Bên hành lang Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sáng 22/10, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sự việc đáng tiếc đã xảy ra rồi, bây giờ phải tập trung khắc phục.
Theo ông Đỗ Văn Sinh, giải pháp khắc phục trước hết là phải có cảnh báo tốt, cảnh báo rồi thì phải di dời người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở. "Hiện nay, bà con đang sống ở những địa bàn nguy hiểm, nhiều nơi khoét chân đồi, chân núi để ở cũng đặt ra vấn đề cần quản lý thế nào" - ông Sinh đặt vấn đề.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng cho rằng, vừa qua, Quốc hội đã xây dựng nghị quyết về chính sách phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, một trong những chính sách quan trọng là đảm bảo chỗ ở, đất sinh hoạt cho người dân để người dân có chỗ ở an toàn, không phá rừng, không khai thác rừng bừa bãi dẫn đến thảm họa.
Ngoài việc trước mắt đảm bảo chỗ ở thì quan trọng nhất trong số các giải pháp khắc phục là phải có chính sách khôi phục nền kinh tế, khôi phục sức sản xuất.
Về lâu dài, Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, cần tổng rà soát lại tất cả những tác động đối với môi trường, trong đó thủy điện chỉ là một vấn đề, còn tổng thể là chúng ta phải xem xét cả khai khoáng, khai thác rừng… theo hướng bền vững.
Riêng về thủy điện, Chính phủ nên rà soát lại tất cả các công trình thủy điện đã, đang và sẽ làm để đảm bảo “không vì phát triển thủy điện mà hủy hoại dẫn đến tàn phá môi trường để thế hệ hiện nay và mai sau đang và sẽ phải gánh chịu hậu quả” - ĐB nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng chúng ta thực sự đã đánh đổi môi trường để phát triển thủy điện, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh bày tỏ quan điểm: "Không nhìn ở một dự án để “vo” tất cả vào được. Thủy điện vẫn đang được chúng ta phát triển, đây là nguồn điện cần thiết cho nền kinh tế nhưng đúng có một thực tại là các công trình thủy điện nhỏ lẻ có vẻ không được kiểm soát bởi các công trình thủy điện lớn có xảy ra hậu quả gì đâu".
“Các dự án thủy điện nhỏ lẻ có vẻ bị buông lỏng, kiểm soát không chặt, đánh giá tác động môi trường có đúng không, có nên đặt công trình thủy điện ở vị trí đó không, có nên chỉ vì một ít MW mà hủy hoại môi trường không – là những vấn đề chúng ta phải kiểm soát. Nhiều ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến vụ việc đáng tiếc, cá nhân tôi cũng cho rằng có thể như vậy. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vấn đề ở các dự án thủy điện nhỏ”, ông Sinh chia sẻ.
Cho biết đã rất nhiều lần trao đổi về vấn đề quy hoạch điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng nhưng phải bền vững, trong đó có vấn đề môi trường, ông Sinh tiếp tục đề nghị Chính phủ đánh giá tổng kết lại các dự án thủy điện. Bởi đối với thủy điện nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, ngoài tiền chủ đầu tư bỏ ra thì toàn bộ hệ thống đường dây vào trạm là do Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước đầu tư. “Vậy thì hiệu quả ở đâu, tức là phải tính đến bài toán tổng thể, trong đó có bài toán kinh tế, đặc biệt là bài toán về môi trường”, ông Sinh nói.