồn tại bấy lâu nay ở Sóc Trăng cũng hạn chế nhiều.
Điển hình cho ý chí vượt khó làm giàu là chị Thạch Thị Sà Vượt, xã Hồ Đắc Kiện, vốn là chủ hộ dân tộc Khmer nghèo. Cách đây không lâu, chị được NHCSXH huyện Châu Thành cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi làm chuồng trại chắc chắn, nuôi bò sinh sản kết hợp với tận dụng đất xung quanh nhà trồng rau màu. Nhờ sản xuất phát triển, kinh tế gia đình khấm khá, chị Sà Vượt đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Còn đối với gia đình anh Lê Thanh Vẹn ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách cũng nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi mà có điều kiện mua giống cây tốt, vật tư chọn lọc để trồng và chăm sóc vườn sầu riêng, xoài Cát Chu, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Thực tế ngày nay, những người làm tín dụng chính sách ở Sóc Trăng đã chủ động đồng hành hỗ trợ dìu dắt hộ nghèo đi lên, đánh thức các ấp còn khó khăn bằng những giải pháp đồng bộ không chỉ là việc cung ứng nguồn vốn cho vay mà còn tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ việc định hướng sản xuất, đào tạo nghề, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm...
Nơi đây, đồng bào dân tộc đã coi họ như người bạn thân tín nhất “Bà con quê tôi nhớ rất rõ hồi tháng trước giữa lúc dịch giã, đích thân ông Giám đốc NHCSXH tỉnh cùng cán bộ tín dụng dành thời gian trực tiếp đến thăm mô hình chăn nuôi, trồng trọt của hộ nghèo, lại còn thân tình khuyên nhủ đồng bào mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá có giá trị cao. Đã có NHCSXH giúp vay vốn ưu đãi, kết nối tiêu thụ giúp nông sản”, ông Sơn Hoạt, người Khmer xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu tâm sự.
Từ việc hội tụ được nguồn lực, đổi mới phương thức truyền tải vốn tín dụng chính sách trong năm 2021, nhìn rộng ra đến cuộc hành trình 19 năm ròng rã, NHCSXH đã trọn vẹn với công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở tỉnh Sóc Trăng. Trên vùng đất này đến mùa xuân nay chỉ còn 37.604 hộ nghèo, hộ cận nghèo (tỷ lệ 11,62%), giảm 54.804 hộ (tỷ lệ 16,97%) so với thời điểm cuối năm 2015. Tỷ lệ giảm nghèo ở Sóc Trăng giảm nhanh chóng có phần đóng góp quan trọng của NHCSXH. Một số lĩnh vực sản xuất đạt những dấu mốc quan trọng nổi bật như giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm dẫn đầu toàn quốc, thương hiệu giống lúa ST 25 ngon nhất thế giới được đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ với sản lượng giá trị cao, bánh pía Sóc Trăng xuất khẩu thâm nhập thị trường Mỹ…
Cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở Sóc Trăng tuy gian khó nhưng tạo ra những điểm sáng, gây ấn tượng tốt đẹp. Dòng vốn từ NHCSXH đã và đang chảy đều, giúp cho cuộc sống người nghèo và đồng bào các dân tộc ngày càng no đủ, an lành. Cùng với cuộc hành trình tiếp diễn, những người làm tín dụng chính sách Sóc Trăng phấn đấu thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động mọi nguồn lực, truyền dẫn kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, về tận vùng miền xa xôi, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn cho mục tiêu giảm nghèo, chiến thắng dịch bệnh, thiên tai, dựng xây quê hương rạng rỡ, phồn vinh.
Ngay trong ngày đầu năm mới 2022, chúng tôi nhận được tin vui
* 1- Để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, NHCSXH Sóc Trăng được HĐND tỉnh thông qua Dự án chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025 với tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng tạo việc làm cho 21.000 lao động nông thôn ổn định cuộc sống.
* 2- Được sự hỗ trợ từ Công đoàn NHCSXH và Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trong hệ thống, NHCSXH Sóc Trăng đã thực hiện Chương trình hỗ trợ cho Sóc Trăng xây dựng mỗi huyện một cây cầu dân sinh với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng tổng số 9 cây cầu để nhân dân các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Châu Thành, Vĩnh Châu, Ngã 5, Kế Sách đi lại thuận tiện, vui đón xuân ăn Tết Nhâm Dần. Những hoạt động xã hội của NHCSXH Sóc Trăng thật là ý nghĩa, rất đáng hoan nghênh.