Phát hiện vi phạm xong… để đấy
Từ tháng 1/2010 đến hết tháng 3/2016, trên địa bàn TP xảy ra hơn 2.140 vụ vi phạm pháp luật đê điều, trong đó, hầu hết là số vụ vi phạm từ trước nhưng chưa được xử lý. Các hiện tượng vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà cửa, lều quán, làm lò gạch, đào đất trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ, khai thác cát trái phép và chứa vật liệu trên các bãi ven sông, phương tiện vận tải ngày đêm chạy trên mặt đê khiến công trình bị hư hỏng, xuống cấp.
Đáng quan tâm là số vụ vi phạm có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống đê nhưng việc ngăn chặn xử lý vi phạm giống như “bắt cóc bỏ đĩa” vì chưa được chính quyền cơ sở quan tâm đúng mức. Đơn cử như năm 2013, trên địa bàn TP phát sinh phát sinh 228 vụ, năm 2014 con số này nâng lên thành 315 vụ và năm 2015 là 375 vụ.
Theo phản ánh của các Hạt Quản lý đê thuộc Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, ngay khi phát hiện vi phạm, cán bộ các hạt quản lý đê điều lập biên bản vi phạm, đồng thời, chuyển hồ sơ lên chính quyền địa phương xử lý. Thế nhưng công tác xử lý hết sức khó khăn, đạt tỷ lệ thấp.
Ví như tại huyện Quốc Oai, ngay khi phát hiện các vi phạm trên, Hạt Quản lý đê Quốc Oai - Thạch Thất đã lập các biên bản vi phạm pháp luật về đê điều, ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm; tổ chức làm việc với chính quyền địa phương đề nghị ngăn chặn và xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm pháp luật đê điều chuyển biến chậm, một số vi phạm vẫn tồn tại.
Qua đó cho thấy, một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện việc ngăn chặn, giải tỏa vi phạm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm còn lỏng lẻo.
Không xử nghiêm làm gia tăng tái phạm
Nhằm hạn chế tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hà Đức Trung cho rằng, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều tới người dân sống ven đê nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ đê điều thì cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương xảy ra tình trạng vi phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm nhưng không được xử lý.
Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều đang tồn đọng; tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp tái vi phạm, vi phạm mới.
Ngoài ra, sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND TP lập các dự án di dân, tái định cư, di dời công trình, nhà ở nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều và các khu vực khác cần phải tổ chức di dời theo quy định. Đề xuất ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ công tác quản lý đê điều trong kế hoạch tu bổ đê điều hàng năm, như xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê, nâng cấp, gia cố mặt đê, tăng tải trọng thiết kế; đề xuất xây dựng kè kết hợp làm đường ven sông đoạn qua khu vực đô thị trung tâm TP nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng đổ chất thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông…