Đừng dạy đứa trẻ không cắn bằng cách cắn nó
Còn nhớ hồi học đại học ở Mỹ, giảng viên lớp tâm lý học nhận thức của tôi từng kể một câu chuyện. Một hôm, trong lúc đang cặm cụi trong bếp, cô ấy trông thấy con gái mới lên 4 tuổi lấy trộm đồ ăn. Đó là một ngày mệt mỏi, cô giáo của tôi đã đánh một cái mạnh vào tay con bé để cảnh cáo hành vi vừa rồi.
Nhưng, mấy ngày sau, cô ấy tình cờ thấy được cô bé trong lúc bực mình đã đánh mạnh vào con mèo khi đang chơi với nó. Lúc ấy, cô giáo của tôi mới giật mình nhận ra mình đã vô tình dạy con gái cách sử dụng bạo lực để giải tỏa cơn tức giận. Từ đó, cô ấy quyết định không bao giờ đánh con mình nữa mà thay vào đó, dành thời gian nhiều hơn để giải thích cho con bé hiểu được điều nên và không nên làm.
Tại Mỹ, nơi quyền con người - tự do cá nhân phát triển vô cùng mạnh mẽ, trẻ em được giáo dục không chỉ là tính độc lập mà còn tính trách nhiệm, biết tuân thủ các quy tắc từ khi còn nhỏ. Hầu hết bố mẹ người Mỹ quan tâm đến phương pháp giáo dục đứa trẻ trước khi nó ra đời.
Nhiều gia đình chọn tôn trọng, khuyến khích sự khác biệt, sáng tạo của trẻ bằng cách cho con được toàn quyền lựa chọn từ đồ ăn, giờ ăn, giờ ngủ, sở thích…Dù vậy, nhưng đứa trẻ này vẫn phải tuân thủ kỷ luật, những quy tắc ứng cơ bản như: tự ăn, tự chăm sóc mình nếu có thể, ăn uống, sinh hoạt đúng giờ, lịch sự nơi công cộng.
Các gia đình Mỹ, trong đó có cô giáo của tôi trong câu chuyện trên, đều sẽ phản đối việc dùng sự trừng phạt để giáo dục một đứa trẻ. Có nghĩa là, “bạn đừng dạy đứa bé rằng cắn là thói quen xấu bằng cách cắn nó, dạy đứa bé đánh lộn là hành vi không thể chấp nhận bằng cách đánh nó, và hét vào mặt đứa trẻ để cho nó biết rằng la hét là đức tính xấu” hay những phương thức đại loại như vậy. Trẻ con như một tờ giấy trắng, chúng nhìn cách người lớn cư xử để làm theo.
Vì thế, cha mẹ người Mỹ luôn cẩn trọng trong mọi hành xử trước mặt con cái – nói phải đi đôi với làm. Những khi con cái ương bướng và bất hợp tác hoặc phạm lỗi, họ không đe dọa, mắng mỏ, quy kết trẻ “hư đốn”; thay vào đó, sẽ nghiêm nghị gợi ý cho trẻ cách hành xử lễ phép hơn, hỗ trợ trẻ tự sửa chữa. Một đứa trẻ khi được chú ý và nuông chiều quá nhiều sẽ mang cái tôi rất lớn, có thể dẫn đến thiếu tôn trọng cha mẹ và người lớn tuổi. Vì thế, cha mẹ người Mỹ luôn tỉnh táo và nghiêm khắc với con đúng lúc.
|
Người Mỹ phản đối hình phạt trẻ mắc lỗi. |
Ở Việt Nam, sẽ không ít lần thấy các bố mẹ đi ăn, đi xem phim, đi dạo phố cùng con nhỏ, khi thấy trẻ quấy khóc thì hoặc buông lời quát mắng, thậm chí là chửi tục hoặc đánh vào người cho chừa. Kết quả là, những đứa trẻ này có thể còn khóc to hơn hoặc im lặng trong sự hậm hực hoặc sợ hãi.
Sự tự lập của trẻ Nhật
Một người bạn bên Nhật từng kể với tôi: “Khi đến Nhật, không khó để bắt gặp hình ảnh từng tốp học sinh cấp một cùng nhau đi về. Phần lớn ở Nhật cha mẹ không đến đón con mà để bọn trẻ tự về nhà. Điều này nhằm rèn luyện sự tự lập cho trẻ”. Khi tôi hỏi rằng “Nếu có điều gì nguy hiểm xảy ra trên đường khi các em nhỏ về nhà thì sao?”; bạn tôi cười đáp lại: “Người Nhật cũng đã tính toán những tình huống đó”.
Để phòng tránh rủi ro, một số biện pháp đã được đưa ra, như: mang còi an toàn cho trẻ, lập các “nhóm trợ giúp” (gồm những bác trung niên đã về hưu cầm cờ đứng ở đường để hướng dẫn các em về nhà), gắn GPS vào điện thoại của con, xây dựng những địa điểm hỗ trợ trên đường đến trường để các em có thể chạy đến khi gặp nguy hiểm...
Có một điều thú vị khác mà ít ai biết về học sinh Nhật, đó chính là chiếc cặp đi học được thiết kế đặc biệt để phòng tránh bệnh gù lưng ở trẻ. Chiếc cặp sách chống gù này có tên gọi là Randoseru, đã được chính thức đưa vào sử dụng trong trường học từ năm 1885, gắn bó với các em trong suốt những năm tiểu học.
Dù không rẻ, đây vẫn là yêu cầu bắt buộc đối với gia đình có con chuẩn bị vào cấp một. Nền giáo dục của Nhật Bản quan tâm và chuẩn hóa những điều nhỏ nhặt nhất, như là dáng đi, từng bước chân tới trường, về nhà của các em nhỏ.
