Thông thường, đứa trẻ được sinh ra là niềm hạnh phúc của một gia đình, và vợ chồng nhiều khi quên mình chỉ để toàn tâm toàn ý lo cho đứa con bé bỏng. Trường hợp gia đình anh Vỹ Tân (quận 7, TP.HCM) cũng vậy. Lấy nhau 6 năm trời mới sinh con, hai vợ chồng mừng đến rơi nước mắt. Cả ngày chỉ quanh quẩn gần con, chăm con, cưng nựng con… Nhưng đến lúc sự mừng rỡ đến choáng ngợp đi qua rồi, thì anh Vỹ Tân tự dưng lại thấy… chạnh lòng.
Vì nỗi, từ ngày có con rồi, anh với vợ như hai người sống ly thân. Vợ anh, tất cả niềm vui nỗi buồn, lo toan chăm sóc và mọi thời gian trống… tất tần tật đều dành cho con. Anh đi làm về, chị chẳng thèm ngó mắt lấy một cái, mà vội sai bảo đi bắc nước để chị pha sữa cho con, đi lấy khăn, đi giặt đồ cho con, lên mạng tìm thông tin này kia cho con…
Vốn biết vợ chồng nuôi con nhỏ thì phải tất bật trăm bề, nhưng đến mức vợ chồng không thể dành cho nhau một ánh mắt quan tâm thì anh muốn chịu hết nổi. Có lần anh bệnh, mong được một tô cháo ấm, một ly chanh nóng từ vợ, nhưng vợ anh hầu như không hề quan tâm, chỉ càu nhàu: “Trời ạ, lo cho thằng bé còn không hết mà chồng lại lăn ra ốm (!)”, cứ làm như là anh thích đau ốm để làm phiền lắm. Riết rồi, anh Tân đành lủi thủi chấp nhận thân phận mình là “người thừa” trong mắt vợ.
Nghĩ lại ngày xưa, anh càng chán nản hơn: Hồi đó chưa có con, hai vợ chồng cũng nhiều thời gian để săn sóc nhau, thì chị lại làm khổ anh vì rẫu rĩ, cắn rứt, dằn vặt vì chưa thể có con. Thay vì vợ chồng chăm sóc nhau, cùng nhau hưởng thụ thì chị dắt tay anh qua hết các phòng khám hiếm muộn, đến chùa chiền, đền miếu, thầy cúng tứ phương…
|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Còn anh Trịnh Trung Tín (Gò Vấp, TP.HCM) thì tuyên bố với bạn bè: Chắc tao phải đi tìm bồ nhí thôi, có như vậy thì vợ tao mới sáng mắt ra. Anh nói trong câu chuyện đùa, nhưng đó không hẳn chỉ là câu nói đùa. Vợ chồng đang mặn nồng thắm thiết, sau khi có con, vợ anh bỗng quay ngoắt 180 độ, chỉ biết có con, cho chồng ra rìa. Thậm chí, chuyện nhà chồng giỗ chạp, đau ốm gì chị cũng chả mấy quan tâm.
Con lớn hơn một chút, chị giữ rịt lấy con, ông bà nội muốn cháu sang ông bà chơi quá một ngày cũng rất khó khăn. Anh có dạy bảo, la mắng con thì chị bênh chằm chặp, cưng con chiều con đến mức con như ông hoàng nhỏ, nhiều lúc anh là cha, thấy con đang bắt đầu có tính xấc xược, mà anh lại không thể dạy dỗ. Con trai với mẹ một phe, anh bị ra rìa, nói câu nào ra cũng bị hai mẹ con ùa vào át đi, thành ra anh cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà mình. Nhiều khi, trong đầu anh xuất hiện ý nghĩ: Hay là mình cặp với cô này cô kia cho đời vui vẻ lại?.
Chị em phụ nữ, khi mắc phải bệnh “cuồng” con, suốt ngày chăm bẵm con, coi con là vàng ngọc mà quên mất sự hiện diện của người chồng, nếu gặp được bạn đời tử tế, có trách nhiệm và biết cảm thông, thì may mắn giữ được gia đình. Còn có trường hợp không may, thì gần như là cố ý đẩy chồng mình về phía người đàn bà khác.
Chị Trinh Ngọc, (Thủ Dầu Một, Bình Dương) là một trường hợp. Sinh đứa con đầu lòng bị bệnh mất, đến đứa con gái thứ hai, chị mừng như bắt được vàng, suốt ngày chỉ biết có con. Khi nhỏ thì quấn quýt, chăm nom, lớn lên một chút thì lúc nào cũng mẹ mẹ con con, không rời nửa bước.
Ban đầu chồng chị cũng vui khi thấy vợ chăm con thương con, những dần rồi nhà gần như chỉ có hai mẹ con với nhau. Lúc vui, lúc buồn thủ thỉ tâm sự, chán cơm thì mẹ con rủ nhau ăn tiệm, anh đi làm về đói mặc kệ. Cuối tuần anh bận hay rảnh cũng chẳng để ý, hai mẹ con dắt nhau đi mua sắm, đi khu vui chơi… Rồi khi anh nghe vợ nói chuyện với bạn: "Ôi xời, chồng hả, có con rồi thì chồng xếp xó. Mấy lão chồng chán bỏ xừ, đời mình là để cho con mình thôi…".
Vì câu nói ấy mà chị mất chồng. Anh chán đời, cặp ngay với một cô trong công ty để chị "sáng mắt ra", xem chồng mình có “chán bỏ xừ” hay không. Cặp chơi cho vui, cho đỡ đơn lẻ, nhưng rồi cô bồ có thai, rồi sinh con ra, mà hay hơn vợ anh ở chỗ lại vẫn rất cân bằng trong chuyện vừa chăm con vừa chiều cha của đứa con mình. Thế là anh bỏ vợ, bỏ gia đình nhỏ, bỏ mà không chút tiếc nuối, buồn phiền, cũng không áy náy gì…
Thế mới biết, yêu con thì yêu, nhưng sự cân bằng giữa yêu thương con và săn sóc chồng, vun vén hạnh phúc gia đình còn cần hơn nữa. Dù đứa con là tài sản quý nhất của cuộc đời người mẹ, thì chồng cũng là người cùng chung chăn gối, chia sẻ ngọt bùi, và nếu chỉ yêu con mà quên mất chồng, thì có nguy cơ người phụ nữ sẽ gián tiếp làm mất đi hạnh phúc gia đình, đẩy người bố ra khỏi con mình, để con rơi vào sự thiệt thòi của một mái ấm chông chênh…