Đà Nẵng tập trung phát triển điện mặt trời áp mái cho khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, xu hướng sử dụng điện mặt trời được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc biệt quan tâm và triển khai lắp đặt. Với hệ thống năng lượng mặt trời, doanh nghiệp tự chủ được nguồn năng lượng và phần nào làm giảm áp lực lên hệ thống nguồn điện cũng như hệ thống truyền tải. Đáng chú ý, năng lượng xanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và cũng là giải pháp về bài toán kinh tế, bảo vệ môi trường.
Hội thảo trực tuyến Kháng thể năng lượng 4.0.
Hội thảo trực tuyến Kháng thể năng lượng 4.0.

Cuối tháng 11 vừa qua, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa (SolarBK) tổ chức hội thảo Kháng thể năng lượng 4.0 nhằm cung cấp thông tin về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả để hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Trần Văn Việt - đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao, để đáp ứng tốc độ phát triển mạnh mẽ của đất nước, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các giải pháp như phát triển nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường tiết kiệm năng lượng rất quan trọng trong tương lai, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, vận động và tổ chức thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành, toàn xã hội.

Đặc biệt, sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ đã có những quyết định và cam kết hành động mạnh mẽ trong vấn đề giảm phát thải khí nhà kính.

“Với tiềm năng về bức xạ năng lượng mặt trời tại Việt Nam, đồng thời trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những cơ chế, khuyến khích tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng và phát triển các loại hình nguồn điện, đặc biệt là điện mặt trời. Do đó, điện mặt trời áp mái đã có những bước tiến phát triển vượt bậc cả về quy mô và công suất. Điều này cũng đem lại những lợi ích hết sức tích cực như tăng cường nguồn điện cho hệ thống quốc gia, tăng cường tiêu thụ điện tại chỗ, giúp giảm tải cho hệ thống truyền tải và giảm tổn thất điện năng do truyền tải. Ngoài ra, điện mặt trời áp mái cũng đem lại các lợi ích rất lớn về kinh tế cho chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư”, ông Việt nhấn mạnh.

Doanh nghiệp may thêu Thuận Phương sử dụng điện mặt trời áp mái hiệu quả.

Doanh nghiệp may thêu Thuận Phương sử dụng điện mặt trời áp mái hiệu quả.

Tại hội thảo, ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, với số giờ nắng cao, tiềm độ bức xạ trung bình lớn, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời trong thời điểm hiện tại và trong tương lai. Đặc biệt, đối với khu vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ mục tiêu đến năm 2025 tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt gần 80 MW, đến năm 2035 đạt hơn 191 MW.

Trong đó, tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà tại các cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp; cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; khuyến khích, ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu nghỉ dưỡng, điểm nóng về phát triển du lịch trên địa bàn thành phố nhằm giảm tải nguồn lưới điện quốc gia tại khu vực. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng được giao tập trung phát triển năng lượng điện mặt trời trên mái nhà trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Cũng theo ông Sơn, tỷ lệ lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Nẵng mới chỉ đạt tầm 8% trong tổng số hơn 500 doanh nghiệp. Dù trên thực tế, các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu công nghệ cao vẫn còn diện tích mái rất lớn nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư đến điện mặt trời. Thêm vào đó, việc nhà xưởng đã xây dựng từ lâu cũng gây khó khăn cho việc lắp đặt hoặc phải phát sinh thêm chi phí. Ngoài ra, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về công nghiệp xanh hiện chưa cao.

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc SolarBK trình bày tại hội thảo.

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc SolarBK trình bày tại hội thảo.

Phân tích về ưu điểm của năng lượng mặt trời áp mái, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc SolarBK cho biết, với COP26, việc phát triển năng lượng sạch năng lượng tái tạo là vô cùng quan trọng. Về khía cạnh môi trường, điện mặt trời sẽ giúp giảm phát thải khí CO2 tướng ứng với lượng cây xanh được trồng mới. Về khía cạnh tài nguyên, có thể tận dụng mái nhà để lắp đặt điện mặt trời và sẽ giúp nhiệt độ bên dưới mái nhà giảm khoảng 3oC. Về khía cạnh kinh tế, điện mặt trời sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành.

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả cũng tập trung thảo luận, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp xung quanh nội dung về các quy trình chuẩn, tối ưu trong thiết kế, thi công lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống; các vấn đề liên quan đến công tác số hóa hoạt động, giám sát, quản lý năng lượng trong thời kỳ 4.0.

Đọc thêm