Ở Nhật trẻ em xách theo rất nhiều loại túi tới trường: Túi sách vở, túi bao ngoài, túi dụng cụ ăn uống, hộp dụng cụ ăn uống, túi quần áo, túi đựng quần áo sẽ thay, túi đựng quần áo sau khi thay ra và túi giày. Nhưng tất cả những chiếc túi này đều được sắp xếp gọn gàng trong chiếc cặp sách nhỏ nhắn. Ngạc nhiên thay, các em nhỏ còn thường tự tay xách các loại túi đến trường mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào của cha mẹ hay người lớn đi cùng.
Trẻ tự ý thức rằng đó là công việc của mình cũng như khi các em chơi đồ chơi xong, thường tự giác cất gọn vào các túi, hộp đựng đồ; ở trường phải để gọn giầy dép, đồ dùng, giữ gìn vệ sinh chung của trường lớp, thay quần áo cho các tiết học khác nhau. Những chiếc túi mang theo bên mình khiến trẻ em luôn ý thức được việc phân loại đồ dùng và thậm trí là phân loại rác.
|
Trẻ em Nhật học cách tự chăm sóc bản thân từ rất nhỏ. |
Đối chiếu trong nước, không hiếm thấy hình ảnh những đứa trẻ nhỏ bé mang chiếc cặp căng phồng, nặng trịch sách vở. Ở lớp bé nhất của khối tiểu học, thời khóa biểu các em đã bao gồm 6 – 7 môn/ngày, trung bình mỗi môn học các em phải mang 2 đến 3 quyển sách và vở, chưa kể sách vở học thêm, những vật dụng đồ dùng học tập khác như: bút màu, bộ lắp ráp kỹ thuật, bảng, phấn… Với số lượng sách vở lớn, không nhiều em nhỏ ý thức được việc tự sắp xếp đồ dùng cá nhân, chọn quần áo để mặc khiến bố mẹ luôn phải kè kè bên cạnh để nhắc nhở, đốc thúc.
Biết tự học trước khi tới trường
Ở đất nước có nền giáo dục được coi là tốt nhất trên thế giới, trẻ em ở Phần Lan bắt đầu đi học muộn hơn trẻ em của bất cứ nước nào khác. Khi lên 4 hoặc 5 tuổi, trẻ em Phần Lan thường được học trượt tuyết. Khác bố mẹ Việt Nam thường ngăn con trẻ đùa nghịch, hạn chế chơi vận động mạnh để tránh bị thương tích; bài học trượt tuyết đầu tiên mà trẻ em Phần Lan được học chính là tập té ngã.
Giáo viên người Phần Lan sẽ đích thân trinh diễn màn té ngã trên mặt đất, sau đó từng bước đứng lên lại. Tiếp theo, với một hiệu lệnh, mấy chục trẻ em sẽ ngã xuống mặt đất và tự mình đứng dậy. Một trong những bài học đầu tiên của trẻ chính là “biết đứng dậy sau vấp ngã”.
Trong khi ở châu Á vẫn còn phổ biến việc cha mẹ cho con cái đi học trước khi vào lớp 1, hay những lớp học thêm thâu đêm suốt sáng nhằm giành một tấm vé vào đại học, trẻ em Phần Lan bắt đầu học lớp một vào năm bảy tuổi. Các môn học ở giai đoạn dưới 7 tuổi không bao gồm đọc viết hay làm toán mà sẽ liên quan đến thiên nhiên, động vật và sự sống để các bé vừa học vừa chơi.
Theo triết lý giáo dục của nước này, trẻ em cần có quá trình tự học trước khi chúng cần đến trường. Cũng giống ở Nhật, Mỹ, giáo dục Phần Lan khuyến khích sự độc lập của học sinh ngay từ khi còn bé. Chẳng hạn, học sinh sẽ tự đến trường và về nhà bằng cách đi bộ, đi phương tiện công cộng hoặc đạp xe.
Không có hệ thống trường chuyên lớp chọn như ở Việt Nam, học sinh Phần Lan giỏi hay kém đều học cùng một lớp, được theo dõi, khuyến khích và giúp đỡ để phát triển đúng khả năng của chúng. Số ngày đi học, thời gian học ở trường hàng ngày của trẻ em Phần Lan ít hơn so với học sinh của các nước phát triển khác.
Học sinh Phần Lan không bị xếp hạng học sinh, không có các bài kiểm tra chuẩn mực bắt buộc, cũng không hề có bài tập về nhà cho đến khi chúng bước vào tuổi vị thành niên. Hệ thống giáo dục tin rằng học sinh tiếp thụ kiến thức trực tiếp từ trên lớp; thời gian ngoài lớp là để giành cho việc chơi, hoạt động ngoại khóa và tiếp xúc với gia đình.
Có thể thấy sự khác biệt rõ rệt giữa nền giáo dục Phần Lan với nền giáo dục Việt Nam hay bất cứ nước nào trên thế giới. Đây là quốc gia phát triển duy nhất có nữ sinh đạt thành tích cao trong lĩnh vực khoa học cũng như có mặt trong danh sách sinh viên ưu tú vượt qua nam sinh, vượt qua được định kiến về giới tính và tuổi tác trong học tập.
Từ những câu chuyện trên thế giới, tựu chung lại, một nền giáo dục tuyệt vời cho trẻ em phải chăng đều hướng tới sự tự lập, phát triển tự nhiên của con trẻ, để chúng được lựa chọn và chịu trách nhiệm cuộc sống của mình?.