“Cứu tinh” của hộ nghèo

(PLVN) - Trong những năm qua, các chương trình cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giúp hộ nghèo và hộ cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.

“Cú hích” thoát nghèo bền vững

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 của TP, số hộ nghèo cuối năm 2019 là trên 2.000 hộ, số hộ cận nghèo trên 10.000 hộ. Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua đã giúp trên 45.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 9.000 học sinh, sinh viên có vốn trang trãi chi phí học tập; gần 20.000 lao động tìm được việc làm; gần 100.000 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây mới, sửa chữa.

Cụ thể, NHCSXH đã cho vay đối với trên 2.000 hộ, số tiền trên 110 tỷ đồng tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh trên chợ nổi Cái Răng làm du lịch sinh thái góp phần giữ gìn di sản phi vật thể “Chợ nổi Cái Răng”, cho vay với số tiền trên 60 tỷ đồng phục vụ cho công tác nước sạch và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các cấp Hội đẩy mạnh các mô hình làm kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay như: Câu lạc bộ bánh dân gian quận Ninh Kiều; đan giỏ nhựa, chằm nón lá, trồng nấm bào ngư quận Ô Môn; nuôi lươn trong bể ở huyện Thới Lai; nuôi dê, cơ sở đá hoa cương ở huyện Vĩnh Thạnh; hợp tác xã trồng sầu riêng tại huyện Phong Điền…

Ông Nguyễn Văn Đỏ hăng say với vườn cam soàn trĩu quả tại khu vườn của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Đỏ hăng say với vườn cam soàn trĩu quả tại khu vườn của gia đình.

Điển hình là mô hình trồng cam soàn của hộ ông Nguyễn Văn Đỏ, khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Ban đầu do không có vốn nên gia đình ông chỉ trồng với số lượng ít, nhưng về sau khi có chính sách vay ưu đãi từ NHCSXH cho nông dân thì gia đình ông có điều kiện để mở rộng nhà vườn, gia tăng sản xuất. Với sự linh động, có hướng đi đúng, đến nay ông đã bén duyên với nghề gần 10 năm, gia đình đã tận dụng lợi thế đất đai và nguồn vốn ưu đãi xây dựng nên vườn cam hơn 300 gốc, mỗi năm cho năng suất đạt trên 10 tấn. Tùy thuộc vào biến động thị trường mỗi năm thu về từ 300 – 400 triệu đồng.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tận dụng “tấc đất tấc vàng” ông đã sử dụng diện tích mặt nước còn lại nuôi cá tai tượng. Trung bình từ 18 – 20 tháng có thể cho thu hoạch góp phần gia tăng lợi nhuận, vươn lên làm giàu chính đáng. Để có thể giúp đỡ những người nông dân khác đi đúng hướng, hiện nay ông đang là Tổ trưởng Tổ NHCSXH tại khu vực, đóng vai trò vừa tuyên tryền vừa làm cầu nối cho người dân và ngân hàng. “Nhờ vào sự quan tâm của nhà nước, các chương trình cho vay vốn ưu đãi đã giúp đỡ cho dân nghèo không phải chịu cảnh vay nặng lãi. Hy vọng sắp tới phía ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cao hỗ trợ người dân, để chúng tôi yên tâm sản xuất, đầu tư mở rộng mô hình kinh tế”, ông Đỏ chia sẻ thêm.

Để kịp thời đưa các chương trình tín dụng ưu đãi của ngân hàng đến tay người dân, ông Trần Văn Bảy Mươi Lăm, Phó Chủ tịch Hội nông dân (HND) quận Bình Thủy, cho biết: “Hàng tháng, hàng tuần tại các buổi sinh hoạt của Hội đều có lồng ghép tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về chương trình vay vốn ưu đãi, để họ có thể kịp thời tiếp cận. Đến nay, toàn quận đã có gần 3.000 hộ vay vốn, với số tiền trên 100 tỷ đồng. Có thể nói, nguồn vốn trên đã giúp rất nhiều hộ gia đình có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng địa phương ngày càng đi lên”.

"Cánh tay nối dài"

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các cấp, ngành và các tổ chức đoàn thể, đơn vị có liên quan đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Tín dụng chính sách xã hội được xem là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, luôn được quan tâm vào tạo điều kiện để NHCSXH đến gần hơn với hộ nghèo.

Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng tạo điều kiện cho họ có vốn để sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tạo ra thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, hạn chế đẩy lùi tín dụng đen, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là ở các vùng nông thôn; góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.  NHCSXH đã thực hiện phương thức ủy thác tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội TP (HND, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên). Kết quả, với hệ thống tổ chức rộng lớn đến tận các địa phương tại gần 600 ấp, khu vực và thành lập trên 2.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

 

Liên quan đến vấn đề này, NHCSXH chi nhánh Cần Thơ cho biết, kết quả thực hiện hoạt động ủy thác trong giai đoạn 2015 – 2020 doanh số cho vay đạt gần 4.000 tỷ đồng, với  gần 200.000 lượt hộ vay vốn, doanh số thu nợ trên 2.000 tỷ đồng. NHCSXH cùng với các tổ chức Hội các cấp luôn gắn kết với nhau, thường xuyên nắm bắt thông tin thông qua các buổi họp giao ban tại xã, các khó khăn vướng mắc được nắm bắt kịp thời và được giải quyết dứt điểm. Từ đó, chất lượng hoạt động ủy thác ngày càng được nâng lên, chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV được kiện toàn, không để phát sinh tình trạng chiếm dụng.

Nhằm đánh giá và chỉ đạo những phương hướng trong thời gian sắp tới về những hoạt động của NHCSXH, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết: “Để khai thác có hiệu quả nguồn vốn từ NHCSXH, các ban, ngành, đoàn thể cần chủ động phối hợp với NHCSXH tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả… giúp cho hộ nghèo sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bên cạnh những mặt thuận lợi vẫn còn tồn tại một số khó khăn, TP thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, đất nhiễm mặn, nhiễm phèn… Tình hình dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm, đặc biệt là dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì thế, chất lượng chính sách nói chung và chất lượng ủy thác nói riêng cũng bị ảnh hưởng. Đây là những vấn đề mà hoạt động tín dụng chính sách phải đối mặt và cần phải nỗ lực để khắc phục trong thời gian tới.

Đọc thêm