Kết tội sư giả, ăn mày giả thế nào?

(PLO) - Đánh vào tâm lý thương người của cộng đồng, nhiều kẻ đã giả danh thành người tàn tật, người bệnh, gia cảnh bất hạnh hay nghiêm trọng hơn là giả danh người tu hành để hành nghề ăn xin, trục lợi... hành vi lừa đảo tưởng như đã rất rõ. Nhưng để kết tội những đối tượng này không phải là chuyện đơn giản.
Băng nhóm chuyên giả các nhà sư để ăn xin bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội
Băng nhóm chuyên giả các nhà sư để ăn xin bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội
Lừa gạt bằng vết thương
Ngay trên quốc lộ 1 A, đoạn quận 2, TP.HCM, người đi ngang thường thấy một người phụ nữ trung niên ốm yếu ngồi bên lề đường. Những người thương cảm dừng xe hỏi han, đều được kể bà có gia cảnh rất bất hạnh: Con cái không may chết vì đau ốm, tai nạn, bản thân bà bị bệnh hiểm nghèo, chỉ còn chờ chết, nên ra đây để nhờ vào lòng thương của người qua đường, sống nốt những ngày còn lại... 
Rất nhiều người đi đường đã thương cảm, cho bà tiền... Thế nhưng, trên một số diễn đàn xã hội, hình ảnh người phụ nữ "đáng thương" này đã được vạch trần, bởi nhiều người chứng kiến cảnh vào lúc sáng sớm, bà ta được một thanh niên khỏe mạnh, trai tráng chở đến "thả xuống", và lúc khuya khoắt, cuối ngày lại đến "rước" về. 
Nhiều người tìm hiểu còn được biết, bà ta có nhà cửa, con cái đàng hoàng, sống ở khu vực Bình Thạnh, con cái đứa thì làm nghề thầu đề, đứa thì thất nghiệp, đồng tiền bà kiếm về nhờ lòng hảo tâm đều được họ đem ra ăn xài, nướng vào cờ bạc. 
Kẻ giả bỏng chân để ăn xin ở chùa Quán Sứ đã bị vạch mặt
 Kẻ giả bỏng chân để ăn xin ở chùa Quán Sứ đã bị vạch mặt
Nhiều người ăn xin khác, thì dùng những vết thương, vết lở loét ghê sợ để làm công cụ đánh vào lòng thương của người qua đường. Họ thường quấn băng kín chân và nhỏ màu làm máu trên lớp vải trắng đã cũ kĩ, nhiều người đã công phu hơn trong việc tạo ra những vết thương, vết lở mưng mủ, vết bỏng... giả, đáng sợ như thật. 
Chị Phú, bán quán nước tại khu vực Thoại Ngọc Hầu, Tân Phú, nơi có một "xóm ăn xin giả" tập trung, kể: Không biết bọn họ có một loại miếng dán gì mà lợi hại lắm, dán lên da lành, sau đó nhỏ một dung dịch lên tự nhiên nó sủi bọt, trông như máu mủ thật, khiến ai nhìn cũng hãi hùng. 
Theo chị Phú, có nhiều loại miếng dán và thuốc nhỏ để những người "ăn xin" này hóa trang thành nhiều loại vết thương khác nhau: Vết sần sùi, vết lở, vết hoại tử, vết bỏng... 
"Hang ổ đầu trọc"
Nhưng những kẻ ăn xin giả danh trên còn thua xa thủ đoạn của những kẻ giả danh người tu hành để kiếm tiền từ những người dân hảo tâm, có đức tin. Mới đây, báo chí phát hiện có cả một "hang ổ đầu trọc" trú ngụ tại bến xe Châu Đốc (An Giang), để từ đây, các nhà sư giả túa đi khắp các tỉnh miền Tây, trục lợi trên lòng thương của mọi người. 
Có nhóm sư giả chuyên khất thực để xin tiền "cúng dường" của người dân, có nhóm sư giả bán nhang, quyên góp tiền xây chùa... Chúng đã lừa được không ít người, thu nhập hàng ngày khá cao, đáng nói là tiền kiếm được, các nhóm sư giả dùng vào những việc bất chính: Tiêu xài cá nhân, cờ bạc, chích hút, mua dâm... 
Thời gian trước đây, một hình ảnh lan truyền trên internet đã gây sự phận nộ trong nhiều người dân: Một nhóm "sư giả", sau khi khoác áo tu hành đi "kiếm ăn", đã tụ tập chè chén, trên bàn tiệc ê hề bia, rượu, thịt chó...
