Xây dựng các kịch bản cấp điện
Tại cuộc họp, ông Luân Quốc Hưng – Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC - cho biết, ngay từ quý III/2020 EVNHCMC đã xây dựng và ban hành kế hoạch đảm bảo điện năm 2021, đặc biệt chú trọng vào các tháng mùa khô. Theo đó, EVNHCMC đã tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành lưới điện trong mọi trường hợp, trường hợp bình thường và trường hợp tăng trưởng ở mức cao để chủ động nguồn điện đủ cung cấp cho Thành phố.
Ông Hưng cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng điện và công suất cực đại của năm 2020 chỉ sấp xỉ so với năm 2019. Vì vậy, đối với giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2021, EVNHCMC dựa trên số liệu vận hành năm 2019 để tính toán dự báo tăng trưởng phụ tải. Trong đó lựa chọn phương án dự báo tăng trưởng phụ tải ở mức 10% (Pmax đạt 5.025MW) là phương án cơ sở để xây dựng các kịch bản vận hành và thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung cấp điện mùa khô.
EVNHCMC đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát đánh giá và cập nhật các giải pháp điều hòa, cân đối lưới điện hiện hữu theo phương án cấp điện mùa khô năm trước, phù hợp với các kịch bản dự báo phụ tải trong mùa khô năm 2021, đảm bảo lưới điện đáp ứng tiêu chí vận hành N-1; tăng cường sử dụng các giải pháp như máy phát, máy biến áp lưu động, thi công live-line, không bố trí công tác có mất điện để cung cấp điện liên tục cho khách hàng; khai thác dữ liệu từ hệ thống đo đếm từ xa (MDIS) để có các kịch bản vận hành phù hợp trong giai đoạn mùa khô 2021.
Bên cạnh đó, EVNHCMC còn tập trung vào công tác đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ để đóng điện các công trình mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các tháng mùa khô. Trong đó, bổ sung 01 công trình lưới điện 220kV, 05 công trình lưới điện 110kV và 18 công trình lưới điện 22kV. EVNHCMC yêu cầu các Công ty Điện lực có giải pháp triển khai đồng bộ các công trình hoặc dự án đầu tư kiện toàn lưới điện đảm bảo đóng điện vận hành các dự án liên quan đến việc cung cấp điện mùa khô năm 2021 theo đúng tiến độ đã đề ra, xử lý các trạm phân phối đầy/quá tải cơ bản hoàn thành trước 31/3/2021.
EVNHCMC cho biết nửa đầu tháng 3/2021 sản lượng điện tiêu thụ cao hơn sản lượng điện bình quân tháng 2/2021 và cao hơn cùng kỳ năm 2020. |
EVNHCMC đã và đang tiếp tục hoàn thiện kết cấu lưới điện theo định hướng hiện đại hóa, tự động hóa vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Điều khiển xa trong việc giám sát, điều hành lưới điện; khai thác dữ liệu các hệ thống đo đếm xa từ các trạm biến áp 220/110kV và trạm phân phối để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý nhanh chóng cũng như không ngừng nâng cao chất lượng điện năng cung cấp.
Khuyến nghị nhiều giải pháp tiết kiệm điện
Tiêu thụ bình quân ngày của 15 ngày đầu tháng 3/2021 là 76,5 triệu kWh/ngày cao hơn sản lượng bình quân ngày của 15 ngày tháng 3/2020 là 76,2 triệu kWh/ngày. Ước sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 3/2021 đạt 77,3 triệu kWh/ngày tăng 1,97% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3/2020 là 75,8 triệu kWh/ngày và cao hơn ngày bình quân tiêu thụ của tháng 2/2021 là 56,8 triệu kWh/ngày.
Dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4,5,6/2021 tiếp tục tăng cao đạt từ 79,7 đến 81,5 triệu kWh/ngày tăng so với cùng kỳ (tiêu thụ bình quân ngày của năm 2020 chỉ nằm ở mức 73,14 triệu kWh/ngày, có ảnh hưởng giãn cách xã hội). Trong đó thành phần sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ tháng 4 so với tháng 3 sẽ tiếp tục duy trì mức tăng cao như mọi năm: 2018 tăng 23%, 2019 tăng 30,69%, năm 2020 tăng 13,52%. Do đó, tiền điện các hộ gia đình sẽ theo xu hướng tăng cao trong các tháng mùa khô sắp đến.
EVNHCMC khuyến nghị một số biện pháp tiết kiếm điện mùa nắng nóng: Khách hàng, người dân cần thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện vừa giảm nguy cơ sự cố điện vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao. Cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”. Hãy “Tắt khi không sử dụng”. Nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5oC) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà.
Cùng đó, thực hiện vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng. Nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng. Có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng. Không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điểm. Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao. Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên. Thực hiện điều này không chỉ tiết kiệm điện mà còn rất có ý nghĩa phòng dịch Covid-19 hiện nay.
Đồng thời, EVNHCMC kêu gọi khách hàng là doanh nghiệp, các cơ quan công sở cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng. Cài đặt ứng CSKH, hoặc truy cập WEB CSKH của TCT để thường xuyên theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày/tháng để có giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.