Chuyện người đàn ông “chống lại nắm đấm” trong gia đình

(PLO) - Tổ chức 22 cuộc triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho đảng viên Đảng bộ phường, hội đoàn và 6 khu vực dân cư; tham gia 565 cuộc phổ biến tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, nhân dân và học sinh; 72 buổi tuyên truyền pháp luật trên hệ thống truyền thanh…  là những con số ấn tượng gắn liền với ông Nguyễn Văn Tùng - một điển hình phòng chống bạo lực gia đình.
Ông Tùng là một trong 7 cá nhân đại diện mô hình phòng chống bạo lực gia đình được gặp mặt Chủ tịch nước nhân dịp Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ hai.
Bí quyết nói ngọt 
Ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, anh thợ hồ tên Quang được nhiều người biết vì không những là "ma men" “nổi tiếng” mà còn là ông chồng rất khoái... đuổi vợ ra khỏi nhà.
Chuyện xảy ra nhiều đến nỗi cứ thấy đang yên đang lành mà vợ anh Quang chạy té ra cửa là hàng xóm biết anh chồng chắc vừa đi nhậu ở đâu đó về. Chuyện đến tai chính quyền phường, ông Nguyễn Văn Tùng - Bí thư Đảng ủy phường, đồng thời cũng là Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình quyết định phải xuống tận nhà để nói chuyện với anh chồng “đặc biệt” này.
“Nếu mình kiên nhẫn, luật sẽ đến được với bà con” là bí quyết của ông Tùng.
“Nếu mình kiên nhẫn, luật sẽ đến được với bà con” là bí quyết của ông Tùng.
Sáng đó, thấy bóng ông Tùng từ xa, anh Quang đã về nhà đóng chặt cửa lại, ra ý đi vắng. Đã dò hỏi hàng xóm từ trước, ông Tùng biết chắc anh Quang ở nhà nên kiên nhẫn gọi cửa. Bất đắc dĩ, anh Quang mang bộ mặt nặng như đeo đá ra mở cửa “đón cán bộ”.
Những tưởng ông Tùng phải “đao to búa lớn” đi ngay vào việc chính, nào ngờ ông Tùng hỏi han anh Quang xem dạo này công việc thợ hồ làm ăn ra sao, thu nhập có khá không, vì ông biết kinh tế suy giảm, nghề xây dựng rất khó khăn. 
Như được cởi tấm lòng, anh Quang kể với ông Tùng dạo này kiếm sống khó khăn đủ bề, đâm ra buồn bực. “Vì thế mà anh cho phép mình uống rượu rồi đuổi vợ ra khỏi nhà phải không?” – ông Tùng nghiêm mặt hỏi. Bất ngờ bị dẫn vào câu chuyện chính, anh Quang cự lại: “Đây là chuyện nhà tui mà, đâu phải chuyện phường. Vợ tui, tui đuổi”.
Mặc kệ thái độ nóng nẩy của người đối diện, ông Tùng vẫn nhỏ nhẹ phân tích việc làm của anh Quang tác hại ra sao với gia đình, xã hội, sẽ bị pháp luật xử phạt như thế nào nếu còn tiếp diễn... Dần dà, anh Quang đã gật gù hiểu ra. Giờ mỗi lần gặp ông Tùng ngoài đường, anh Quang đều hớn hở chào từ xa. Và tất nhiên, chuyện say xỉn vẫn thi thoảng nhưng đuổi vợ thì không còn.
“Hỏi thăm chia sẻ, nói cho hợp chuyện rồi mới khéo léo dẫn vào việc chính” là bí quyết đối đầu với các vũ phu của ông Nguyễn Văn Tùng. Trước khi đến thăm các gia đình có bạo lực gia đình, bao giờ ông Tùng cũng tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân bạo lực rồi từ đó mới lựa lời phân tích sao cho cả đôi bên gây bạo lực và chịu bạo lực đều hiểu ra.
“Hầu hết những gia đình đã được hòa giải đều không tái diễn bạo lực, ở phường cũng chưa có gia đình nào phải ly hôn hoặc có nạn nhân phải nhập viện vì bạo lực gia đình” – ông Tùng cho biết. 
Nếu mình kiên nhẫn, luật sẽ đến được với bà con
Tổ chức 22 cuộc triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho đảng viên Đảng bộ phường, hội đoàn và 6 khu vực dân cư; tham gia 565 cuộc phổ biến tuyên truyền pháp luật với 15.000 lượt cán bộ, nhân dân và học sinh tham dự; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh được 72 buổi có trên 30.000 lượt người nghe; tổ chức thiết lập đường dây nóng qua điện thoại tại cơ quan UBND, giải quyết gần 10 vụ có liên quan tới bạo lực gia đình… đó là những thành quả mà ông Nguyễn Văn Tùng đã làm được trong suốt chặng đường 10 năm làm công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và 3 năm tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình nói riêng tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. 
“Phường An Cư dân cư phổ biến là bà con lao động nghèo, kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình sinh ra cãi cọ, bạo lực. Chúng tôi nhận thấy hầu hết bà con đều không biết đó là bạo lực gia đình, tác hại của nó, mà chỉ đơn thuần nghĩ là cách hành xử bình thường khi buồn bực. Thế nên, chúng tôi quyết tâm phải tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình cho bà con hiểu, vì để bạo lực tồn tại sẽ kéo theo nhiều sự suy thoái khác về đạo đức, kinh tế gia đình” – ông Tùng cho biết. 
Những ngày đầu bắt tay vào việc tuyên truyền luật, chính quyền phường, Ban Chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình gặp không ít khó khăn vì người dân không hưởng ứng. Thậm chí, có buổi tổ chức tuyên truyền chỉ có lác đác vài người đến nghe. Không đầu hàng, ông Tùng và các cán bộ kiên nhẫn đến từng nhà “nói luật” cho mọi người nghe. 
“Nếu mình kiên nhẫn, luật sẽ đến được với bà con” là bí quyết mà ông Tùng sẵn sàng chia sẻ khi nhiều người tận mắt chứng kiến những buổi tuyên truyền pháp luật rất thành công của phường An Cư đã hỏi thăm. Và một điều nữa, nói ra có thể khó tin nhưng là sự thật, đó là từ giữa năm ngoái đến hết năm nay, tại phường An Cư tuyệt nhiên không xảy ra một vụ bạo lực gia đình nào. 

Đọc thêm