Cứu sống bệnh nhân suy đa cơ quan kèm nhiều bệnh lý khác

(PLVN) - Chiều ngày 10/8, thông tin từ BS.CK2 Phạm Thanh Phong PGĐ chuyên môn BV ĐKTW CT cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống bệnh nhân suy đa cơ quan do choáng nhiễm trùng nặng kèm nhiều bệnh nội khoa.


Vào ngày 27/7, BV ĐKTW CT tiếp nhận bệnh nhân K.T.H (35 tuổi, người dân tộc Thái, ngụy huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) với chẩn đoán: Nhiễm trùng huyết, thai 18 tuần chết lưu, rối loạn đông máu và lao phổi. Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn chuyên khoa xử lý thai lưu và chuyển đến Khoa Hồi Sức Tích Cực – Chống Độc trong tình trạng suy hô hấp cấp phải thở oxy qua mặt nạ có túi khí dự trữ.

Bệnh nhân có chỉ định đặt nội khí quản và thở máy, hồi sức chống sốc theo phác đồ, huyếp áp thấp phải sử dụng thuốc vận mạch liều cao.Tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, khoa tiến hành hội chẩn và chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu xen kẽ thay huyết tương cho bệnh nhân.

Sử dụng máy lọc máu liên tục để điều trị cho bệnh nhân
 Sử dụng máy lọc máu liên tục để điều trị cho bệnh nhân

Sau thời gian điều trị tích cực theo kết quả kháng sinh đồ, điều trị lao phổi … bệnh nhân tiến triển phục hồi dần, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thực hiện tốt y lệnh bác sĩ điều trị. Xét nghiệm chức năng gan, thận, đông cầm máu, số lượng tiểu cầu dần hồi phục về các chỉ số bình thường. Bệnh nhân đã tỉnh táo, không sốt, bớt vàng da, sinh tồn ổn định. Bệnh nhân đã ngưng thở máy, tiếp tục được theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Hồi sức tích cực.

 Theo Bs.CK2 Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, suy đa cơ quan là tình trạng diễn biến cấp tính của một quá trình bệnh lý có căn nguyên nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng trong đó có suy ít nhất hai cơ quan trở lên và tồn tại ít nhất trong vòng 24 giờ.

Riêng suy đa cơ quan mà nguyên nhân có liên quan nhiễm trùng chiếm tỉ lệ 60-81,5%. Trong đó biến chứng suy gan cấp được xem là biến chứng nặng có tỷ lệ tử vong cao 50 -90% nếu không điều trị hợp lý hoặc không được ghép gan. Và cho dù bệnh nhân được can thiệp lọc máu liên tục là phương pháp kỹ thuật cao điều trị bệnh lý này thì tỉ lệ tử vong vẫn ở mức cao 60,9%.

Đọc thêm