Tính luôn năm nay nữa là đã ba mùa “mía đắng” liên tiếp, bao nhiêu gánh nặng áo cơm lại đè nặng trên đôi vai những người dân trồng mía. Suốt một mùa chịu cảnh nắng mưa nhưng đổi lại sự trông đợi ấy là nỗi tuyệt vọng mất mùa.
Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” mỗi năm lại dài hơn, không vì lý do này cũng vì chuyện khác như thách thức lòng kiên nhẫn của người dân. Mỗi vụ mùa thất bát đi qua lại làm thuyên giảm niềm tin của người dân vào cây mía, họ không còn tin cây mía sẽ giúp họ ổn định, ấm no.
Mía không còn là niềm tin đổi đời mà trở thành gánh nặng đối với người dân |
Năm 2017, đâu đâu cũng thấy cảnh nông dân thu hoạch mía chạy lũ. Lúc đó dù thấp nhưng giá mía cũng còn tầm 900 – 1.100 đồng/kg. Đếnnăm 2018, nước lũ lại tiếp tục dâng cao và giá mía không ngừng xuống dốc, chỉ còn 700-800đ/kg. Cứ nghĩ giá mía như thế đã là thấp nhất trong lịch sử trồng mía nào ngờ mùa vụ năm nay giá mía lại tiếp tục tụt dốc như xe không thắng ở mức 600-700đ/kg.
Ác cái là, giá đã rẻ mà nhân công thu hoạch lại quá cao, có những chỗ lên đến 300.000/ tấn mà còn không có người làm, “trồng vất vả cả năm, giá thấp đã lỗ bây giờ còn phải chia đôi với nhân công thu hoạch, hết biết sống đường nào, riết rồi làm thuê còn sướng hơn làm chủ nữa”. Người dân như chết lặng và ngán ngẩm “bài ca cây mía”.
Nắng mùa này không oi ả và gay gắt nhưng ở những vùng mía nguyên liêu lại như thiêu đốt, chát lòng, nát dạ nông dân. Tìm về thủ phủ mía đường Hậu Giang, dọc các tuyến nông thôn thuộc huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và TP Vị Thanh nhiều bà con tất bật thu hoạch mía. Thực ra thì thu hoạch cho chứ chẳng vui vẻ gì. Nhiều người thu cho xong vụ, cho ruộng trống để làm việc khác.
Từng là địa phương có diện tích mía lớn nhất ĐBSCL, có niên vụ diện tích trồng mía ở Hậu Giang lên đến 14.000 ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 8.000 ha. Cứ cái đà này thì không sớm thì muộn người dân cũng từ biệt cây mía. Nguy cơ nhà máy đường sẽ mất vùng mía nguyên liệu trong một ngày không xa.
Chạy dọc tuyến ruộng tại ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, bên cạnh những hộ thu hoạch mía, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Văn Út đang châm lửa đốt mấy gốc mía sau thu hoạch để dự định trồng dưa giữa vụ. Ông đã gắn bó với nghề trồng mía này đã gần 40 năm nhưng bây giờ cũng không còn thiết tha gì.
“Nhà tôi trồng mía từ năm 1981 tới giờ, khó khăn cỡ nào cũng gáng đeo nhưng giờ đeo hết nổi rồi! 5-6 công mía năm nay thất thu toàn tập. Thương lái vô tới đây mua có 600 đồng/ký mà thuê người thu hoạch hết 300 đồng thì lấy gì mà ăn”, vừa nói ông Út vừa nhìn ra ruộng mía đang cháy phừng phừng...
Rồi ông quay qua kể chuyện trồng mía của "năm nẳm năm nào": “Hồi đó trồng mía nhàn và thoải mái lắm, mùa nào thu hoạch cũng lời, không nhiều thì ít. Với lại trước đây ở Hậu Giang này có mấy lò đường tư nhân muốn chạy lúc nào thì chạy nên người dân có bao nhiêu cứ đem qua, bán lúc nào thì bán không sợ cảnh quá lứa mà không thu hoạch được như hiện nay. Bây giờ mình phải lệ thuộc mấy nhà máy đường, giống như năm nay họ cho máy chạy trễ nên người dân cũng “xất bất xang bang” hết”.
Lặn lội đưa ghe từ Tiền Giang xuống Hậu Giang mua mía, anh thương lái tên Út cũng không khỏi xót xa trước tình cảnh khó khăn của bà con. Anh Út nói: “Giá mía phải lên chút đỉnh để bà con còn phấn khởi chứ kiểu này chắc bà con bỏ xứ đi luôn quá. Năm trước dự báo nói năm nay giá mía sẽ lên nào ngờ không những không lên mà còn thảm hại hơn nữa”.
