Năm nay (ngày 22.4), Thủ tướng lại tiếp tục có cuộc tiếp xúc, đối thoại với hàng ngàn người lao động ở các tỉnh miền Trung để trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của họ, nhằm động viên, tháo gỡ những khó khăn…
Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động tại Đồng Nai ngày 30.4.2016. Ảnh: P.V |
Gần gũi công nhân
Một chi tiết cảm động của người đứng đầu Chính phủ trong cuộc gặp gỡ với 3.000 công nhân lao động tại Đồng Nai năm ngoái là khi MC của chương trình hỏi công nhân: “Theo bạn thì Thủ tướng ở khoảng cách gần hay xa?” thì một công nhân trả lời rất chân thật là: “Em thấy Thủ tướng ở xa quá”. Bất ngờ, ngay sau chia sẻ của nữ công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời khán đài, đến tận chỗ của Trần Thị Hằng Thu - người trả lời câu hỏi của MC - để lắng nghe câu hỏi và trả lời những băn khoăn của chị Thu về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho bữa ăn công nhân.
Và ông nói: “Vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối của chúng ta. Cách đây mấy hôm, tôi đã họp với bí thư, chủ tịch tỉnh toàn quốc để bàn cách giải quyết vấn đề này. Tôi đề nghị công đoàn các cấp, chủ sử dụng lao động phải công khai mức ăn, thực đơn hằng ngày. Giá cả cân thịt bao nhiêu, mớ rau bao nhiêu, đừng để thất thoát trong mua bán, ăn uống ảnh hưởng đến đời sống công nhân. Không có sức khỏe thì không thể tái sản xuất lao động. Phải có nguồn thực phẩm sạch cho công nhân, mua bán đồ ăn phải đảm bảo VSATTP. Chợ đó, siêu thị đó, ông chủ chợ, chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm. Nếu có ngộ độc, nơi nào để thực phẩm bẩn, chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm trước công nhân”.
Sau những lời chia sẻ rất gần gũi của Thủ tướng, chị Thu cũng xúc động: “Giờ em đã thấy Thủ tướng gần gũi”.
Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện của một năm trước và sự gần gũi ấy, việc chăm lo cho người lao động ấy đã phần nào thể hiện được quan điểm rõ ràng của Thủ tướng đã nêu trong bài diễn văn phát biểu trước Quốc hội khi ông nhậm chức Thủ tướng Chính phủ: “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được của các Chính phủ tiền nhiệm; nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào, cử tri cả nước; ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém; nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; phát huy dân chủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và trong toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn cho người dân”.
Cùng chăm lo cho người lao động
Tháng 7.2016, Thủ tướng có cuộc gặp quan trọng với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Một lần nữa, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền cùng với hệ thống tổ chức công đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ, cùng chăm lo, cải thiện tốt hơn nữa đời sống của người lao động. Đó là cuộc gặp với sự tham dự của các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường.
Điều đáng nói, Tổng LĐLĐVN lại chính là tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc, qua đó, lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động - lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Trong buổi làm việc ấy, sau khi nghe lãnh đạo Tổng LĐLĐVN báo cáo, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến những vấn đề “nóng” của người lao động: Vấn đề BHXH, vấn đề xây dựng các thiết chế công đoàn ở các KCN-KCX, nơi tập trung hàng vạn người lao động.
“Việc lắng nghe ý kiến công đoàn, công nhân rất quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ” - Thủ tướng nói.
“Lương công nhân đã thấp rồi còn phải lo tiền gửi con vào nhà trẻ, tiền thuê nhà. Đến 5-6h tối tan ca, đi chợ thì không còn gì để mua, lại lo vấn đề an toàn thực phẩm” - Thủ tướng chia sẻ nỗi lo với công nhân và yêu cầu tổ chức công đoàn cũng như chính quyền các cấp phải thấy mặt tồn tại này, coi đây là vấn đề cấp bách phải giải quyết thời gian tới.
Thủ tướng đồng ý ngay với kiến nghị của Tổng LĐLĐVN về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các KCN-KCX (nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…).
Thủ tướng cũng lưu ý các tổ chức công đoàn quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân để có năng suất lao động tốt hơn, từ đó có thu nhập cao hơn; công đoàn các cấp cũng cần không ngừng đổi mới phương thức quản lý, điều hành, nghiệp vụ công đoàn, vươn lên xứng tầm yêu cầu mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Chăm lo về vật chất, tinh thần nhưng cũng cần động viên khen thưởng xứng đáng. Tháng 2.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương - đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và ủy viên Hội đồng.
Tại đây, một lần nữa Thủ tướng đề cao vai trò, giá trị của những người công nhân, lao động trực tiếp. “Thực tế vẫn còn nhiều nơi đã “phát” nhưng chưa “động”, chưa động nhiều đến những người trực tiếp, chưa đúng đối tượng chúng ta cần vận động. Hình thức còn nặng hơn nội dung ở một số nơi, tập trung khen cán bộ còn nhiều. Có trường hợp khen chưa sát, chưa đúng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về người tốt, việc tốt, tấm gương tốt, cách làm tốt, sáng tạo mới ở Việt Nam rất nhiều, nhưng tuyên truyền vận động chưa đúng mức, giới thiệu đến công chúng còn ít. Trong xã hội, cái xấu được nói tới nhiều hơn là tấm gương người tốt, việc tốt” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, hiệu quả tác động đến đời sống của người dân làm thước đo. Khen thưởng phải hướng vào những người lao động trực tiếp.
Thủ tướng nêu rõ, tất nhiên lãnh đạo cũng quan trọng, “một người lo bằng một kho người làm”. Nhưng bây giờ chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến những người lao động trực tiếp, họ có thể là công nhân, nông dân, chiến sĩ trên các mặt trận. Chúng ta cũng phải chủ động tìm kiếm người tốt việc tốt. Người tốt họ có lòng tự trọng, họ không đi xin để được khen mà chúng ta phải tìm ra họ để khen, để biểu dương kịp thời với hình thức thích hợp. Các cơ quan thi đua, nhất là các cơ quan chuyên môn phải làm điều này.
Gần người lao động và cùng chăm lo cho người lao động sẽ lại là những nội dung được lan tỏa trong cuộc gặp gỡ tại Đà Nẵng ngày 22.4 tới đây, thêm một lần ghi dấu ấn của Thủ tướng với công nhân, lao động./.