Dấu ấn Đồng Nai trong cuộc chiến chống COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giáp ranh cả TP HCM và Bình Dương là hai địa phương tâm dịch, với dân số hơn 3,2 triệu người, nhưng tính đến ngày 9/10, Đồng Nai chỉ có chưa đầy 50 ngàn ca mắc COVID-19, với 501 ca tử vong. Có được kết quả này, không thể nói đó là vì “ăn may”.
Thủ tướng thăm hỏi người dân khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Đồng Nai.
Thủ tướng thăm hỏi người dân khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Đồng Nai.

Từ câu chuyện triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại phường Tam Hòa (TP Biên Hòa) nói riêng, có thể hiểu được vì sao Đồng Nai thành công trong “cuộc chiến” này.

Kinh nghiệm từ vùng xanh Tam Hòa

Bà Đinh Ngọc Khánh Đoan, Chủ tịch UBND phường, Phó Ban Thường trực BCĐ phòng chống dịch Covid-19 Tam Hòa, cho biết Tam Hòa là phường cửa ngõ của TP Biên Hòa, giáp nhiều phường, nằm ngay trục đường chính QL1A, có nhiều đường nhỏ dân sinh, người dân qua lại từ các phường, nhiều khu nhà trọ.

Đặc thù địa lý như vậy, nên rất khó kiểm soát, chốt chặn. Bà Đoan cho hay thời gian đầu, xuất hiện ca nhiễm ở đâu thì phường phong tỏa, chốt chặn ở đó. Nhưng sau này rút kinh nghiệm, phường không làm vậy nữa mà chủ động chốt, chủ động kiểm soát. Ví dụ nhận thấy chợ Tam Hòa là nơi có nguy cơ vì là chợ đầu mối, phường cho ngưng hoạt động chợ, chặn tất cả các ngả đường vào chợ.

“Chốt chặn từng vùng để dễ kiểm soát, tầm soát. Như bây giờ phường Tam Hiệp bên cạnh là vùng đỏ, có 2 khu phố giáp nhau, thì chúng tôi chặn hết các lối giữa hai phường. Chặn để phòng ngừa chứ không phải ngăn sông cấm chợ. Quá trình chặn, hai phường phải liên hệ, thống nhất với nhau từng chi tiết. Nói chung, chặn để ngăn dịch và khi chặn thì cần có sự đồng tình của người dân”, bà Đoan nói.

Với quan điểm rất rõ ràng đã chốt chặn thì phải cố gắng đảm bảo an sinh cho dân, ngay từ đầu tháng 7/2021, phường cùng với các cơ quan tổ chức, giáo xứ, mạnh thường quân, đoàn thể đã tìm nguồn cung chăm lo cho dân, từ gạo, rau củ quả đến thịt cá. Nguyên tắc là ưu tiên hộ trong khu phong tỏa, hộ ở khu nhà trọ, công nhân, hộ nghèo, cận nghèo, neo đơn, chính sách. Mỗi tuần hỗ trợ từ 2 – 3 lần. Với hộ không thuộc đối tượng phát miễn phí, phường lập đội “Áo xanh tình nguyện” đi chợ hộ.

Người dân khi cần giúp đỡ hỗ trợ, có thể liên hệ đường dây nóng với các số điện thoại từ Bí thư phường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ tịch MTTQ, các đoàn thể, cán bộ từng khu phố, từng tổ dân phố. Dân không gọi được số này thì sẽ gọi số khác. Phường tỉ mỉ lập tiểu ban hậu cần, tiếp nhận và giải quyết về an sinh xã hội.

“Mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm rất nhiều. Họ cho gì thì phường lấy đó, không khen chê bất cứ điều gì. Tất cả tập trung về phường rồi lựa ra, cái nào hư hỏng do quá trình vận chuyển thì bỏ. Nếu hỗ trợ người dân mà đồ không ăn được thì phản cảm, tội người dân mang tiếng được nhận hỗ trợ mà không ăn được”, bà Đoan nói.

