Ông lão thầy cúng giữ gìn Sình ca của người Cao Lan

(PLO) - Thầy cúng Sầm Văn Dừn (65 tuổi, ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) luôn tâm nguyện với nền văn hóa của dân tộc. Trải qua nhiều năm sưu tầm và nghiên cứu, hiện lão Dừn có bảy cuốn sách cổ về hát Sình ca. 
Trong lễ cúng cơm mới, cầu mát nhà, giải hạn, lão đều “phù phép” bằng chất liệu Sình ca. Qua nhiều cuộc thi về bảo tồn văn hóa dân tộc, lão đã chắt lọc và đem đến sự bất ngờ bởi tiết mục mang âm hưởng Sình ca của mình. 
Một điệu nhảy trong khi cúng Sình ca của lão Dừn
Một điệu nhảy trong khi cúng Sình ca của lão Dừn 
Đặc sắc sự tích Sình ca 
Trong góc sinh hoạt của riêng mình, lão Dừn đang ngồi dịch chữ Nho, trên bàn là những cuốn sách cổ dày cộm. Biết có phóng viên đến thăm, lão liền chỉ tay vào sách và nói: “Những cuốn sách này được các cụ chép lại bằng chữ Hán, chủ yếu nói về Sình ca. Mấy năm về trước, tôi phải lặn lội lên các tỉnh vùng cao như: Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên sưu tầm”. 
Theo lão Dừn, cúng và hát Sình ca bắt nguồn từ tích truyện nàng Lưu Tam và chàng Dừn (Kó Làu Slam – Kà Săn Chới). Chuyện được nàng sáng tác bằng thơ, đó là tình yêu của một người con gái chung thủy”. 
Theo câu chuyện của lão Dừn, nàng Lưu Tam là một người con gái nhà nghèo, rất xinh đẹp và có tài thơ ca. Vẻ đẹp của nàng khiến bông hoa rừng không dám nở, nàng nói chuyện bằng thơ, hát lời của núi. Lời hát của nàng đẹp như bông hoa rừng, bay qua ba ngọn núi, bảy cánh đồng lúa chín vàng trời. Giọng của nàng trong như tiếng chim hót, khiến dòng suối ngừng chảy, ngọn gió ngừng bay. Bằng giọng hát lả lướt của mình, nàng mong cho người nghèo ăn nên làm ra, kẻ ác phải hướng thiện.
Biết nàng là người tài giỏi nên anh trai và chị dâu đã cấm nàng ca hát vì sợ liên lụy đến bản thân. Chị dâu và anh trai bắt nàng lấy người mà nàng không yêu, đó là một anh chàng giàu có, uy quyền nhất trong làng. Cuối cùng nàng quyết định bỏ nhà đi tìm tình yêu đích thực của mình. Bởi trong lễ hội năm trước, nàng đã gặp chàng Dừn và hai người đã thề non hẹn biển. 
Nàng tìm chàng Dừn và được ông thần đất bảo: “Con muốn gặp chàng Dừn thì phải hỏi con chim chín đầu”. Chim chín đầu lại bảo nàng phải đi qua ba ngọn đồi, đến núi chín khúc thì mới gặp chàng.  
Lão Dừn bảo: “Nàng Lưu Tam đi mãi, đến ngày cuối cùng thì chết ở dưới gốc thông. Xác của nàng nằm xuống khiến cho cây chết trụi. Qua một đêm mưa gió, tự nhiên dân làng nhìn thấy cây thông vươn cành rồi mọc lá và gió reo vi vu như tiếng sáo. Người xưa cho rằng đó là hồn của nàng Lưu Tam nhập vào cây thông. Sau đó xuất hiện một con chim lông trắng đậu trên ngọn cây để nghe hát. Đồng bào cho rằng con chim này là chàng Dừn biến thành, đó chính là người yêu đích thực của nàng”.