Anh Út đưa thêm dẫn chứng: “Nhiều nơi, nông dân họ bỏ mía không thèm thu hoạch. Năm rồi ở trên Long An người ta cho không mà không ai vô ruộng cắt nữa”.
Ông Nguyễn Văn Út (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) gần 40 năm trồng mía bày tỏ sự ngán ngẩm với cảnh “một lỗ, hai huề vốn”. |
Vừa dứt lời, anh Út quay sang giới thiệu phóng viên với anh nông dân chừng 30 tuổi đang hì hục vác mía tên Mến. Lúc đầu chúng tôi đến gặp anh Mến chỉ định hỏi giá nhân công thu hoạch, nào ngờ nói chuyện một chút lại "té ngửa" khi biết gia đình anh có 3 đời trồng mía và hiện tại còn gần 40ha mía. Ba năm thất bát liên miên vừa rồi đã làm nhà anh "mất toi" gần 300 triệu.
Anh Mến than thở: “Để làm ra được cây mía đâu phải đơn giản. Chuyện khổ cực của người dân trồng mía nói 3 ngày 3 đêm chưa hết nữa. Năm đầu thất mùa cứ hy vọng năm sau sẽ khá hơn. Năm sau rồi hy vọng năm sau nữa. Đến bây giờ 3 năm liên tiếp hết chịu nổi rồi, sắp tới chuyển qua trồng dưa hấu luôn cho nó lành. Trồng mía mà từ chủ 40ha đến bây giờ phải đi vác mía mướn”.
Còn chuyện vì sao anh Mến đi vác mía không phải chuyện mùa màng mà đó là vấn đề nhân công. Như đã nói ở trên, mùa này giá nhân công thu hoạch cao chót vót tận trời xanh mà lại không có người làm. Vì vậy, ở đây phải huy động lực lượng từ những người trồng mía,“bên ruộng tui thu hoạch anh qua tiếp, tới ruộng anh thu hoạch tui qua tiếp lại”. Nhờ vậy mới mong thu hoạch mía sớm, không thôi chờ dài cổ, đến khi ruộng mía “già khú đế” cũng chưa cắt được.
Mặc dù khó khăn và chỉ lỗ hoặc huề vốn nhưng người dân trồng mía vẫn cứ bị cái nghiệp này đeo bám. Chúng tôi hỏi rất nhiều người cùng một câu hỏi: “Trồng mía không có ăn sao không đổi sang trồng cây khác?” thì đồng loạt nhận được câu trả lời: “Vậy bây giờ trồng cây gì đây? Rồi bán ở đâu?”. Đây không những là nỗi trăn trở của người dân mà còn là “bài toán” khó của lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương.
Gánh nặng áo cơm lại đè nặng trên đôi vai những người dân trồng mía |
Gần đây con đường này hình như đã hé lộ lên một vài tia sáng khi ngành nông nghiệp Hậu Giang đã ký kết với Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ mở rộng hợp tác trồng chanh không hạt và bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu thị trường châu Âu. Định hướng đến năm 2021, công ty sẽ hợp tác xây dựng thêm 400ha chanh không hạt và 400ha bưởi Năm Roi theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó, ưu tiên những vùng canh tác mía kém hiệu quả.
Thông tin về vấn đề này, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho hay, tới đây, ngành sẽ chỉ giữ lại khoảng 3.000ha mía và vận động bà con chuyển đổi gần 5.000ha từ mía kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã đưa ra nhiều giải pháp từ nâng cao giống cho đến cơ cấu kiện toàn nhà máy đường đồng thời tận dụng các phế phẩm từ mía đường như: bã mía, rỉ đường, bùn và xỉ trong quá trình xử lý…để tăng thêm nguồn thu vì "đây là tài nguyên rất tốt nhưng hiện tại chúng ta đang lãng phí".
Trước những thông tin này, người dân chia sẻ: “Khả quan thì khả quan nhưng ba năm thất thu người dân cạn vốn rồi, ai dám trồng mía nữa, biết vụ sau có trúng không?”. Nghe hơi chạnh lòng. Hy vọng những tín hiệu vui đó sẽ cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm thiết thực tác động trực tiếp và mang lại lợi ích cho người dân. Hy vọng “liều thuốc” đó có thể giúp những ruộng mía ngọt liệm như hương vị vốn có của nó và sẽ không còn những mùa “mía đắng”.