Về xét nghiệm tầm soát, với khu nguy cơ cao, thực hiện nhiều lần để bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Khi tầm soát diện rộng, vùng vàng xét nghiệm 20% dân số và thực hiện 3 lần. Vùng nguy cơ cao tầm soát 100%. TP Biên Hòa chia về phường 43 đội lấy mẫu. Phường có 71 TDP, mỗi đội lấy mẫu 2 tổ. Để tránh tụ tập đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm khi lấy mẫu và dễ dàng truy vết, kiểm soát, sẽ chia nhỏ từng khu vực lấy mẫu. Đội lấy mẫu đến tận nơi để người dân không phải đi ra khỏi khu vực chốt kiểm soát, trước khi xét nghiệm gọi điện từng hộ dân, để nếu lỡ có F0 dễ truy vết. Việc tiêm vaccine cũng thực hiện như xét nghiệm.

Kết quả của những biện pháp trên, là phường Tam Hòa có dân số hơn 20 ngàn người, nhưng từ đầu mùa dịch đến nay chỉ xuất hiện 237 ca; dù bao quanh là các phường vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng “chi chít”.

Tất cả vì sức khỏe, tính mạng nhân dân

Nhìn ở góc độ toàn cục Đồng Nai, địa phương này tới nay được đánh giá đã đi đúng hướng phòng chống dịch, khi ngay từ đầu đã xác định 5 mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh. Thứ nhất, sàng lọc F0 ra khỏi cộng đồng, vận động người dân ở yên trong nhà, không được tụ tập đông người. Thứ hai, thực hiện tốt việc đảm bảo an sinh xã hội và an ninh xã hội; từng khu phố, ấp, phải tận dụng các nguồn lực để không ai bị thiếu ăn. Thứ ba, cứu người, giảm số ca tử vong, tăng sức đề kháng cho F0 không có triệu chứng để không chuyển nặng. Thứ tư, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, là nhiệm vụ cốt lõi phòng chống dịch bệnh lâu dài. Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng ủng hộ.

lLãnh đạo Đồng Nai trân trọng tiếp nhận mọi đóng góp của cộng đồng cho địa phương.

lLãnh đạo Đồng Nai trân trọng tiếp nhận mọi đóng góp của cộng đồng cho địa phương.

Ở góc độ điều trị, những F0 không có triệu chứng nếu nồng độ virus CT ≥ 30 thì cho về cách ly tại nhà.

Ở tầng 1 của tháp điều trị, những F0 không triệu chứng “nguy cơ thấp” được theo dõi, cách ly ở các cơ sở cách ly cấp huyện quản lý. Nếu xuất hiện triệu chứng sẽ được sơ cấp cứu chuyển đến các cơ sở điều trị của tỉnh.

Ở tầng 2 của tháp điều trị (gồm BV Đa khoa khu vực Long Thành, BV Phổi...) tiếp nhận các F0 của tầng 1 có triệu chứng lâm sàng và nguy cơ tiến triển cao hơn hoặc được phân loại bệnh ở mức độ trung bình.

Ở tầng 3 của tháp điều trị (BV Đa khoa Đồng Nai, BV Đa khoa Thống Nhất, BV Đa khoa khu vực Long Khánh, BV Nhi đồng Đồng Nai) tiếp nhận các F0 ở tầng 2 có những diễn biến nặng cần hồi sức tích cực.

Nguyên tắc là các cơ sở cách ly, điều trị không nhận đối tượng của tầng khác, đảm bảo không để trường hợp nào tử vong ở tầng 1. Khi phải chuyển người nhiễm bệnh từ tầng dưới lên tầng trên phải đảm bảo đủ thông tin hành chính, xét nghiệm, ngày lấy mẫu xét nghiệm khẳng định, các biện pháp hỗ trợ điều trị đã thực hiện.

Với F1, các địa phương có số F1 cao, cơ sở cách ly tập trung quá tải thì áp dụng cách ly tại nhà nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, thời điểm cuối tháng 8, tỷ lệ tử vong của Đồng Nai là 1,38% trên tổng số ca bệnh, từ giữa tháng 9 đã giảm còn 0,8% và hiện càng giảm dần. Số ca bệnh diễn tiến nặng ngày càng giảm nhờ hệ thống điều trị, máy móc, thuốc men ngày càng đầy đủ hơn.

