Đăk Nông: Hàng chục nạn nhân khốn đốn vì người vay “vỡ nợ” hơn 23 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của hàng chục hộ dân tố cáo về việc bà Bùi Thị Thanh Nhung (SN 1974) trú tại thôn Vinh Đức, xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông vay mượn của nhiều hộ với tổng số tiền lên đến 23,4 tỷ đồng, sau đó tuyên bố “vỡ nợ”khiến người cho vay như ngồi trên lửa.
Hàng chục hộ dân tố cáo bà Nhung vay mượn số tiền lớn rồi tuyên bố “vỡ nợ”khiến nạn nhân rơi vào cảnh khó khăn.
Hàng chục hộ dân tố cáo bà Nhung vay mượn số tiền lớn rồi tuyên bố “vỡ nợ”khiến nạn nhân rơi vào cảnh khó khăn.

Tham lãi cao, mất tiền tỷ

Theo đơn các nạn nhân trình bày, lợi dụng sự tin tưởng, bà Nhung tìm mọi cách để né tránh việc viết giấy nợ khi vay tiền, tuy nhiên lại yêu cầu người cho vay ký nhận tiền mỗi khi nhận tiền lãi vay. Dựa vào đó, khi bị tố thì bà Nhung liền đưa các giấy biên nhận tiền đã chuẩn bị từ trước để tố cáo ngược lại. Thậm chí, bà Nhung còn thông tin với cơ quan chức năng là bà bị chiếm đoạt tiền, nhưng lại không có ý định đòi lại số tiền bị chiếm đoạt.

Ngoài ra các nạn nhân cho biết, trong thời gian vay mượn tiền, bà Nhung đã tẩu tán rất nhiều tài sản giá trị do hai vợ chồng đứng tên chủ sở hữu, bằng cách sang tên lại cho con ruột và anh chị em trong gia đình. Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bà Nhung tuyên bố “vỡ nợ” đẩy hàng chục hộ gia đình vào cảnh bần cùng, bởi toàn bộ số tiền các hộ dân có được chủ yếu từ việc vay mượn, thế chấp tài sản cho ngân hàng. Thậm chí, một số hộ trong đó đã bị ngân hàng phát mãi nhà vì mất khả năng chi trả.

Bức xúc, các hộ dân đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Nhung. Tháng 10/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đắk Nông sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu đã thông báo kết quả giải quyết, Công an Đắk Nông cho rằng sau khi vay tiền của bà Trúc, bà Hoàng, bà Trang, ông Hảo, ông Nhật, bà Nhi, bà Hương, Bà Kiều… bà Bùi Thị Thanh Nhung không sử dụng thủ đoạn gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt, không sử dụng số tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả nợ…nên cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Hàng chục hộ trở thành nạn nhân với tổng số tiền bà Nhung đã huy động đã hơn 20 tỷ đồng đang trình bày với PV.

Hàng chục hộ trở thành nạn nhân với tổng số tiền

bà Nhung đã huy động đã hơn 20 tỷ đồng đang trình bày với PV.

Nạn nhân phải bán nhà gán nợ

Ông Đặng Hoàng Minh Nhật (ngụ xã Đức Minh, Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) - một trong hàng chục nạn nhân thế chấp căn nhà đang ở để cho bà Nhung vay - kể lại, 10 ngày trước khi tuyên bố vỡ nợ, bà Nhung đã huy động vay tiền của 6 hộ dân với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ một ngày trước khi tuyên bố vỡ nợ (8/6/2021), bà Nhung đã làm đơn ly dị chồng và được Tòa án giải quyết (7/6/2021). Cùng với đó, bà Nhung tẩu tán 14 loại tài sản trị giá khoảng 15 tỷ đồng trước khi thông báo vỡ nợ. Theo ông Nhật, chỉ trong thời gian ngắn bà Nhung sắp xếp mọi thứ, cho thấy hành vi xù nợ của bà Nhung được tính toán kỹ lưỡng với các hộ dân.

Tương tự, bà Trần Thị Thư (SN1967) kể lại, vì tin tưởng bạn bè, bà Thư giấu gia đình cho bà Nhung vay 4,9 tỷ. Sau khi bà Nhung tuyên bố mất khả năng chi trả, bà Thư lâm vào cảnh trắng tay khi bán hết 4 mảnh đất bà đang sở hữu vẫn chưa đủ trả hết nợ.

“Thậm chí, mảnh đất vợ chồng tôi đã cho các con nay phải xin lại để bán trả nợ. Khi chồng phát hiện sự việc, gia đình xảy ra mâu thuẫn lớn. Đến nỗi, dù bản thân có tiền sử bị bệnh tim, thời gian đầu tôi không dám về nhà, không dám đối mặt chồng con, phải ngủ lay lắt ngoài đường” - bà Thư vừa khóc vừa kể.

Đến nay mỗi tháng bà Thư phải gánh khoản trả lãi vay 24 triệu đồng cho khoản nợ trước đó bà lỡ tin tưởng cho bà Nhung vay mượn. Không chỉ riêng ông Nhật, bà Thư, hàng chục người khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Sau thời gian dài, nhiều lần đến hẹn nhưng không đòi được nợ, khi biết con nợ đã mất khả năng chi trả, không ít người như ngồi trên đống lửa, không ít gia đình mâu thuẫn, rơi vào cảnh khó khăn... Đến nay, tổng số tiền bà Nhung đã huy động đã hơn 20 tỷ đồng.

Đây là hồi chuông đáng báo động khi thực tế hiện nay, phần lớn việc vay mượn tiền chỉ thỏa thuận bằng miệng hay giấy viết tay không phải là hiếm gặp. Đa phần các trường hợp xảy ra giữa những người quen biết nhau, một bên lợi dụng mối quan hệ quen biết, một bên bị hấp dẫn bởi mức lãi cao được đưa ra. Các thỏa thuận vay nợ không cần xác lập cơ sở pháp lý cứ thế diễn ra và ngày càng có nhiều vụ vỡ nợ tiền tỷ cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

Báo PLVN đã liên hệ với các cơ quan chức năng huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Nông để tìm hiểu thêm vụ việc và được hẹn làm việc trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc diễn tiến vụ việc trên.

Đọc thêm