Để góp phần giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19, Đà Nẵng đã kích hoạt mô hình điều trị, cách ly F0 tại nhà, nơi cư trú.
Sau khi UBND TP thông qua kế hoạch điều trị F0 tại nhà, các địa phương đã chủ động triển khai trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng các điều kiện, tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe bệnh nhân.
Việc điều trị F0 tại nhà được đánh giá là mô hình điều trị phù hợp tại Đà Nẵng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong trạng thái bình thường mới, góp phần giảm áp lực cho các cơ sở điều trị, tạo tâm lý thoải mái cho F0.
Để điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế đã ban hành hướng dẫn, theo đó trước cửa nhà phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19”; có thông tin số điện thoại đường dây nóng trạm y tế. Nhà ở phải có phòng cách ly điều trị F0 riêng, tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình...
TP giao các quận, huyện chủ trì phối hợp Công an, Sở Y tế và đơn vị liên quan quản lý các F0 đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn; thường xuyên giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn người thực hiện cách ly, điều trị tại nhà và đảm bảo không xảy ra trường hợp F0 “xé rào”.
Là địa phương đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng kích hoạt Trạm y tế lưu động (YTLĐ) điều trị F0 tại nhà, hiện phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã tiếp nhận, theo dõi, điều trị 10 F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng vừa và nhẹ được cách ly điều trị tại nhà dưới sự giám sát và hướng dẫn của nhân viên trạm YTLĐ. F0 được cấp thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, theo dõi diễn tiến sức khỏe hàng ngày tại nhà.
Đều đặn, nhân viên y tế sẽ đến đo thân nhiệt, hướng dẫn F0 cách xử lý hạ sốt và phát thuốc vitamin C. Khi F0 có triệu chứng bất thường sẽ liên lạc với trạm YTLĐ. Nhân viên y tế sẽ theo dõi bằng app “Da Nang smart city” thông tin các F0 tại nhà.
Phường đã chuẩn bị 2 trạm YTLĐ với 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng/1 trạm trực 24/24h để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người bệnh. Trạm có chức năng kết nối giữa chăm sóc, quản lý F0 tại nhà; đồng thời phát hiện các trường hợp diễn biến nặng, chuyển đến bệnh viện kịp thời. Các y, bác sĩ làm việc tại trạm sẽ sàng lọc những F0 thể nhẹ để giữ lại điều trị. Những trường hợp bệnh nặng hoặc có bệnh lý nền sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên chữa trị.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận cho hay, hơn 70 nhân viên y tế trên địa bàn đã được tập huấn để vận hành các trạm YTLĐ. Mỗi trạm theo quy định có tối thiểu 5 nhân viên y tế. Nếu số ca mắc COVID-19 tăng cao, ngoài nhân viên y tế trong biên chế, địa phương sẽ huy động sự tham gia của đội ngũ y tế trường học, tư nhân hay đã nghỉ hưu trên địa bàn.
Tại quận Liên Chiểu, nơi đang là “điểm nóng” về số ca mắc Covid-19 ghi nhận thời gian qua, cũng đang lên kế hoạch thiết lập 10 trạm YTLĐ tại 5 phường trên địa bàn để điều trị F0 tại nhà. Các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị đã sẵn sàng. Để giảm tình trạng quá tải F0 tại các khu cách ly tập trung, quận Liên Chiểu dự kiến vài ngày tới sẽ triển khai thí điểm điều trị, cách ly F0 tại nhà đầu tiên tại phường Hòa Hiệp Bắc.
Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, cách làm này sẽ giảm tải cho các cơ sở điều trị F0 trên địa bàn cũng như đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh hiện nay.