Cần giải quyết những khúc mắc trong quy hoạch chợ tạm

(PLO) - Theo phản ánh của các tiểu thương khu chợ tạm Thanh Xuân Nam (trong ngõ 475 đường Nguyễn Trãi), đây là một khu chợ tạm hoạt động cách đây 20 năm, mới đây chính quyền thực hiện quy hoạch lại chợ. Thế nhưng trong việc làm này có sự không công bằng, không đồng nhất và đặc biệt là “có mờ ám” trong quá trình quy hoạch?
Khu vực chợ tạm Thanh Xuân Nam đang được quy hoạch
Khu vực chợ tạm Thanh Xuân Nam đang được quy hoạch
Không minh bạch trong quy hoạch chợ tạm?
Trao đổi với phóng viên (PV), các tiểu thương kinh doanh tại khu chợ tạm Thanh Xuân Nam cho biết, phường Thanh Xuân Nam đang có chủ trương quy hoạch lại chỗ ngồi tại chợ tạm Thanh Xuân Nam, nhưng phần lớn là không quy hoạch mà chỉ quy hoạch lại 1/3 chợ, những chỗ không quy hoạch vẫn được buôn bán kinh doanh tại chỗ. Vì vậy, những tiểu thương trên không đồng ý di chuyển vị trí do thấy như vậy là không công bằng, không đồng nhất và không phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay tại chợ (như việc điện nước còn hạn chế, phải nhờ nhà dân). 
Một tiểu thương cho biết: “Chúng tôi đã buôn bán tại chợ 20 năm nay, đều thực hiện đầy đủ quy định của phường đề ra và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Tất cả đều không nhất trí về vị trí chỗ ngồi với việc phân lô hiện nay. Ban Quản lý cứ áp đặt chúng tôi phải theo cán bộ như thế là có mờ ám, để bán chỗ ngồi, cắt bớt của người cũ để cho người mới vào. Bà con chúng tôi vất vả mới phải ra đến chợ, là người “thấp cổ bé họng” không nói lên được ý kiến của mình, các cấp quản lý cũng không nghe ý kiến của dân mà đã quyết định”. 
Theo tìm hiểu của PV, khu vực quy hoạch của chợ tạm trước đây có khoảng 40 chỗ ngồi, kéo dài khoảng 120 – 150m dọc con ngõ 475 đường Nguyễn Trãi. Theo phản ánh của các tiểu thương, sau khi đoạn đường khu chợ tạm làm xong, ông Hòa (quản lý chợ) là người đã kẻ vạch, chia ô, đánh số thứ tự lên đến 57 chỗ ngồi. Như vậy, khoảng 17 chỗ ngồi thừa ra đó để làm gì, có hay không việc Ban quản lý sẽ bán chỗ ngồi đó? 
Hơn nữa, theo phản ánh của các tiểu thương, nếu mỗi một chỗ ngồi chỉ rộng khoảng 1,3 – 2m, sẽ gây khó khăn cho việc kinh doanh. Nhiều tiểu thương còn phản ánh, khi họp bàn việc thực hiện quy hoạch thì chỉ có một vài người được mời. Thế nhưng, những người đi họp không được phát biểu cũng như đóng góp ý kiến?
Các tiểu thương bức xúc cho rằng mình chỉ được phân chỗ ngồi quá nhỏ
Các tiểu thương bức xúc cho rằng
mình chỉ được phân chỗ ngồi quá nhỏ
Chính quyền khẳng định làm đúng lộ trình
Mong muốn tìm hiểu rõ hơn sự việc, PV đã trao đổi với chính quyền địa phương về những thắc mắc, nghi vấn của những tiểu thương về việc quy hoạch lại chợ tạm Thanh Xuân Nam. Ông Đỗ Kiên Cường, Chủ tịch phường Thanh Xuân Nam cho biết, việc tiến hành quy hoạch chợ tạm Thanh Xuân Nam (trong ngõ 475 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đều được các hộ dân đồng ý. 
