"Giải oan" cho tình yêu lịch sử?

(PLO) - Tại sao tình yêu cho môn lịch sử đang dần bị mai một? Lỗi tại thầy, tại sách giáo khoa hay lỗi tại sự thờ ơ của giới trẻ?
Trao giải cho 6 học sinh đạt giải Nhất toàn quốc môn Lịch sử
Trao giải cho 6 học sinh đạt giải Nhất toàn quốc môn Lịch sử
Mới đây, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức lễ tuyên dương và trao thưởng cho 130 học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Trong số 130 em, có 6 em đoạt giải Nhất, 53 em đoạt giải Nhì và 71 em đoạt giải Ba. 
Từ thực tế này một câu hỏi đặt ra phải chăng lâu nay, để lý giải cho những điểm 0, môn Sử vẫn bị mang tiếng oan uổng? Trong khi đó, lỗi nằm ở chương trình, sách giáo khoa và thậm chí là ở cả cách các thầy cô truyền đạt.
Yêu sử nhưng không thể không nghĩ đến “đầu ra”
Ngay tại sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong Lễ trao giải thưởng, sau khi nghe tâm sự của những học sinh giỏi sử và tâm huyết với môn Lịch sử, nhiều người không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng lâu nay, chỉ vì để lý giải cho những điểm 0 môn Lịch sử mà môn học này đã bị mang tiếng oan? 
Tại sao thông thường vào mỗi mùa thi, mùa tuyển sinh, dư luận thường tá hỏa với những điểm 0 của môn Lịch sử, hoặc cả trường chỉ có vài em chọn môn Lịch sử trong môn thi tự chọn tốt nghiệp? Tại sao một môn học về nguồn cội, về niềm tự hào dân tộc lại khiến người ta “rầu lòng” đến vậy? 
Lý giải về những băn khoăn trên, thầy Lê Đăng Thành, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chuyên tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dù rằng Lễ vinh danh hàng năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dành cho những học sinh giỏi sử giống như một liều thuốc tinh thần đối với những học sinh có năng khiếu môn học này, nhưng về mặt chuyển biến trong dạy và học môn Lịch sử dù đã có nhưng chưa có sự thay đổi nhiều. 
Nguyên nhân, theo thầy Thành đó là do “đầu ra” đối với những sinh viên theo sử rất khó khăn. Chính vì thế tác động đến nhận thức của gia đình, của xã hội và của chính người học. 
Đồng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Giang, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT chuyên Sơn La nhìn nhận số lượng học sinh lựa chọn môn Lịch sử để xét tốt nghiệp ít hơn môn Địa lý vì dẫu sao thi Địa lý học sinh được sử dụng Atlat và có thêm 2 điểm ở phần này. Còn Lịch sử lại nhiều kiến thức, nhiều sự kiện khó nhớ nên có thi các em cũng không tự tin để lựa chọn.
Tại thầy hay tại sách giáo khoa?
Bàn về nguyên nhân tại sao học sinh sợ học sử, theo cô Nguyễn Thị Giang, vì khối lượng kiến thức nặng, các sự kiện xảy ra bắt buộc các em phải nhớ. Nhiều sự kiện chồng chất, các em không thể nhớ được. Thời gian gần đây, Bộ GD-ĐT có chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường cũng áp dụng nhiều phương pháp để giúp các em ghi nhớ sự kiện như dạy học bằng trình chiếu và sử dụng tư liệu, hoặc giáo viên hướng dẫn các chủ đề để học sinh về tự tìm hiểu. 
Học sinh có thể tự chuẩn bị một bài thuyết trình có thể trình chiếu. Tạo hấp dẫn thì có nhiều giải pháp: biểu tượng, tranh ảnh, video kết hợp nhiều phương pháp trong tiết học như nói chuyện chuyên đề, mời nhân chứng đến nói chuyện để thay đổi không khí học tập.
Còn theo thầy Lê Đăng Thành, để học sinh yêu thích môn Lịch sử thì vai trò thầy rất quan trọng. Thầy không truyền đạt được kiến thức, không có kiến thức, bài giảng không sinh động thì sẽ không tác động đến người học. 
Ở góc độ khác, PGS. NGƯT Hà Đình Đức thì cho rằng, để yêu sử, người lớn không thể làm thay học sinh, chỉ gợi ý cho họ để họ tự tìm đến. Từ bản thân mình, PGS. Hà Đình Đức cho rằng ông là chuyên gia về Sinh học nhưng lại rất yêu thích môn Lịch sử. SGK chỉ là một phần, hơn nữa, SGK hiện nay lại đưa ra nhiều số liệu khiến học sinh sợ, nếu lịch sử được dạy dưới những câu chuyện thường ngày thì học sinh sẽ dễ nhớ hơn. 
Là một trong 6 học sinh đạt giải nhất quốc gia môn Lịch sử, em Phạm Hồng Ngọc, học sinh lớp 12 chuyên sử, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc cho biết, sách giáo khoa (SGK) viết quá dài. Khi khai thác SGK, Ngọc cho biết em nhớ sự kiện là chính, còn lại là đọc sách tham khảo. Chính vì vậy, thời gian tới nếu thay đổi chương trình - SGK không nên thiên nhiều về số liệu.  
Thực tế, theo cô Nguyễn Thị Giang, hiện mỗi tiết học 45 phút, lượng kiến thức phải dạy rất nhiều. Giáo viên chỉ  cố gắng chuyển tải đầy đủ kiến thức cơ bản trong SGK nhưng học sinh cũng chưa chắc đã nắm bắt được hết. Do đó, với chương trình – SGK mới, cô Giang mong muốn là giảm lược một số sự kiện không quan trọng, nhấn mạnh vào sự kiện có  điểm nhấn để học sinh có hứng thú học hơn.  

Đọc thêm