Cựu chiến binh Bộ Tư pháp luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

(PLO) - Hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đã tôi luyện, để lại cho đất nước ta trên 4 triệu cựu chiến binh (CCB), trong đó có các CCB Bộ Tư pháp. Các anh, các chị là những người con ưu tú của dân tộc, đã được rèn luyện, chiến đấu, trưởng thành trong các lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng thành lập, tổ chức và lãnh đạo; có những cống hiến rất to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng cách mạng tuyệt đối trung thành với Đảng, có kinh nghiệm trong chiến đấu và xây dựng đất nước. 
Cựu chiến binh Bộ Tư pháp luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.
Cựu chiến binh Bộ Tư pháp luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Trở về với cuộc sống đời thường, cùng với hàng triệu CCB Việt Nam có mặt trên khắp mọi miền của đất nước, các anh, chị CCB Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”, “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, sống nghĩa tình, thuỷ chung, chân thành, giản dị, lành mạnh, có ý thức tổ chức kỷ luật, thẳng thắn, đoàn kết gắn bó với đồng nghiệp, đồng chí và nhân dân, được đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân yêu mến, tin tưởng. 

CCB Bộ Tư pháp có mặt trên hầu hết các lĩnh vực công tác, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể của Bộ, của Ngành, từ Văn phòng (phục vụ,  lái xe, tổng hợp, tham mưu, hành chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ) đến Xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật; Tổ chức theo dõi, thi hành pháp luật; Báo chí, xuất bản; Phổ biến, giáo dục pháp luật, Hòa giải ở cơ sở; Trợ giúp pháp lý;  Bổ trợ Tư pháp, Giao dịch bảo đảm; Nghiên cứu khoa học pháp lý; Đào tạo cán bộ tư pháp, pháp luật; Thanh tra; Hành chính tư pháp; Pháp luật quốc tế; Hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật…

 Nhiều CCB là Chuyên viên, Chuyên viên chính, Chuyên viên Cao cấp, Phó Giáo sư, Giáo sư, Tiến sỹ, Giảng viên cao cấp, Nhà giáo ưu tú. Nhiều đồng chí nắm giữ các cương vị quan trọng trong bộ máy của Bộ, là lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ, cấp Tổng cục, Bí thư các chi bộ, Đảng bộ. Có đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ nhiều khóa liên tục.

 Dù bất cứ ở đâu, giữ bất cứ cương vị nào, làm bất cứ việc gì, các CCB Bộ Tư pháp luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình và luôn đi đầu trong mọi hoạt động của Bộ, của Ngành, tích cực tham gia và đóng góp không nhỏ sức lực, trí tuệ của mình cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Bộ Tư pháp vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của Bộ, của Ngành.

Những thành tích, kết quả, đóng góp của Hội và toàn thể CCB Bộ Tư pháp đã được Ban Cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các tổ chức, đoàn thể thuộc Bộ, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều CCB đã được nhận các phần thưởng xứng đáng, từ Giấy khen của Đảng ủy Bộ, Bằng khen của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội CCB Việt Nam, Kỷ niệm chương của T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng của Chủ tịch nước.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Hội xác định tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế; tranh thủ sự lãnh đạo của Ban Cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư pháp, hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương Hội CCB Việt Nam đối với tổ chức và hoạt động của Hội và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 

1. Coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cho cán bộ, Hội viên của Hội và cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Phối hợp giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong cơ quan, đơn vị. 

2. Tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tính xung kích, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động của Bộ, của Ngành, đặc biệt là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Động viên hội viên khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

3. Tham mưu cho Bộ tiếp tục phối hợp với Trung ương Hội CCB Việt Nam tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN ngày 09/6/2008 giữa Bộ Tư pháp và T.Ư CCB Việt Nam về phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với CCB. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư, tham mưu xây dựng, ban hành văn bản mới, mở rộng nội dung, lĩnh vực phối hợp giữa ngành Tư pháp với Hội CCB các cấp.

4. Ban Chấp hành Hội và mỗi CCB chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hoạt động của Hội; tranh thủ sự đồng tình, hỗ trợ của cơ quan, đơn vị phục vụ các hoạt động của Hội; động viên CCB tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào do Hội phát động, tổ chức.

5. Khắc phục tính hình thức trong sinh hoạt Hội. Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của Hội bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Chú trọng xây dựng tổ chức các chi hội. Quan tâm hơn đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Hội viên bằng những hành động thiết thực, cụ thể.

6. Cơ quan, các đơn vị cần nhìn nhận, đánh giá đúng, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm CCB xứng đáng với phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đóng góp của CCB đối với Bộ, ngành. Cần dành sự quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho CCB, cả trong tổ chức, hoạt động của Hội cũng như trong công tác, đời sống hàng ngày của mỗi CCB. 

Đọc thêm