Thần tích mang nhiều nỗi oan khiên
“Vào thời kỳ sơ khai mở nước Văn Lang ta, trên thiên đình có nàng tiên nữ thứ 3 đến chầu thượng đế, chẳng may làm vỡ chén ngọc, trăm quan nghị tội, giáng xuống thủy cung làm con gái Thủy Quốc Động Đình Long Vương, sau gả cho Đô Đốc Côn Bằng đại tướng quân Kinh Xuyên.
Vợ lẽ của Kinh Xuyên là Thảo Mai, thấy nàng tài sắc bèn đem lòng ghen ghét, giả làm một bức thư, tố cáo Kinh Xuyên vu nàng tư thông phản bội chồng. Kinh Xuyên giận dữ đầy nàng xuống trần thế, 10 năm sống ở núi Ngọc Hồ Kim Quy, làm bạn với chim muông cầm thú, sinh sống bằng hoa trái qua ngày.
Một hôm thấy gió lướt mặt hồ, mây đùn lưng núi, tưởng nhớ quê nhà, thương cha nhớ mẹ, lòng buồn bã rối bời, nhân đó nàng ngâm một bài thơ rằng:
"Từ biệt Kinh Xuyên trải mấy thu
Trời xanh mây lượn nhớ quê nhà
Tiêu dao trần thế bao ngày tháng
Cố hương thủy quốc biết nao về".
Tiếng ngâm chưa dứt mà dòng lệ chứa chan, tựa vào gốc cây, tinh thần mê man lúc say lúc tỉnh. Lại nói thời ấy có 1 người ở xã Ngọc Lạp, huyện Thanh Miện, phủ Hồng Châu, đạo Hải Dương, họ Liễu, tên Nghị, là danh sĩ thời bấy giờ.
Một hôm Nghị cùng một vài tên ra đồng chèo thuyền đến Ngọc Hồ ngắm cảnh, để hưởng thú vị ngư ông. Thuyền đến hồ Kim Quy, bỗng nghe tiếng ngâm thơ văng vẳng, lời lẽ thảm thê, trong lòng lấy làm lạ, bèn nói với bọn ra đồng đi theo rằng:
- Không biết thần tiên hay ma quỷ mà lại có lời lẽ thê thảm đến như vậy?
Ông bèn cho người dừng thuyền bên bờ quan sát thấy người con gái tuổi độ 18, mi xanh như liễu rủ, má thắm tựa hoa đào, dẫu tiên nữ ở cung trăng, hay phi tần nơi thượng giới, cũng không thể hơn được. Ông cười và bảo rằng:
- Cốt cách trần thế mà dáng vẻ thần tiên, may mắn nay gặp gỡ, nếu không phải là trăng rằm thì cũng là băng tuyết quy hòa nhập lại.
Nhân đó ông mới hỏi về nguồn gốc nguyên do, người con gái ứa lệ thưa rằng:
- Thiếp vốn là con gái Động Đình Quân là vợ của Kinh Xuyên, chẳng ngờ thiên sứ dáng họa vô cớ, nay may gặp ngưởi tốt ở đây, dám xin người có kế sách gì cứu giải oan khiên, thiếp nguyện thề có sông núi không quên ơn nghĩa.
Liễu Nghị lại hỏi:
- Dương gian thủy quốc cách biệt lấy gì mà nghe thấu được?
- Thiếp có một cây kim thoa trao cho ngài, cảm phiền đi đến bờ biển Đông Hải, hễ thấy cây ngô đồng thì cầm cây trâm gõ vào ba tiếng tất thảy thủy cung sẽ đều nghe biết!
Lăng Thánh Mẫu - tương truyền là nơi hiển hóa của Thánh Mẫu Vị Thủy Sông Hồng. |
Nói xong nàng đưa một phong thư nói rõ sự việc rồi đưa thư và cây trâm cho Liễu Nghị. Sau khi từ biệt người đẹp Liễu Nghị gắng sức lên đường, qua bẩy ngày đêm đến cửa biển Đông Hải (nay là cửa Diêm Hộ huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình) thì thấy cây ngô đồng cổ thụ, ông làm đúng lời người con gái dặn, tay cầm kim thoa gõ vào gốc cây ngô đồng, bỗng thấy một con rắn trắng nổi lên khỏi mặt nước, Liễu Nghị đem sự việc trên nói với rắn, rắn trắng rẽ nước đưa ông về thủy phủ.
Đến nơi ông vào bái yết Long Vương trình rõ sự việc và đem thư cùng trâm vàng dâng lên. Long Vương xem xong thư bèn truyền rắn trắng đưa Liễu Nghị về lầu Nam dọn tiệc khoản đãi. Ngay hôm đó truyền sai con trai là Xích Lân và quân thủy tiến thắng đến xứ Ngọc Hồ Kim Quy đón công chúa về thủy quốc.
Hiển linh phù trợ ở nhiều nơi
Chuyện ở Nghi Xuyên, Chí Tân, Khoái Châu kể lại, làng có lăng một là nơi thác hóa của Thánh Mẫu Đệ Tam, hiệu Thủy Tiên Công Chúa. Các cụ cao niên kể lại thời xa xưa, có người con gái dạo thủy trên sông Nhị Hà. Chẳng may thuyền lật, gặp cơn sóng dữ.
