Đầm ấm Tết truyền thống của người Hà Nhì, tỉnh Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày chào năm cũ, đón năm mới của dân tộc Hà Nhì tỉnh Điện Biên không chỉ là dịp thể hiện bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào mà trong đây còn cho thấy nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực với các món ăn truyền thống được chế biến từ nguyên liệu, gia vị đặc trưng.
Bánh trôi là món không thể thiếu trong mâm cúng ngày tết của người Hà Nhì
Bánh trôi là món không thể thiếu trong mâm cúng ngày tết của người Hà Nhì

Với tên tự gọi là “Hà Nhì Già”, người Hà Nhì tỉnh Điện Biên có 2 nhóm chính là Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Tại tỉnh Điện Biên, người Hà Nhì sinh sống chủ yếu ở 21 bản, thuộc 4 xã vùng giáp biên của huyện Mường Nhé, gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn.

Qua nhiều thế hệ, rất nhiều giá trị văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc riêng vẫn được đồng bào Hà Nhì lưu giữ cho đến ngày nay, tiêu biểu phải kể đến là Tết truyền thống (Khù Sự Chà). Sau một năm lao động vất vả, Tết Khù Sự Chà là dịp để những người con xa quê trở về sum họp, đoàn tụ bên gia đình, người thân, báo hiếu tiên tổ, các bậc sinh thành và thăm hỏi người thân, bạn bè, họ hàng, dòng tộc.

Theo truyền thống, người Hà Nhì La Mí ăn Tết vào ngày Thìn, còn người Hà Nhì Cồ Chồ sẽ ăn Tết vào ngày Dần cuối cùng của tháng cuối năm. Để đón tết cổ truyền vui vẻ, đầy đủ, các gia đình trong bản phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ lễ dâng cúng tổ tiên ngay sau khi thu hoạch mùa màng xong. Các lễ vật được chuẩn bị trong ngày đầu tiên của năm mới gồm: Bánh trôi, bát rượu, lợn, bát nước trắng, bát nước chè.

Bánh trôi được làm từ bột nếp nương, rất dẻo và thơm. Chủ nhà sẽ phải nặn ba chiếc bánh thật to, tròn đều, đem nấu chín trước, vớt ra một tấm lá chuối tươi, rắc thêm một chút bột vừng rang chín thơm, đặt lên mâm và bưng vào gian thờ cúng gia tiên để chủ nhà sẽ làm lý cúng. Người Hà Nhì quan niệm rằng, tổ tiên là các đấng bề trên đáng kính, bánh dâng cúng phải to hơn bánh thường thì mới thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên.

Phong tục xem gan lợn của người Hà Nhì ở Mường Tè được lưu truyền từ lâu đời

Phong tục xem gan lợn của người Hà Nhì ở Mường Tè được lưu truyền từ lâu đời

Thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Khi mổ lợn đón tết, người Hà Nhì thường bói gan lợn. Nếu gan lợn lành lặn, màu sắc tươi, mật lợn phải căng dầy thì năm đó chăn nuôi mới phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.

Đối với dân tộc Hà Nhì việc cúng lễ tổ tiên trong ngày Tết không bắt buộc phải là người vợ hay người chồng, nhưng do đàn ông hay công tác, làm ăn xa, nhiều khi không kịp về nhà trong ngày tết nên thường để cho phụ nữ cúng là chính. Vì vậy phụ nữ Hà Nhì khi đi làm dâu giữ vai trò quan trọng trong gia đình chồng và được nhà chồng quý mến, yêu thương như con gái.

Phần cúng kết thúc, tất cả mọi người trong gia đình sẽ tập trung trước bàn thờ để lạy chào tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu năm mới sức khỏe và sự may mắn. Chủ nhà sẽ là người lạy tổ tiên trước, sau đó lần lượt vợ chủ nhà và các con cháu đến quỳ lạy lần lượt mỗi người lạy 3 lạy. Đây là nghi thức quan trọng, thể hiện sự biết ơn của con cháu với tổ tiên, ông bà.

Theo thường lệ, sau khi làm lý vào sáng mùng một, mọi người sẽ đi chúc tết người thân, họ hàng, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên huyện Mường Nhé không tổ chức cho đồng bào Hà Nhì ăn tết tập trung như các năm trước.

Mặc dù vậy, trong mỗi ngôi nhà của bà con Hà Nhì, mỗi thành viên vẫn cảm nhận được không khí đầm ấm, vui vẻ của năm mới. Các nghi thức truyền thống vẫn được diễn ra, mọi người trong gia đình cùng quây quần, thưởng thức những món ăn mang đậm vị quê hương và chia sẻ về những dự định trong năm mới.

Không xô bồ, nhộn nhịp, tết của người Hà Nhì, tỉnh Điện Biên là dịp sum vầy,biểu đạt tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên, ông bà và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị miền sơn cước.

Đọc thêm