Trước đó, trong Công văn số 528/UBND – KT của UBND quận Thanh Xuân có nêu rõ, UBND quận đồng ý về nguyên tắc cho tồn tại của chợ cóc tại ngõ 475 đường Nguyễn Trãi theo đề nghị của UBND phường. Theo đó, UBND phường Thanh Xuân Nam sẽ xây dựng đề án quản lý và có phương án phòng cháy chữa cháy; cam kết tự chịu trách nhiệm trong mọi lĩnh vực hoạt động của chợ theo quy định. 
Theo đó, việc quy hoạch khu chợ tạm Thanh Xuân Nam được dựa trên Đề án quy hoạch lại chợ tạm số 167/ĐA – UBND ngày 5/6/2014, mà phường Thanh Xuân Nam đã gửi lên phía UBND quận Thanh Xuân. Văn bản này thể hiện, từ tháng 11/2005, UBND phường Thanh Xuân Nam bắt đầu quản lý chợ tạm ngõ 475 đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, việc quản lý mới chỉ thể hiện ở việc thu phí, lệ phí chợ và nộp về ngân sách sau khi trích kinh phí bồi dưỡng người làm theo quy định, đồng thời tiếp tục giữ vững an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trong khu vực.
Ông Cường cũng cho biết thêm, trong Quyết định số 69/QĐ – UBND ngày 1/8/2014 của UBND phường Thanh Xuân Nam về việc quản lý, thu phí, lệ phí chợ tạm trên địa bàn phường Thanh Xuân Nam có thành lập Tổ quản lý chợ tạm gồm ông Đặng Xuân Hòa là Tổ trưởng, cùng với 3 tổ viên khác. Tổ quản lý có trách nhiệm sắp xếp, quản lý các hộ kinh doanh, thu phí, lệ phí chợ trên địa bàn phường theo đúng quy định; trực tiếp thanh quyết toán số lượng vé đã phát hành với Chi cục Thuế Thanh Xuân và nộp phí, lệ phí chợ thu được về bộ phận kế toán tài vụ UBND phường vào ngày cuối cùng hàng tháng. Tuy nhiên, trong quyết định thì mức thu phí, lệ phí cụ thể của nhóm mặt hàng kinh doanh như thế nào không được nêu rõ.
Ông Cường trao đổi với PV
Ông Cường trao đổi với PV
Cho đến sáng 12/8, một tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách đã xuống khu vực chợ tạm để thực hiện việc sắp xếp lại chợ. Tuy nhiên, trong buổi sáng ngày ra quân, nhiều tiểu thương đã không đồng tình với việc quy hoạch trên của phường Thanh Xuân Nam. 
Ông Cường khẳng định, việc quy hoạch chợ tạm chỉ để sắp xếp lại chỗ ngồi của những tiểu thương kinh doanh các nhóm mặt hàng khác nhau; không có việc phường thực hiện quy hoạch rồi chia ô, chỗ ngồi để “bán chỗ”. Hiện tại vẫn đang tiến hành, theo đó phường Thanh Xuân Nam sẽ tổ chức một buổi họp với những tiểu thương ở chợ tạm thuộc diện quy hoạch để bốc thăm những vị trí ngồi theo những nhóm mặt hàng cụ thể.
Trả lời về việc quy hoạch chợ tạm Thanh Xuân Nam chỉ được thực hiện ở mặt ngõ 475 (vị trí giáp với bờ tường của Công ty FORD Thanh Xuân, thuộc phường Hạ Đình), còn những tiểu thương khác ở ngách liền kề trong khu chợ tạm không được đưa vào quy hoạch. Ông Cường cho biết, chợ tạm ngõ 475 chỉ quy hoạch khu vực thuộc sự kiểm soát công cộng, còn những vị trí khác (trong ngách) đều trước cửa các nhà dân nên không đưa vào quy hoạch.
Có thể thấy việc tăng cường kỷ cương, trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị là ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của người dân Thủ đô. Chính vì vậy, khi triển khai “Năm Trật tự và Văn minh đô thị 2014” cần giải quyết rõ những thắc mắc, bức xúc của người dân, đặc biệt là những tiểu thương trong việc quy hoạch ở những khu chợ tạm.

Đọc thêm