Đắk Lắk thông tin nhiều vấn đề về bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Chiều 9/4, Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin về một số kết quả chuẩn bị cho Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin về bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin về bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk cho biết: Căn cứ kết quả hiệp thương lần 2, tổng số ĐBQH khóa XV tỉnh Đắk Lắk được bầu là 9 đại biểu, thành lập 3 ban bầu cử, 3 đơn vị bầu cử. Số đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 75 đại biểu, số đơn vị bầu cử là 20, số ban bầu cử đã thành lập là 20. Số đại biểu HĐND cấp huyện được bầu là 514 đại biểu, thành lập 167 đơn vị bầu cử. Số đại biểu HĐND cấp xã được bầu là 4.699 đại biểu với 1.528 đơn vị bầu cử.

Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk trả lời câu hỏi của phóng viên
 Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk trả lời câu hỏi của phóng viên

Sở Nội vụ đã giải đáp về việc mất con dấu của ban bầu cử cấp xã nhiệm kỳ trước: "Việc mất con dấu xảy ra ở đơn vị huyện M' Đắk nguyên nhân mất là do anh em quản lý sơ  xuất, việc này đã được chính quyền địa phương chứng thực và sự việc đã được báo lên Ủy ban bầu cử tỉnh xin cấp lại con dấu đảm bảo hoạt động bình thường".

Về việc một số đơn vị quân đội xin bỏ phiếu trước so với thời gian quy định, lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin, việc này đang được xin ý kiến, trong đó các đơn vị cần nêu rõ lý do xin bầu cử trước.

Ông Nguyễn Cảnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy mong muốn, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chuẩn bị cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy cho biết, MTTQ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo MTTQ các cấp tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú thường xuyên theo quy định; Chuẩn bị tổ chức tốt Hội nghị Hiệp thương lần ba và tổ chức gặp mặt các ứng cử viên nhằm hướng dẫn ứng cử viên xây dựng Chương trình hành động để tiến hành bầu cử; xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri về vận động bầu cử.

Ngoài ra, hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử như: giám sát việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND, phân bổ đại biểu, giám sát việc lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri, giám sát việc bỏ phiếu và mở thùng phiếu cũng được đẩy mạnh.

Đọc thêm