Dân ồ ạt trở về vì COVID-19, Gia Lai vẫn chưa nắm được số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khuôn khổ chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 29-30/10 Đoàn công tác của Bộ LĐTBXH do Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) Vũ Trọng Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Dân ồ ạt trở về vì COVID-19, Gia Lai vẫn chưa nắm được số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Gia Lai cho biết: thực hiện Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã phê duyệt và hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ 3.6 tỉ đồng tiền ăn đối với hơn 2.400 người phải điều trị do nhiễm COVID-19 và người phải cách ly y tế. Hỗ trợ 624 hộ kinh doanh với số tiền 1,8 tỉ đồng. Hơn 7.700 lao động không có giao kết hợp đồng với số tiền gần 12 tỉ đồng.

Tỉnh cũng tổ chức đón 1.083 công dân có hoàn cảnh khó khăn trở về từ các tỉnh như Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Dự kiến tính đến ngày 15/11 cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động. Riêng người lao động bảo lưu thời gian đóng BHTN, dự kiến đến ngày 20/12.

Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: “Trước tình hình dịch Covid-19 còn phía Nam diễn biến phức tạp nên người dân còn e ngại, chưa mạnh dạn quay trở lại làm việc. Chính vì vậy, vấn đề tạo việc làm đang gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn trên, tỉnh Gia Lai đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc như: Ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động có đăng ký nhu cầu quay trở lại làm việc tại các tỉnh phía Nam. Cụ thể miễn phí xét nghiệm Covid-19, hỗ trợ xe đưa người lao động đến các tỉnh làm việc, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho một tháng đầu tiên….”

Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc

Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã kết nối với các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, chế độ chính sách đãi ngộ, các quy định phòng chống dịch của từng tỉnh để hỗ trợ đưa người lao động quay trở lại làm việc.

Riêng với các lao động trở về tại địa phương, tỉnh đã tiến hành rà soát, nắm bắt các lao động đang thất nghiệp. Qua đó, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương. Bố trí nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm ủy thác qua Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để hỗ trợ người lao động vay vốn tạo việc làm và khởi nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với người lao động là dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo từ các tỉnh trở về địa phương chưa tìm được việc làm.

Phát biểu tại buổi làm việc chiều 29/10, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong thực hiện chính sách về giải quyết các gói hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, các Sở, ngành tỉnh Gia Lai vẫn chưa nắm được số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách. Thiếu đối thoại với doanh nghiệp và người lao động để nắm rõ hơn khả năng tiếp cận chính sách của người lao động.

Qua báo cáo của tỉnh cho thấy các đoàn thể chính trị như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân... còn mờ nhạt trong việc xác định thành viên của mình đang gặp khó khăn và hỗ các trường hợp tiếp cận chính sách.

Ông Bình nhấn mạnh: “Trước những tồn tại trên, địa phương cần quan tâm, đánh giá nhu cầu lao động tại địa bàn, nhất là lao động thời vụ thu hoạch nông nghiệp sắp tới. Đánh giá tình hình số lao động từ về từ địa phương khác về tỉnh để lao động, sản xuất, qua đó để có phương án hỗ trợ. Tỉnh Gia Lai nên chủ động phối hợp cùng các Trung tâm dịch vụ việc làm Tây Nguyên để xây dựng đề án hệ thống kết nối hệ thống giao dục việc làm nhằm thúc đẩy giao dịch việc làm kết nối cung cầu trên phạm vi toàn Quốc”.

Đọc thêm