Đề án hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của huyện Hòa Vang trở thành những điểm nông nghiệp gắn với khai thác dịch vụ du lịch, gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Nẵng.
Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch, người dân đô thị, giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông; khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng sau đại dịch COVID-19.
Các loại đất được thực hiện mô hình thí điểm gồm: đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất. Tối đa không quá 15 mô hình trên địa bàn huyện Hòa Vang. Mỗi tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện không quá 1 mô hình. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân là người địa phương và các mô hình kết hợp nhiều loại hình sản xuất.
Đề án nêu rõ, việc thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản phải tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng khách du lịch trong ngày, người dân đô thị và trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên.
Các hoạt động không thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng; không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất, rừng; không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi cơ cấu cây trồng; các hạng mục cơ sở vật chất trong mô hình thí điểm phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung.
Đáng chú ý, để tránh biến tướng từ mô hình này, Đà Nẵng yêu cầu việc thực hiện mô hình thí điểm phải tuân theo nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu 70% diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Mô hình thí điểm phải được thực hiện trên đất được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.
Mô hình thí điểm phải có diện tích từ 3.000m (ba nghìn mét vuông) trở lên đối với đất nông nghiệp (gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm), đất nuôi trồng thủy sản; 10.000m (mười nghìn mét vuông) trở lên đối với đất rừng sản xuất.
Đặc biệt, mô hình thí điểm không được cung cấp dịch vụ lưu trú; không để cơ sở hạ tầng trong mô hình thí điểm thành chỗ ở, nơi thờ tự và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng.
Đà Nẵng cũng vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình thí điểm nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, “nói không với túi ni lông và rác thải nhựa sử dụng 1 lần”; có kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách; tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh, thân thiện.
Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Hoà Vang, quản lý việc sử dụng đất đai, rừng sản xuất của các tổ chức, cá nhân thực hiện mô hình thí điểm. Phân công bộ phận chuyên môn tiếp nhận, xử lý, thống nhất cho thực hiện mô hình thí điểm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm được thống nhất theo quy định.
Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tăng quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm của các mô hình thí điểm; hỗ trợ liên kết và hợp tác trong việc xây dựng chương trình tham quan, kết nối tour, tuyến và quảng bá sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Hòa Vang hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) về tài nguyên và môi trường trong quá trình triển khai mô hình thí điểm.