Mỗi người về Đà Nẵng từ vùng dịch phải chi phí cách ly vài chục triệu đồng
Theo đó, hiện tại Đà Nẵng đang có 34 khách sạn với 3.005 phòng và 5.155 giường được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố quyết định thiết lập là cơ sở cách ly tập trung có khả năng phục vụ.
Để tránh trường hợp người thực hiện cách ly đăng ký dàn trải tại nhiều cơ sở lưu trú, Sở Du lịch đề xuất nhóm 3 khách sạn để sử dụng để cách ly tất cả trường hợp đến, về Đà Nẵng từ địa phương có dịch trong đợt 1.
|
Đà Nẵng đón khách thời điểm dịch COVID-19. |
Cụ thể, các khách sạn Seven Sea số 150 Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) tương đương 4 sao, gồm 137 phòng (274 giường) với giá 1,3 triệu đồng/khách/ngày (phòng đơn) và 1,7 triệu đồng/2 khách/ngày (phòng đôi). Hiện, khách sạn này đang phục vụ F1 và khách về từ vùng dịch Covid-19.
Khách sạn Parze Ocean số 13 Dương Đình Nghệ, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) tương đương 3 sao, gồm 90 phòng (180 giường) với giá 1,3 triệu đồng/phòng/ngày (1-2 khách/phòng). Hiện, khách sạn đang phục vụ khách từ vùng dịch về.
Khách sạn Minh Toàn Athena số 162 đường 2/9 (quận Hải Châu) tương đương 3 sao, gồm 60 phòng (97 giường) với giá 1 triệu đồng/khách/ngày loại phòng đơn và 1,2 triệu đồng/2 khách/ngày loại phòng đôi.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, khi sử dụng hết công suất lưu trú tại nhóm 3 khách sạn này thì mới giới thiệu bổ sung 3 cơ sở khác. Đồng thời, sẽ cập nhật hằng ngày tình hình phục vụ của các khách sạn và đăng tải nhóm 3 khách sạn bổ sung tại trang thông tin của Sở tourism.danang.gov.vn để các đơn vị biết và thông tin cho khách. Ngoài ra, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với 1 người trong thời gian cách ly là 3.000.000/4 lần xét nghiệm.
Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đề nghị Công an thành phố chỉ đạo lực lượng trực làm nhiệm vụ tại các chốt ra/vào thành phố kiểm tra kĩ, xác nhận đặt dịch vụ của người thuộc diện phải cách ly tập trung tại cơ sở lưu trú trước khi cho phép vào Đà Nẵng. Sở Giao thông Vận tải đề nghị các đơn vị vận chuyển khách yêu cầu khách là đối tượng thuộc diện phải cách ly tập trung thực hiện đặt trực tiếp dịch vụ với cơ sở cách ly, xuất trình xác nhận của cơ sở cách ly trước khi lên các phương tiện đến Đà Nẵng và từ chối vận chuyển khách không có xác nhận về địa điểm cách ly tại Đà Nẵng.
Cảng vụ hàng không miền Trung phối hợp thông tin rộng rãi về chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng về việc áp dụng biện pháp bắt buộc cách ly y tế tập trung 21 ngày tự trả phí (bao gồm chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2) tại các cơ sở lưu trú được Ban chỉ đạo thiết lập là cơ sở cách ly tập trung đối với tất cả trường hợp đến, về Đà Nẵng từ địa phương có dịch.
Sở Du lịch cũng đề nghị các hãng hàng không khai thác khách yêu cầu đối tượng thuộc diện cách ly tập trung chủ động đặt dịch vụ cách ly tại các cơ sở đã công bố.
Trước đó, ngày 6/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đà Nẵng có kết luận thống nhất áp dụng biện pháp bắt buộc cách ly y tế tập trung 21 ngày tự trả phí (bao gồm chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2) đối với tất cả trường hợp đến, về Đà Nẵng từ địa phương có dịch.
Nhiều người "không có cửa" trở về
Tuy nhiên, thông tin trên lập tức vấp phải phản ứng dư luận. Ngoài số người đồng tình, thu phí cao sẽ hạn chế được người về từ vùng dịch, giảm tải cho thành phố, nhiều bà con lại cho rằng cách làm của chính quyền Đà Nẵng thời điểm này sẽ gây phản cảm. Theo nhiều người, bà con mưu sinh trong TP. HCM không phải ai cũng điều kiện kinh tế ổn định, thành phần lao động nghèo cũng không ít. Để trụ lại TP. HCM lúc này họ có quá nhiều khốn khó nên mong tìm đường trở về vòng tay của người thân, quê hương. Thế nhưng, bà con chưa kịp vui vì thành phố vẫn đón nhận, thì lại vấp phải cái tin thu phí.
|
Văn bản kèm bảng giá khách sạn để thu phí người về từ vùng dịch vấp phải phản ứng của dư luận. |
"Nếu tính giá 1 triệu đồng/ngày như công cố, vậy 21 ngày là 21 triệu chưa kể chi phí xét nghiệm, đi lại, nhu cầu phát sinh…. Hơn nữa, đã về, thường về cả gia đình, ví dụ 4 người chắc cả trăm triệu. Trong khi đó, dịch bệnh thời gian quan vốn làm ăn cũng khó, nên không biết bấu bíu vào đâu", chị Tô Thị Tiên, người dân mưu sinh tại TP. HCM, bày tỏ.
Không chỉ vậy, một cán bộ công tác tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng cũng phải thốt lên: "Chia sẻ với vùng dịch, đón công dân mình về mà thu phí kiểu này có khác gì cấm đâu".
Vì thế, người dân có ý kiến kiến nghị cho rằng, Đà Nẵng nên ra phương án cho cách ly tại khách sạn trả phí với những ai có nhu cầu được hưởng chế độ chăm sóc như nghỉ dưỡng thì đăng ký. Song song, thành phố vẫn đón nhận cách ly tại các khu tập trung như trước, yêu cầu thu phí xét nghiệm, thu phí ăn nhưng giá bình dân để người nghèo khó còn có cơ hội trở về.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện UBND TP. Đà Nẵng trả lời, hiện nay khu cách ly tập trung của thành phố đã đầy, do đó UBND thành phố giao Sở Du lịch tìm các khách sạn với mức giá hợp lý để người dân có thể lựa chọn. Tuy nhiên, để đảm bảo các yêu cầu cách ly, không phải khách sạn nào cũng đáp ứng được. Do đó, trước mắt là chọn 3 đã nêu bên trên. Đồng thời, Sở Du lịch đang tiếp tục tìm các khách sạn có giá hợp lý để người dân có cơ hội lựa chọn hơn.
"Một số khó khăn khi chọn khách sạn nhỏ, có ít phòng (dưới 50 phòng) là không có bếp ăn, giặt ủi. Lực lượng công an, y tế đang thay phiên trực tại các chốt cũng như giám sát công tác phòng chống dịch nên không đủ rải người để canh gác các khách sạn nhỏ", vị đại diện UBND TP Đà Nẵng chia sẻ.
Được biết, trong kỳ báo cáo 8/7/2021, Đà Nẵng tiếp nhận cách ly tập trung 43 người đến từ vùng dịch. Trong đó, TP. HCM là 34 người, Bình Dương là 2 người và 7 người ở tỉnh Quảng Ngãi. Tổng cộng đến ngày 8/7/2021, Đà Nẵng cách ly tập trung 422 người đến từ vùng dịch.