Đắk Lắk: Công tác bổ nhiệm viên chức quản lý còn gặp nhiều khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 18/5, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý (VCQL) và việc quản lý viên chức (QLVC) theo chức danh nghề nghiệp trên địa bàn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang tại buổi làm việc. Ảnh Minh Huệ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang tại buổi làm việc. Ảnh Minh Huệ

Theo báo cáo, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 37.096 viên chức, trong đó có 12.137 viên chức các đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan cấp tỉnh, 24.959 viên chức các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện. Phần lớn số lượng viên chức tập trung ở ngành giáo dục và ngành y tế, cụ thể: Giáo dục có 28.570 người (chiếm 77%); y tế 6.276 người (chiếm 16,9%); khoa học công nghệ 25 người (chiếm 0,1%); khoa học xã hội 24 người (chiếm 0,1%); văn hóa, thể thao, du lịch 374 người (chiếm 1%); lĩnh vực khác 1.827 người (chiếm 4,9%).

Thực hiện Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác bổ nhiệm VCQL và việc QLVC theo chức danh nghề nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Việc bổ nhiệm VCQL được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Việc QLVC theo chức danh nghề nghiệp đảm bảo đúng phân cấp về QLVC. Chất lượng và số lượng đội ngũ viên chức trong toàn tỉnh được nâng lên, việc QLVC đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, công tác bổ nhiệm VCQL và việc QLVC theo chức danh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Công tác bổ nhiệm VCQL, nhất là VCQL các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế còn gặp khó khăn do có sự chồng chéo về quy định đào tạo bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý theo vị trí việc làm; chưa có sự thống nhất về hạng chức danh nghề nghiệp một số chuyên ngành dẫn đến khó khăn trong việc phân cấp QLVC; Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II của một số chuyên ngành chưa thể thực hiện vì số lượng viên chức đăng ký thăng hạng ít…

Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất đoàn khảo sát một số ý kiến, kiến nghị như: Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn khung cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để UBND các tỉnh làm căn cứ ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh được thống nhất; Đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập để UBND tỉnh làm cơ sở xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp; Cần cụ thể hóa và ban hành quy định pháp luật về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả; Nghiên cứu có chính sách đặc thù cho các ứng cử viên trúng tuyển vào các chức danh nhằm thu hút những người giỏi, xuất sắc tham gia thi tuyển…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đánh giá cao việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác QLVC nói chung của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua. Đoàn khảo sát ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của tỉnh và sẽ tiến hành báo cáo UBPL Quốc hội xem xét, cho ý kiến, qua đó có những đề xuất hợp lý nhằm sửa đổi và hoàn thiện các quy định của pháp luật trong công tác QLVC.

Đọc thêm