Đầu tư dự án ODA ngàn tỷ giúp Tuyên Quang thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vừa được phê duyệt, với mục tiêu xây dựng 147 km đường núi, đảm bảo hệ thống thủy lợi giúp đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang nâng cao sản xuất, sớm thoát nghèo.
Đầu tư dự án ODA ngàn tỷ giúp Tuyên Quang thoát nghèo
Nhiều tuyến đường giao thông tại tỉnh Tuyên Quang cần đầu tư nâng cấp. Ảnh: Nhật Nguyên.

Nhiều tuyến đường giao thông tại tỉnh Tuyên Quang cần đầu tư nâng cấp. Ảnh: Nhật Nguyên.

Quyết định số 256 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang” sử dụng vốn vay Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.

Dự án được thực hiện tại 6 huyện của tỉnh Tuyên Quang gồm Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương, với tổng mức đầu tư 4.893,2 triệu Yên Nhật, tương đương 43,1 triệu USD, khoảng 998,2 tỷ đồng Việt Nam

Trong đó, vốn vay ODA 3.870,8 triệu Yên Nhật, tương đương 34,1 triệu USD, khoảng 789,64 tỷ đồng Việt Nam. Còn lại vốn đối ứng trong nước là 208,56 tỷ đồng, tương đương 1.022,4 triệu Yên Nhật, tức khoảng 9 triệu USD.

Theo quyết định 256, cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho vay lại đối với vốn vay ODA, ngân sách trung ương cấp phát 90%, UBND tỉnh Tuyên Quang vay lại 10%, đối với vốn đối ứng, UBND tỉnh Tuyên Quang bố trí toàn bộ từ nguồn ngân sách địa phương.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ đồng bào dân tộc thuộc phạm vi dự án thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm, phương thức sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn phù hợp với cơ chế thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình thực hiện dự án sẽ kết hợp lồng ghép nhiều biện pháp trên nhiề lĩnh vực tạo ra sự cộng hưởng, phát triển tổng hợp một cách bền vững, từng bước xóa bỏ cách biệt về phát triển giữa các vùng, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần ổn định an ninh, chính trị.

Mục tiêu cụ thể của dự án là nhằm tạo liên kết vùng giữa huyện, tỉnh và các tỉnh lân cận, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt là khu vực miền núi, các xã vùng sâu, vùng xa.

Dự án cũng hướng tới việc đảm bảo nước tưới tiêu cho 175 ha lúa 2 vụ, 16 ha cây rau, màu vụ 3 và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, dự án sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan khu du lịch lịch sử quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Tăng cường năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ và người dân trong phạm vi dự án.

Dự án được chia làm 9 tiểu dự án. Trong đó, có 6 tiểu dự án cải tạo, nâng cấp 147,1 km đường giao thông tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội và phát triển sản xuất trên diện tích 59.948 ha, gồm 50.647 ha đất sản xuất lâm nghiệp, hơn 9.300 ha đất lúa, đất màu của tỉnh Tuyên Quang.

Đọc thêm