Ướm thử vào tay chiếc nhẫn được tạo hình y hệt… chiếc đinh đóng guốc, tôi tò mò hỏi Ngọc Quang – ông chủ trẻ của gian hàng: “Những mẫu trang sức này em sưu tầm từ catolog nào mà độc đáo vậy?”. Ai ngờ, Ngọc Quang cười lớn: “Không sưu tầm đâu chị ơi, mẫu thiết kế chính hiệu đấy, em là dân làng đậu bạc Định Công mà”.
À ra thế, đã là người Hà Nội gốc hoặc sống lâu ở đất Hà Nội thì không ai không biết đến danh tiếng của làng nghề đậu bạc Định Công - một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại cho đến ngày nay.
Theo sử sách ghi chép lại, vào thời Vua Lý Nam Đế, có ba anh em họ Trần: Trần Hoà, Trần Điện và Trần Điển sinh sống tại làng. Trong thời gian chạy loạn, ba anh em tình cờ học được nghề làm đồ vàng, bạc. Từ đó, ba người truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, làm nên tiếng tăm cho sản phẩm vàng, bạc Định Công.
So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương), những sản phẩm ở Định Công có nét đặc trưng riêng. Trong đó, kĩ thuật đậu bạc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo, tỉ mỉ. Mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng.
Nói đến nghệ nhân có tâm huyết gìn giữ nghề đậu bạc truyền thống đất Thăng Long, ai cũng biết ông Quách Văn Trường. Trở về từ chiến trường với thương tật hạng 4/4, ông Trường xót xa chứng kiến nghề đậu bạc truyền thống của làng bị mai một.
Hết thảy thanh niên trong làng không còn mặn mà với nghề, đi tìm con đường lập nghiệp mới. Trong hoàn cảnh ấy, người thương binh hỏng một bên mắt và sống chung với nỗi đau của hơn chục mảnh đạn găm trong người vẫn can đảm bước trên con đường khôi phục làng nghề.
Những năm 80 - 90, cái tên Quách Văn Trường đã nổi danh khắp cả nước với những mẫu trang sức, trang trí, trưng bày bằng bạc độc đáo, mới lạ, có một không ai. Không chỉ giữ lại được nghề quý, nghệ nhân già còn có công đào tạo những thanh niên có tài năng và tâm huyết với nghề truyền thống của làng…
|
Sản phẩm của làng nghề đậu bạc Định Công |
Quay lại với câu chuyện của Ngọc Quang, em cho biết em được học nghề đậu bạc từ nhỏ và đã làm nghề thông thạo. “Nhưng sản phẩm đậu bạc thường có giá rất cao và kén khách nên cũng phải tìm hướng đi mới để mưu sinh và giữ nghề”.
“Hướng đi mới” của Ngọc Quang và không ít những người trẻ của làng nghề là làm trang sức như nhẫn, vòng, mặt dây chuyền… trẻ trung, cá tính phục vụ tuổi teen. Tưởng đơn giản nhưng cũng vất vả không kém từ khâu sáng tạo, thiết kế, thăm dò thị hiếu của khách hàng, quảng cáo bán hàng thông qua các trang mạng xã hội…
Trả lời câu hỏi của tôi rằng thích việc nào hơn giữa đậu bạc cầu kỳ và làm trang sức giản đơn, Ngọc Quang cho biết, đã là người con của làng nghề, ai cũng muốn giữ nghề cha ông để lại, nên “điều mong muốn nhất là được gắn bó với nghề, dù bất cứ hình thức nào”.
Nghe tâm sự của lớp trẻ làng nghề đậu bạc Định Công, PV bỗng dưng nhớ đến nguyện vọng mà nghệ nhân Quách Văn Trường đã bày tỏ vào dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm: “Mong muốn lớn nhất của tôi là quê hương được Nhà nước quan tâm phát triển thành du lịch làng nghề”.
Yêu nghề, luôn mong muốn giữ nghề, sống được với nghề là điều có thể thấy ở các thế hệ làng nghề đậu bạc Định Công. Đó cũng là điều mà không phải làng nghề cổ nào cũng có được, cho dù đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Vì thế, mong rằng mơ ước của người dân làng nghề đậu bạc Định Công sẽ sớm “đậu” thành hiện thực./.