Ngay tại Sài Gòn, hàng ngày, người dân vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy các nhà sư đi lẻ tẻ hoặc thành nhóm, bán nhang, khất thực xin tiền dọc các con đường. Giáo hội Phật giáo đã không cho phép các sư đi bán nhang hay quyên góp tiền xây chùa nữa, cũng như mới đây đại diện Giáo hội cũng cho biết, tu sĩ khất thực không được phép nhận tiền của người dân, thì vẫn còn rất nhiều người, do lòng mộ đạo của mình, vẫn "mắc lừa" các sư giả này.
 Bên cạnh đó, giả danh để ăn xin, những đối tượng này dùng khá nhiều thủ đoạn để "moi" bằng được tiền trong túi người đi đường: Quan sát con mồi, chèo kéo đúng đối tượng có tiền và sẵn lòng, đánh vào sự chú ý và thương cảm của du khách nước ngoài, thuyết phục, đeo bám...
Chỉ có thể xử phạt trong một vài trường hợp
Những kẻ ăn mày giả, sư giả này đều khá kín kẽ, thủ đoạn tinh vi khiến chúng hiếm khi bị phát hiện, vạch trần. Chọn những  đường đi lắt léo, trải qua nhiều chặng từ xe máy đến xe đò, xe bus, kín đáo thay đổi phục trang và kĩ thuật hóa trang "điêu luyện" đã khiến những kẻ giả mạo này hầu hết tránh được con mắt của người dân, và cũng hầu hết chưa có tố cáo nào từ dân, nên xử lý của chính quyền đối với các đối tượng này cũng gần như chưa có bao nhiêu.
Đáng nói, số tiền kiếm được của những kẻ giả danh này có thể nói là "khủng". Theo như chị Phú, người bán quán nước nói ở trên, những ngày ít ỏi, nhóm giả danh người tàn tật để ăn xin cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng - 1 triệu/ người. Nhiều điều tra từ báo chí cũng cho thấy, thu nhập của những kẻ ăn xin giả danh ở mức trên dưới 30 triệu đồng/ tháng.
Bởi thế mới có chuyện, không hiếm những người sáng đi ăn xin, tối về ăn mặc đắt tiền, lui tới những nhà hàng, quán bar sang trọng, hay dư giả để sắm mỗi tháng vài chỉ vàng cất để dành... 
Về những hành vi nói trên, LS Huỳnh Phước Hiệp, Văn phòng LS Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn LS TP.HCM phân tích: “Truyền thống đạo đức của người Việt Nam là “lá lành đùm lá rách” nên khi gặp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì nhiều người sẽ không ngại ngần góp chút tiền để giúp đỡ họ qua cơn khốn khó. Đây là điểm mà những người xấu khai thác để lợi dụng. 
Hành vi giả nghèo, giả khổ hoặc tự hủy hoại bản thân, lợi dụng lòng thương người để xin tiền hiện nay pháp luật chưa có quy định xử lý cụ thể. Hành vi này xuất phát từ bản thân người đi xin, có khi người cho tiền vì thấy thương nên cho chứ giữa người ăn xin và người cho không có bất cứ một sự giao tiếp nào.
Người ăn xin trong những trường hợp như vậy có sự gian dối nhưng hành vi này chưa thể kết luận là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139, điều 140 của Bộ luật Hình sự được. 
Hiện tại pháp luật chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn với mức từ 10 đến 15 triệu đồng theo khoản 3 điều 27 nghị định số 144/2013/NĐ-CP.
Trường hợp, người ăn xin giả danh người của tổ chức từ thiện bằng cách giả văn bản ủy quyền để quyên góp tiền rồi chiếm đoạt dùng cho cá nhân hoặc giả nhà sư lừa dối người khác bằng cách nhận tài sản của người khác để “làm phép” rồi chiếm đoạt luôn thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 của Bộ luật Hình sự. 
Ngoài ra, cũng đã có nhiều trường hợp khác là sư giả đi bán tượng, bán vòng ngọc có “phép”, được “ấn” dụ dỗ người khác mua để gặp may mắn, thì hành vi này có thể cấu thành tội Lừa đảo.
Và, một điều khác quan trọng hơn, đó là những kẻ giả danh lừa gạt nói trên đã khiến lòng tin và tình thương của con người ngày càng mai một đi vì những đề phòng... Bởi, với những hành vi “bán đạo đức, bán sỹ diện giá rẻ” kiểu như vậy thì đến một lúc lòng trắc ẩn của con người sẽ gần như không còn và đến lúc này thì những mảnh đời bất hạnh sẽ càng bất hạnh thêm”.

Đọc thêm