Tiêm vaccine, khâu cốt lõi phòng chống dịch bệnh lâu dài cũng được Đồng Nai quyết liệt thực hiện. Tính đến 31/8, Đồng Nai chỉ mới tiêm được 800 ngàn liều, trong khi đó toàn tỉnh cần 4,5 triệu liều để tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên. Phân bổ từ trung ương chưa đến, Đồng Nai làm công văn đề nghị TP HCM chia sẻ 500 ngàn liều vaccine Vero Cell, ưu tiên tiêm cho công nhân các DN đang thực hiện “3 tại chỗ”, đến vùng đỏ, vùng cam, rồi vùng vàng, vùng xanh. Đến ngày 9/10, Đồng Nai đã tiêm hơn 2,8 triệu liều vaccine, trong đó đạt 102% người tiêm mũi 1 và 24% người được tiêm mũi 2.

Xác định chống dịch thành công hay không một phần lớn phụ thuộc vào người dân, lãnh đạo Đồng Nai được đánh giá rất cầu thị, trân quý từng sự ủng hộ đóng góp của cộng đồng, như Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh từng khẳng định: “Từng máy thở, máy xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19 hay gạo, nhu yếu phẩm, vật tư y tế thực sự rất cần thiết và đúng với tinh thần “thương người như thể thương thân”. Điều này vừa thể hiện truyền thống đoàn kết tương thân tương ái, vừa thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm cùng tỉnh chung tay đẩy lùi đại dịch”.

Trong nhiều buổi tiếp nhận tiền hàng, vật tư y tế người dân, doanh nghiệp đóng góp, cả Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đều có mặt. Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Quỹ Từ thiện Kim Oanh (Bình Dương), nhận xét: “Trong đợt dịch vừa qua, Quỹ đi trao tặng vật tư y tế ở rất nhiều nơi, nhưng đặc biệt ấn tượng với Đồng Nai. Dù bận bịu điều hành công việc, dù số vật phẩm hỗ trợ không quá nhiều, dù các cán bộ nhận cho dân chứ không nhận cho bản thân mình, nhưng có những khi cả Bí thư và Chủ tịch cùng hớt hải đến cảm ơn, trân quý nâng niu những vật tư y tế hàng hóa để cứu dân. Không cần long trọng khoa trương màu mè, đó là những điều khiến chúng tôi cảm động, càng muốn góp sức nhiều hơn nữa”.

Dù những địa phương tâm dịch giáp ranh đã “bình thường mới” từ trước đó, nhưng tới 0h ngày 9/10, Đồng Nai mới chính thức bãi bỏ quy định giấy đi đường, bỏ các chốt kiểm soát nội tỉnh... Tất nhiên mối quyết định đều có thể nhận được những đánh giá trái chiều, nhưng sự thận trọng của Đồng Nai là có thể thông cảm, tất cả vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trước hết.

Chỉ 0,07% DN “3 tại chỗ” có ca nhiễm COVID-19

Theo thống kê, Đồng Nai có 1.180 DN trong các KCN thực hiện “3 tại chỗ” với gần 140.000 công nhân nhưng đến ngày 9/10 (tính từ cuối tháng 6/2021, thời điểm bắt đầu thực hiện phương án) chỉ 83 DN xuất hiện ca nhiễm COVID-19 với khoảng 2.296 F0 (chiếm 4,1% số ca nhiễm toàn tỉnh).

Đồng Nai cũng rất chủ động giải quyết các vướng mắc cho DN “3 tại chỗ”. Sau 45 ngày thực hiện, khi một số DN kiến nghị, lập tức những kiến nghị đó được giải quyết, không cứng nhắc bó buộc DN phải “3 tại chỗ”.

Theo đó, ngày 15/9, UBND tỉnh có hướng dẫn tạm thời phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng chống dịch theo kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế với nhiều điểm “mở”. Thậm chí với DN đang dừng hoạt động do không thực hiện “3 tại chỗ” trước đây, có nhu cầu hoạt động trở lại có thể lựa chọn đăng ký phương án “3 tại chỗ” hoặc tổ chức cho người lao động đi về hằng ngày.

Một điểm đặc biệt khác, dù Đồng Nai giáp ranh với TP HCM và Bình Dương nhưng tỉnh vẫn tổ chức đón người dân về. Sáng 9/10, lực lượng chức năng Đồng Nai đã đến Bến xe Miền Đông (TP HCM) đón hơn 1.800 người, cùng lúc tổ chức đón hơn 400 người tại tỉnh Bình Dương. Người dân được bố trí lên các xe theo từng huyện, thị xã, TP để dễ dàng kiểm soát và đưa về từng nơi. Với những người di chuyển bằng xe máy, lực lượng CSGT Đồng Nai cho xe dẫn đường đưa về địa phương.

Đọc thêm