Cha nhận con: ghi tên ngay vào giấy khai sinh
Là trưởng phòng nhân sự một công ty liên doanh với nước ngoài, mặc dù đã có vợ và hai con gái nhưng anh Quân (Ba Đình, Hà Nội) vẫn là niềm ao ước với nhiều cô gái trẻ, trong đó, có chị Nguyễn Thị Bích (trú ở quận Hà Đông).
Rồi chẳng hiểu có phải do “lửa gần rơm” hay không, sau những chuyến công tác dài ngày mà chỉ có hai người, trưởng phòng và nhân viên bỗng nhiên thành một cặp, bất chấp sự dèm pha, nhòm ngó của nhiều người. Kết quả của mối tình này là chị Bích có thai. Siêu âm đứa bé được xác định là con trai.
Mừng như "vớ được của", trong lúc chị Bích còn phân vân thì anh Quân bằng mọi cách vận động chị Bích giữ đứa bé lại nuôi để mai sau có người nối dõi. Hiểu được tâm lý người “chồng hờ” và cũng muốn ghi dấu tình yêu giữa hai người, chị Bích đồng ý sinh đứa bé trong hoàn cảnh hai người không phải là vợ chồng hợp pháp.
Tại UBND xã H. của quận Hà Đông, nơi chị Bích có hộ khẩu thường trú, anh Quân đã đề nghị được đăng ký khai sinh cho con riêng của mình, đồng thời đề nghị tên anh được ghi trong phần khai về người cha.
Tuy nhiên, do anh Quân và chị Bích không có đăng ký kết hôn nên xã không thể áp dụng quy định về đăng ký khai sinh như những đứa trẻ khác mà áp dụng quy định về đăng ký cho con ngoài giá thú.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 15 Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
Do đó, UBND xã nơi chị Bích cư trú đã kết hợp việc giải quyết nhận con và đăng ký khai sinh cho con chị Bích và tên anh Quân đã được ghi ngay vào trong Giấy khai sinh.
Chưa nhận ngay: có thể bổ sung
Khác với anh Quân, anh Hoàng lại là một cán bộ nguồn trong một cơ quan nhà nước. Hôn nhân của anh trục trặc cũng là lúc anh gặp chị Lê Thị Hà (người phụ nữ thứ 2- PV). Họ đến với nhau và khi anh Hoàng cầm quyết định ly hôn của Tòa án cũng là lúc bé gái con anh và chị Hà - người phụ nữ đến sau, chào đời.
Khi con được 2 tháng tuổi, chị Hà ra UBND phường sở tại làm khai sinh cho con. Mặc dù thừa nhận mối quan hệ với chị, cũng như chu cấp, thăm nom thường xuyên với hai mẹ con nhưng anh Hoàng nhất định… không chịu đứng tên bố trong giấy khai sinh của con. Lý do anh đưa ra là anh đang hoàn thiện hồ sơ để bổ nhiệm phó giám đốc sở nơi anh công tác. Anh lo ngại nếu chuyện của anh “lộ” ra sẽ ảnh hưởng đến việc thăng tiến.
Ngậm ngùi, chị Hà đành một mình đứng tên trong giấy khai sinh. Một năm sau khi cháu bé tròn một tuổi thì anh Hoàng mới quyết định điền thêm tên cha vào giấy khai sinh cho con.
Theo yêu cầu của anh chị, UBND phường đã tiến hành đăng ký kết hôn. Vì anh Hoàng cam đoan đứa bé là con mình nên UBND phường không yêu cầu anh Hoàng, chị Hà phải làm thủ tục nhận con. Theo hướng dẫn, hai anh chị chỉ cần khai báo bằng văn bản về việc thừa nhận con chung. Căn cứ vào giấy chứng nhận kết hôn, văn bản khai nhận con của cha, mẹ và các giấy tờ khác, UBND phường đã ghi bổ sung các thông tin về anh Hoàng vào bản chính giấy khai sinh cũng như sổ đăng ký khai sinh của người con.
* Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Châu và cộng sự:
“Nhiều người phải kiện mới đòi được tên cha cho con!” Tuy nhiên, hành vi có con ngoài giá thú đối với đàn ông đã có vợ, là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình vì Luật này quy định “cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.
* Cha, mẹ phải có mặt khi làm thủ tục nhận con
Thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con:
1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).
2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết…
(trích Điều 35 Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch) |
Bình An