Cho đến ngày nay, chuyện tình của nàng Lưu Tam vẫn được người đời kể lại cho con cháu nghe. Họ tin nàng Lưu Tam là một nghệ thuật. Nàng chính là hiện thân cho cái đẹp, cái cao cả, một giá trị đạo đức nhân văn, tinh thần sáng láng. Chuyện kết cục bi ai nhưng hòa vào cõi vĩnh hằng, vì thế mà nó đã trở nên cao sang và bất diệt.
Sách viết về hát Sình ca bằng chữ Hán được lão Dừn sưu tầm
Sách viết về hát Sình ca bằng chữ Hán được lão Dừn sưu tầm 
Tỏa sáng nhờ “hồn cốt” Sình ca
Chính vì nguồn gốc của Sình ca là văn hóa, nó có sức lan tỏa đối với cộng đồng Cao Lan nên lão Dừn đã ngày đêm nghiên cứu. Cũng theo lão Dừn, Sình ca có thể hát mọi nơi, mọi chỗ. Lão Dừn có thể hát trong đám cưới, trên lưng chừng đồi, bên bờ suối, bến đò hoặc trên đồng ruộng. Sình ca hát 36 ngày đêm cũng không hết, chủ yếu ca ngợi tình yêu đôi lứa, phong tục tập quán, cỏ cây hoa lá, đồng lúa chín vàng... 
Do lão Dừn là thầy cúng lại được học chữ Nho từ bé nên những cuốn sách cổ ông sưu tầm luôn là tài sản quý giá. Ngày nào lão cũng tìm tòi, chắt lọc những nét độc đáo trong sách để truyền cho các thế hệ. 
Đối với dân tộc Cao Lan, hát Sình ca phổ biến nhất là vào mùa cưới hỏi, đó là dịp để các đôi trai gái tỏ tình, hẹn hò. Hát trong đám cưới người ta chia thành hai phần. Phần một hát vào lúc rước dâu, khi nhà trai đến cửa thấy nhà gái giăng vải xanh, đỏ chắn ngang đường, bên kia nhìn thấy là phải hát rồi. Phần hai được tổ chức vào ban đêm, lúc này các đôi trai gái sẽ hát đối đáp cho đến sáng hôm sau. Ở đám tang người ta hát ít hơn, chỉ khoảng hai mươi câu, chủ yếu là dành cho thầy cúng. 
Lão Dừn phân tích: “Nguyên tắc hát Sình ca thường có bảy nhịp, ví dụ như: “Làng lài hềnh cù nhảu táng cái/ Ta kín nhau và tù tú ai/ Sà sáu tùn chìn dìn mòn mọi. Nghĩa là anh đi qua một cái đầm Sen, anh thấy hoa nào cũng đẹp và đều muốn hái. Anh muốn hái một bông nhưng không biết đầm sen nhà nào lại nở đẹp như vậy”. 
Cũng theo lão Dừn, bông sen ở trong đầm được ví như các cô gái bản. Các chàng trai, cô gái thường sử dụng Sình ca để chọc ghẹo nhau. Xưa kia nếu ai có chồng thì sẽ không hát, ngày nay hát Sình ca đã trở nên phổ biến cho cả trẻ nhỏ lẫn người già. 
Những năm 1990, lão Dừn quyết định dịch và biên tập thành sách hát cho đồng bào, nhiều người họ thấy đây là một kho tàng văn hóa đặc biệt nên rất hưởng ứng. Sau đó ông mở lớp dạy hát cho trẻ nhỏ và được sự ủng hộ của nhiều người. Cũng từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì Sình ca mới được Đảng và Nhà nước chú trọng, chính vì vậy mà đội văn nghệ của xóm đã được ông Dừn thành lập và luyện tập. 
