Chính quyền mập mờ, dân đứng trước nguy cơ phá sản

(PLO) - Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư của 7 hộ dân sinh sống tại cánh đồng tôm Đồng Thành (xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) về việc họ đứng trước nguy cơ mất hết gia sản sau 20 năm gây dựng chỉ vì sự không rõ ràng, nhất quán của chính quyền địa phương.
Người dân hoang mang trước nguy cơ mất trắng cơ nghiệp
Người dân hoang mang trước nguy cơ mất trắng cơ nghiệp
“Sôi nước mắt” gây dựng cơ nghiệp
Hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, năm 1993 hơn 20 hộ dân tại xã Hoằng Phong “khăn gói quả mướp” đi xây dựng vùng kinh tế mới tại cánh đồng tôm Đồng Thành theo hình thức di dân nội vùng. Trước khi định cư tại vùng đất mới, các hộ dân và chính quyền xã Hoằng Phong ký với nhau một hợp đồng kinh tế với nội dung: Giao khoán diện tích lâu dài ở vùng kinh tế mới trong thời gian 20 năm với các điều khoản hỗ trợ cụ thể. 
Ngoài các quyền lợi về mặt dân sinh như: Được miễn nghĩa vụ xa gần, quỹ kinh tế mới, quỹ phòng chống bão lụt trong thời gian 3 năm... thì một điều khoản quan trọng để ổn định cuộc sống lâu dài của người dân được hợp đồng nêu rõ UBND xã đề nghị với UBND huyện Hoằng Hóa cấp cho mỗi hộ 1.000m2 đất ở. Gia đình đào ao, nuôi tôm, đào mương dẫn nước theo quy hoạch dự án, đồng thời tổ chức đắp nền nhà, sân vườn xây dựng nhà cấp 4 xong trước ngày 15/12/1993 Nhà nước mới đầu tư tiền theo quy định của dự án.
Tin tưởng vào những điều khoản trong hợp đồng, các hộ dân đã hăng hái gây dựng cơ nghiệp tại vùng kinh tế mới từ hai bàn tay trắng. Những khổ cực, gian truân suốt hàng chục năm trời thật không sao kể hết, phần lớn các hộ dân sống trong các lều tranh để chống chọi với mưa gió giông bão, đời sống dân sinh gặp phải muôn vàn khó khăn. 
Thời gian đầu nước ngọt không có, người dân phải dùng nước mặn hoặc đi tận sâu vào làng để xin nước, điện sáng không có nhiều thế hệ gắn liền đời sống với những chiếc đèn dầu, đèn bão. Mỗi khi những cơn mưa lớn đổ xuống hay mùa nước lên thì việc di chuyển vô cùng khó khăn vì con đường do bà con đắp lên bằng đất không đủ sự an toàn...
Qua năm tháng chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với cuộc sống khó khăn, gian khó, các hộ dân nơi đây từng bước hình thành nên những mái nhà có phần chắc chắn, kiên cố hơn mặc dù kể từ khi đặt chân tới vùng đất hoang sơ này mỗi hộ dân nơi đây mới chỉ được nhận vỏn vẹn một khoản tiền trợ cấp làm nhà 640.000đ từ chính quyền địa phương. 
Những cam kết về hệ thống điện, đường, trạm... theo quy định của chương trình dự án di dân vùng kinh tế mới cho đến giờ phút này vẫn chỉ nằm trên giấy, dẫu vậy các hộ dân vẫn kiên cường bám trụ với kỳ vọng những thế hệ sau sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. 
Tuy nhiên, mới đây 07 hộ dân còn lại đã nhận được thông báo từ chính quyền xã Hoằng Phong về việc sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng và thu hồi diện tích nuôi trồng thủy sản của các hộ dân vì thời hiệu hợp đồng 20 năm đã hết. Nếu hộ dân nào tiếp tục muốn nhận diện tích giao khoán thì sẽ ký hợp đồng tiếp theo với xã trong thời hạn  5 năm.
