Những đêm mưa gió ấy, ba đứa trẻ cháu nội ông Thịnh sẽ dặm dụi cả đêm không ngủ được vì mưa dột. Hôm nào mưa to quá, mẹ bọn trẻ sẽ bế chúng sang hàng xóm ngủ nhờ, có khi cả nhà đi ngủ nhờ. Những thanh gỗ mọt chẳng lại được với trời.
Hơn hai chục năm trước, sau ngày ông lấy vợ, đẻ con, cái nhà được anh em, bố mẹ dựng lên cho ông làm nơi ở riêng. Những thanh gỗ tạp, cái đốn trong rừng, cái xin họ hàng, sẵn rơm rạ trên nương, đem lợp lên trên thành mái. Bao năm nay, chỉ có những lớp rạ mục đen thâm lại, đôi ba năm được chất lại một lần, còn không có gì thay đổi. Vẫn những búi ngô tẻ già câng vắt qua thanh kèo, vẫn những thúng những mủng, những bao thóc ăn dè gác ngổn ngang trên mái như một thứu của để dành.
Năm 2019, xã Phú Linh vẫn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Vị Xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 263/1300, tức khoảng 20%. Cách thành phố Hà Giang hơn 10km, nhưng chỉ vài năm trước, những con đường vào bản vẫn sình lầy, mùa mưa, lũ quét, những bản làng trong xã Phú Linh sẽ đương nhiên trở thành những vùng cô lập.
Hà Giang không chỉ có những cũng đường mây đẹp như tranh vẽ và những em bé dân tộc thiểu số má đào, gùi hoa cải vàng trên lưng. Hà Giang 40 năm trước đã đi qua một mùa xuân đầy mất mát.
Chiến tranh biên giới tháng 2/1979, ông Thịnh khi đấy mới chập chững qua tuổi thiếu niên. Ký ức biên giới những ngày ấy trong tâm trí ông Thịnh chỉ có màu xám của khói thuốc nổ và màu đỏ của máu người. Cha, anh nai nịt lên chốt, cậu em theo mẹ cõng gạo, bế em lên hang tránh quân thù. Bỏ lại sau lưng bản làng xác xơ, vùi trong đất đá.
Mười năm bom dội đạn vang, người thiếu niên lớn lên cũng theo chân anh chị gia nhập quân tình nguyện giữ từng gốc cây nơi địa đầu Tổ quốc đến hết chiến sự mới về bản lấy vợ, sinh con. Tai ông Thịnh ù điếc từ những ngày đi quân, thêm những viên đạn lạc, chỗ này chỗ kia vẫn nhói lên mối lúc trở trời. Nhớ lại chuyện chiến trường, ông chỉ cúi đầu, “đất nước cần, một khi chân còn đi được, tay còn cầm được súng được, thì tôi vẫn lên đường”.
Ông Thịnh - Người cựu chiến binh nghèo
Bảy người nhà ông Thịnh sống dựa vào nương ngô và rừng keo sau nhà, vợ và con chăm trồng là chính. Giữa trập trùng đồi núi ở bản Tha, những mạch đường bê tông đã vươn tới, thấp thoáng những mái nhà sàn cột bê tông, mái tôn kiên cố. Gia đình ông Thịnh là hộ duy nhất còn sum vầy trong chái nhà tranh xiêu vẹo, chỉ chờ một cơn mưa to là đổ sụp. Ước mơ về căn nhà vững chãi, ông Thịnh tưởng có lúc phải để lại cho đời cháu, đời con thực hiện.
Nhưng đó cũng là lúc đội quân áo đỏ Vietlott tìm đến với Hà Giang. Chưa bao giờ biết đến hai từ “ngại xa, ngại khổ”, cánh tay thiện nguyện của người nhà Vietlott đã mang những cây cầu mới đến vùng sông nước An Giang, trao quà cho người bán vé số dạo ở Sài Gòn trong dịch bệnh, mang quà Tết tới người nghèo ở Sơn La, tặng quà cho học sinh nghèo ở vùng núi biên giới Thanh Hoá.
Trong tháng Bảy của những cảm xúc về nguồn nhân dịp triển khai kinh doanh tại Hà Giang, Vietlott tài trợ 120 triệu đồng, xây tặng hai căn nhà tình nghĩa tới các thương binh nghèo của mảnh đất địa đầu, Hà Giang một trong đó có nhà ông Thịnh
Vietlott tài trợ 120 triệu xây dựng 02 căn nhà tình nghĩa nhân dịp triển khai kinh doanh tại Hà Giang
Một chiều tháng sáu, nhận được tin vui, ông Vi Văn Thịnh chùi vội đôi bàn tay chai cộm còn dở dang băm bèo cho vịt, lau nước mắt nhìn vợ, nhìn ba đứa cháu lít nhít. Nghĩ tới việc đêm mưa, chúng được ngủ yên trong căn nhà không dột, ông Thịnh chỉ biết nắm chặt bàn tay nhà hảo tâm, cảm ơn không dứt.
Ngày 9/7 vừa qua, dậy từ sớm, chọn manh áo sạch và diện nhất trong nhà, ông Thịnh mặc vào, ôm đứa cháu trai ngồi đợi ở bậc thang lên xuống của nhà. Hôm ấy là ngày động thổ căn nhà mới. Hàng xóm của ông cũng kéo sang đứng xem xung quanh, ông Thịnh xúc nhát xẻng “động thổ” cho căn nhà mới, mọi người đồng loạt reo vang. Vợ ông Thịnh đứng trong buồng căn nhà cũ, lấy vạt váy chấm nước mắt.
Hơn 20 năm gắn bó trọn đời làm dâu với căn nhà này, giờ dỡ nó đi, bà tiếc nhiều, buồn cũng nhiều. Ông Thịnh định bụng xem còn cây gỗ nào vẫn tốt, tận dụng gá vào căn nhà mới, nhưng trong ruột những rường cột đều đã mọt cả, chỉ có thể dùng làm củi đun.
Căn nhà mới được giữ nguyên cấu trúc nhà sàn truyền thống của người Tày, như căn nhà cũ, chỉ thay thế bằng vật liệu bê tông kiên cố. Lão cựu chiến binh nhìn tổ ấm đang thành hình, bảo bỗng thấy mình như thấy trẻ khoẻ ra. Một mùa mưa lũ lại sắp về, nhưng năm nay, ông Thịnh đã không phải còn thấp thỏm.