Trống sành, nhạc cụ đi kèm với điệu hát Sình ca của người Cao Lan
Trống sành, nhạc cụ đi kèm với điệu hát Sình ca của người Cao Lan 
Cần lưu giữ di sản văn hóa dân tộc
Từ khi được hình thành, với tâm huyết và lòng nhiệt tình của người con Cao Lan, Đội văn nghệ của lão Dừn đã giành được rất nhiều giải thưởng từ xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Lão Dừn được nhiều người khen ngợi, đặc biệt là chính quyền địa phương. Đây là động lực khích lệ để ông tiếp tục nghiên cứu nền văn hóa của dân tộc mình. 
Lão Dừn bật mí: “Khi tập hát chỉ có ngồi chứ không múa, ai cũng giữ ý tứ và rất nghiêm túc. Nếu hát không thuộc lời thì người ngoài sẽ nhắc hộ”.
Hiện tại lão Dừn đang soạn thảo hơn mười chương mục về hát Sình ca. Nếu hát cả cuốn thì một đêm cũng không xong. Lão Dừn nói: “Tôi chỉ muốn soạn ra để nhiều người biết, đồng thời muốn truyền đạt lại cho con cháu về cuội nguồn của dân tộc mình. Việc dạy hát Sình ca cho các cháu nhỏ là rất khó, vì nhiều cháu vẫn chưa ham”. 
Anh Lý Văn Hiếu (23 tuổi), cháu ông Dừn góp chuyện: “Hồi nhỏ ông vừa hát vừa dịch thì tôi mới hiểu nghĩa. Lớn lên tôi tiếp tục tham gia vào Đội văn nghệ của bản và đã giành được rất nhiều giải thưởng từ tỉnh và Trung ương trao tặng”. 
Đến này lão Dừn đã có hai Huy chương Vàng và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có công giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Khi được chúng tôi hỏi về những bí kíp trong các tiết mục nhận giải, tạo dấu ấn cho khán giả, lão Dừn cười và bảo: “Ở trong cái bản này tôi là thầy cúng. Những bài cúng của tôi mang âm hưởng Sình ca, đó là nét đặc trưng của dân tộc Cao Lan. Đầu tiên tôi nhảy một lượt, sau dâng hương rồi làm lễ khai đèn. Vốn quý này được tôi chắt lọc, gọt tỉa mới có được”. 
Với lão, quan trọng nhất là lúc đánh trống và hô quân bằng tiếng Cao Lan khiến người xem cảm thấy linh thiêng. Vì bản thân là thầy cúng nên các tiết mục mà lão biểu diễn thường mang vẻ huyền bí, tạo được điểm nhấn cho người xem. Khi đứng trên sân khấu, lão thường mặc đồ thầy cúng hoặc sắc phục màu xanh của dân tộc. Đi kèm với trang phục là túi đựng dao được lão vắt chéo lên vai cho đúng tập tục. 
Cũng theo lão Dừn, nhạc cụ đi kèm chỉ có một chiếc trống sành. Lúc biểu diễn, lão thường đánh trống và kết hợp với các điệu nhảy. Tiết tấu trống để giữ nhịp là tắc sình, tắc sình. Các động tác nhảy được lão mô phỏng lại việc cấy hái, cày bừa, tra hạt ngô… 
Tất cả những động tác này, lão Dừn đều chắt lọc trong các cuốn sách cổ, thấy điệu nào đượm chất văn hóa thì lão sử dụng. Bởi các tiết mục mà ông dàn dựng thường mang âm hưởng truyền thống và giữ được cái hồn của đồng bào Cao Lan.
Từng là Bí thư Chi bộ xã Đại Phú, Trưởng thôn Mãn Hóa nên lão Sầm Văn Dừn luôn trăn trở về việc bảo tồn và lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Dưới mái nhà ấm cúng thắm đượm tình người, những cuốn sách cổ vẫn được lão miệt mài dịch ra tiếng Việt để dạy cho con cháu. 
Hy vọng rằng, người dân thôn Mãn Hóa và đồng bào Cao Lan tiếp tục vun đắp, gìn giữ những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc. Qua đây cũng mong Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát triển nền di sản trong các đồng bào dân tộc thiểu số.

Đọc thêm