Dân bị “móc túi” 3.500 tỷ đồng: Hai bộ lo đùn đẩy trách nhiệm

(PLO) - Trong khi người dân bị “móc túi” hàng nghìn tỷ đồng do sự hớ hênh trong chính sách thuế và quản lý xăng dầu thì 2 Bộ quản lý chuyên ngành lại lo đùn đẩy trách nhiệm cho nhau…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Nóng” trách nhiệm

Những ngày qua, dư luận bức xúc chuyện người dân bị “móc túi” gần 3.500 tỷ đồng do bất cập trong chính sách và quản lý. Trả lời về trách nhiệm của việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới (từ mức thuế nhập khẩu ưu đãi- MFN sang bình quân gia quyền) làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước phát trên VTV1, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi đã phát biểu: “... Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định”.

Phản ứng trước phát biểu này, ngay ngày hôm sau, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có văn bản “phản pháo” do Vụ trưởng Võ Văn Quyền ký. Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định công tác quản lý, điều hành xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP (trước đây) và Nghị định 83/2014/NĐ-CP (hiện nay) về kinh doanh xăng dầu, hai Bộ “đã và đang phối hợp hiệu quả” trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ và phân công của Chính phủ tại các Nghị định này...

Trích Điều 36 và Điều 40 (điểm b, khoản 2) Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương cho hay: “Căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các chi tiêu cân đối vĩ mô và dự báo giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”; “Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn tính giá cơ sở”.

Từ đây, Bộ Công Thương khẳng định: “Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu…”.

Tiếp tục dẫn điểm đ khoản 1 Điều 40 Nghị định 83/2014/NĐ-CP,  văn bản của Bộ Công Thương lưu ý: Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ “chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu”. Nhưng để tăng tính công khai, minh bạch, Điều 39 Nghị định quy định: “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá công khai, minh bạch, đúng quy định”.

“Như vậy, căn cứ vào các mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, phương pháp cũng như các yếu tố đầu vào để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu”- Văn bản của Bộ Công Thương chốt hạ.

Về ý kiến của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi trên VTV, văn bản của Bộ Công Thương cho rằng phát biểu trên là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ theo quy định tại Nghị định 83 trong việc chủ trì, xây dựng chính sách thuế và điều hành giá mặt hàng xăng dầu và “đề nghị đồng chí Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế tích cực trao đổi thông tin với Tổ điều hành giá xăng dầu…” - công văn của Bộ Công Thương nêu rõ.

Không rõ Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) sau đó đã trao đổi thông tin với Tổ điều hành giá xăng dầu chưa, nhưng khi trả lời báo chí ngay trong ngày, Vụ trưởng Phạm Đình Thi vẫn giữ nguyên quan điểm: “Tôi cũng thấy rằng, trong việc điều hành xăng dầu theo Nghị định 83, việc chưa giám sát, chưa đề xuất sớm là trách nhiệm của hai bên, hai Bộ gồm Bộ Tài chính cũng như Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trong Nghị định 83 đã quy định rõ Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì quyết định và công bố việc đó…”.

3.500 tỷ đồng hay bao nhiêu?

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) thẳng thắn: Nếu hai Bộ đùn đẩy thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm.

Ở khía cạnh khác, ông Thụ băn khoăn về khoản 3.500 tỷ đồng mà người dân chịu thiệt. “Cần phải thanh tra, kiểm tra kết luận rõ 3.500 tỷ đồng hay bao nhiêu? Định hướng xử lý cũng phải rõ. Cái nào lợi nhuận tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đầu vào cũng phải tăng theo quy định của Luật. Còn lại phần chênh lệch đó xử lý thế nào? Cần làm rõ cơ sở pháp lý, nếu rõ rồi thì đưa vào Quỹ Bình ổn xăng dầu. Nếu đưa vào được cũng chính là điều hòa giá xăng dầu trong thời gian tới, người dân thiệt giai đoạn trước thì được hưởng lợi giai đoạn sau…”, ông Thụ đề xuất.

Đại biểu Thụ cũng đề nghị  rà soát lại Nghị định 83 và các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu. “Mục tiêu cuối trong giai đoạn tới làm sao việc quản lý thị trường nói chung, quản lý giá xăng dầu nói riêng đừng để xảy ra những trục trặc, đừng tạo ra việc các tổ chức, cá nhân thu lợi mà không dựa vào đóng góp, công sức đầu tư cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của chính tổ chức, cá nhân đó. Từ việc rà soát như vậy phải xây dựng phương án để xem căn cứ theo quy định của pháp luật, sự thu hồi phần đó thế nào”, ông Thụ đề nghị.

Trước đó, trong thông điệp phát ra hôm 19/3, sau khi ban hành Thông tư  48/2016/TT-BTC ngày 17/3/2016, quy định mức thuế MFN đối với xăng dầu (trong đó vẫn giữ nguyên mức thuế 20% đối với xăng), Bộ Tài chính cho biết, thực tế thời gian qua, không phải tất cả hàng hoá đều nhập khẩu từ các nước có ký Hiệp định FTA, và cũng không phải tất cả hàng hoá nhập khẩu từ các nước có ký FTA đều được hưởng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, nhưng thực tế số thuế hoàn theo chứng từ doanh nghiệp nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận số liệu hoàn thuế nhập khẩu này chỉ là số liệu sơ bộ vì có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo. Do vậy, con số hơn 3.500 tỷ đồng không phải con số cuối cùng.

Đọc thêm