Thi hài người con gái dạt vào bờ sông làng Nghi Xuyên (trước cửa đền ngày nay). Nhân dân trong làng thấy vậy liền đẩy ra ngoài xa nhưng ba lần không được. Biết là có sự lạ, các cụ khấn trời đất để xin phép được an táng thi hài người con gái. Bấy giờ, khi dân làng chuẩn bị thì chỗ người con gái tự nhiên ùn ùn mối xông.
Đền Dầm nơi cổ tích thờ Thánh Mẫu Đệ Tam . |
Sau nhiều đời Vua được hiển linh phù trợ, sắc phong là Thánh Mẫu Vị Thủy Sông Hồng, Thủy Tiên công Chúa. Cũng là phúc thần của dân làng khu vực Nghi Xuyên. Đến nay, tại đây vẫn giữ được lăng mộ còn nguyên vẹn từ thời Lê và các sắc phong có giá trị về sự hiển linh của Thánh Mẫu.
Trong thần phả đền Xâm Dương (đền Dầm) tại Thường Tín, Hà Nội có ghi lại chuyện Thánh Mẫu hiển linh thời Trần Nhân Tông chống giặc Nguyên Mông. Bấy giờ, Vua ban Việt Cờ Mai cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm đại nguyên soái chống giặc. Khi qua Xâm Miện (nơi có đền Dầm và Xâm Thị ngày nay) trời đà xẩm tối bèn cho quân sỹ thuyền bè neo đậu lại bên sông nghỉ lại.
Trời đêm bỗng thấy sóng nổi cát bay mây trời vần vũ, một chốc bỗng thấy mặt nước long lanh ánh bạc một người tiên nữ mặc áo trắng, đai lưu ly cưỡi rồng vàng bay lên mặt nước. Vương cả kinh nhưng tiên nữ bèn nói:
- Ta phụng mệnh thượng đế hộ quốc an dân, nay Quốc Công Tiết Chế hành quân qua đây xin âm phù giết giặc.
Quả nhiên ít lâu sau thuyền giặc kéo qua Xâm Dương thì bỗng dưng nổi sóng to gió lớn thuyền bè quân lương đều chìm cả, giặc chết vô số. Các trận chiến trên Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương Đô, Đông Bộ Đầu... Đều có Thánh Mẫu linh phù làm sóng to gió lớn chìm tàu bè giặc chết đuối nhiều giúp quân ta thừa thắng.
Một chuyện khác tại đền Xâm Thị ghi lại, sau khi công chúa về thủy quốc tất cả dân hai bên bờ sông từ thượng nguồn nơi Ngọc Hồ Kim Quy đến hạ lưu Ba Lạt - đều mắc bệnh dịch. Dân chúng cùng quan lại bèn lập đàn cầu nguyện và dâng biểu lên Thượng đế.
Thánh Mẫu Đệ Tam trên tranh thờ hàng Trống. |
Tại vùng đền Xâm Thị ngày nay, vào nửa đêm dân làng đều nghe thấy tiếng chó sủa liên hồi và mơ thấy một người con gái mình mặc áo trắng mang đai ngọc lưu ly ngự trên rồng vàng bay lên từ mặt nước nói rằng: "Ta là Thủy Tinh Ngọc Dung Công Chúa, con gái Động Đình Long Vương, Thượng đế sắc phong cho ta giúp nước cứu dân cõi Nam Giao, nay dân chúng gặp tai họa ta phụng lệnh Thượng đế đến cứu giúp. Sau được bình yên lên dựng miếu thờ viết thần vị thì ắt được nhân khang vật thịnh”.
Trời sáng các vị bô lão cùng dân làng ai cũng nói có cùng giấc mơ như vậy và bệnh tật dần tiêu tan hết. Dân làng bèn cùng nhau xây dựng ngôi miếu thờ hàng năm quốc cầu, dân đảo đều linh ứng rõ rệt."
Như vậy, dù không được nhắc đến nhiều trong lịch sử, nhưng Mẫu Thoải đã để lại nhiều dấu tích linh thiêng khắp các miền sông Nhị Hà. Ngày nay, hai bên bờ nhiều nơi thờ tự được coi là tích Thánh hiển hóa phù Vua giúp nước độ dân. Dù mỗi câu chuyện mang màu sắc huyền bí riêng, nhưng dù ở hình tướng nhân vật nào bà cũng đều như người Mẹ hiền hậu, hiển linh nhiều nơi để bảo vệ dân chúng.
Đến ngày nay, khắp miền sông nước đặc biệt sông Hồng đều có nhiều đền thờ Mẫu Thoải như một sự lưu dấu bước chân vị Thần nữ tối linh trong tâm thức người Việt. Đặc biệt, bà coi như một vị thần sông nước, trấn giữ các cửa sông, cửa bể, phù trợ những mảnh đời mưu sinh trên khắp các con sông lớn như sông Hồng.