Sự việc trên sẽ không có gì đáng bàn nếu như chính quyền xã Hoằng Phong và huyện Hoằng Hóa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với các hộ dân. Vậy nhưng hy vọng về cuộc sống mới đang có nguy cơ tan biến, bao công sức lao tâm gây dựng từ hai bàn tay trắng suốt 20 năm qua đang đứng trước việc bị mất mát… khiến người dân đều trong tình trạng hoang mang, bức xúc và lo lắng không rõ cuộc sống tiếp theo của họ sẽ như thế nào?
Chính quyền nhận sai nhưng...
Trao đổi nội dung trên với đại diện các cơ quan chức năng, chúng tôi nhận được những phản hồi như sau: Ông Bùi Công Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Định canh định cư, Sở NN&PTNN cho biết: “Sự việc xảy ra đã quá lâu nên các tài liệu không còn, chúng tôi đã rất cố gắng nhưng không còn tài liệu của chương trình di dân này. Tuy nhiên, tôi có trao đổi với một vị Chi cục trưởng đã nghỉ hưu thì được biết vào thời điểm đó (năm 1993) thì tỉnh có kế hoạch cho chương trình này và giao cho huyện Hoằng Hóa triển khai”. 
Còn ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa phân trần: “Chúng tôi cũng đang rất đau đầu về trường hợp này, việc các hộ dân đi vùng kinh tế mới là theo chương trình di dân của tỉnh nhưng chỉ là di dân nội vùng nên sẽ không được hưởng quyền lợi về cấp đất ở, các quyền lợi khác thì vẫn được đảm bảo theo chương trình của dự án... 
Còn việc trước đây xã Hoằng Phong ký hợp đồng 20 năm với các hộ dân là sai thẩm quyền nên bây giờ nếu hộ dân nào đồng ý thì sẽ ký lại hợp đồng diện tích giao khoán với xã trong thời hạn 5 năm. Yêu cầu được cấp sổ đỏ về đất ở của các hộ dân nơi đây là không có căn cứ vì tỉnh đã quy hoạch nơi đây thành khu nuôi tôm công nghiệp bền vững, khu vực người dân sinh sống không nằm trong khu vực được Nhà nước cấp đất ở”.
Qua tìm hiểu được biết, 07 hộ dân đang sinh sống tại khu vực Đồng Thành đều là những hộ dân có mặt từ thời kỳ đầu, tất cả đều đi xây dựng vùng kinh tế mới theo Quyết định điều động lao động số 29/QĐ/ĐĐLĐ ngày 23/12/1993 của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa. Trong Quyết định này ghi rõ: Các hộ dân đi xây dựng vùng kinh tế mới được hưởng các chính sách theo quy định tại Thông tư 07/LĐ-TBXH ngày 12/05/1993. 
Tìm hiểu nội dung Thông tư 07/LĐ-TBXH ngày 12/05/1993 thấy quy định: Vùng dự án đưa dân đến phải bảo đảm các điều kiện sinh hoạt và sản xuất cần thiết cho các hộ gia đình về diện tích đất sản xuất, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, đường đi lại... để các hộ gia đình trên vùng đất mới sớm ổn định đời sống, thực hiện các mục tiêu về sản xuất hàng hóa, phủ xanh đất trống, đồi trọc theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; trợ cấp cho hộ gia đình di chuyển trong phạm vi nội tỉnh: Mức chung 2.700.000đ/hộ, trong đó trợ cấp nơi đi 1.500.000đ/hộ, trợ cấp nơi đến 1.200.000đ/hộ.
Một trong những nội dung quan trọng khiến những hộ dân nơi đây bây giờ ăn không ngon, ngủ không yên đó là việc hứa cấp đất ở của chính quyền địa phương đang ngày một mờ mịt, dù trong hợp đồng giao khoán năm 1993 có điều khoản UBND xã đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa cấp cho mỗi hộ 1.000m2 đất ở, thế nhưng qua những văn bản của huyện và xã thì các hộ dân nơi đây sẽ không được cấp đất ở... 
Như vậy,  khi chuyển đổi mục đích  chương trình vào năm 2002, từ chương trình di dân vùng kinh tế mới đến chương trình nuôi tôm công nghiệp bền vững trong khi không có biện pháp giải quyết kịp thời thấu tình, đạt lý mà các hộ dân sẽ không có mảnh đất cắm dùi.Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thanh Hóa nên sớm có chỉ đạo giải quyết sự việc một cách rốt ráo, đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.

Đọc thêm