Từ mơ ước ngây ngô thành “lều báo” non nớt
Bố tôi từng bỏ lỡ ước mơ trở thành nhà báo khi ông viết đơn xin tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1984. Cuộc sống khó khăn nên bố tôi chẳng thể có cơ hội để theo đuổi thêm lần nào nữa nhưng tôi biết ông vẫn khát khao. Nhà tôi gạo hết có khi chưa kịp mua, nhưng tờ báo về pháp luật - an ninh thì bố tôi không bỏ sót một số nào. Ngày đăng kí thi vào chuyên ngành báo chí, bố tôi hỏi lý do và tôi đáp lại rằng “để chuyên đi điều tra, bóc trần cái xấu bố ạ”. Ông đã “hộ tống” tôi đem mơ ước ngây ngô ấy thi đỗ đại học, chính thức thành sinh viên báo chí.
Năm đầu tiên, tôi thích ôm chiếc máy ảnh bố tôi chắt chiu mua cho, đạp “quả” xe “cà tàng” đi khắp ngóc ngách rình chụp những gì chướng tai gai mắt. Trải nghiệm đầu tiên là bị xua đuổi, dọa đánh khi chụp ảnh những người bán bánh mì trước cổng một siêu thị. Khi đó tôi chỉ nóng lòng muốn viết được một cái tin “hot” chứ không đủ sâu sắc để có thể khai thác đề tài theo một hướng khác nhân văn hơn. Rồi tôi tham gia chương trình “Đạp xe tình nguyện và viết bài” để có thêm nhiều trải nghiệm.
Lần đó, tôi giật tít thật kêu về những gian khó của đoàn khi phải nghỉ trưa ở chuồng lợn, chân thực đến mức trần trụi nhưng lại không giải thích rõ rằng chuồng lợn đó đã không sử dụng nhiều năm và hoàn toàn sạch sẽ. Tổ chức đoàn cấp trên cho rằng việc như vậy là không chấp nhận được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thanh niên tình nguyện và yêu cầu Trưởng đoàn của tôi phải kiểm điểm người viết. Sự tự tin thái quá và thiếu cẩn trọng là bài học đầu tiên tôi có được.
Những pha làm nghề nhớ đời
So với những gì chúng tôi được học trong nhà trường về đạo đức nhà báo, kỹ năng viết tin chuyên nghiệp, cách triển khai đề tài để có một bài phóng sự, phản ánh có chiều sâu thì sự chuyển biến của báo chí lúc đó khiến không ít sinh viên báo chí hoang mang. Báo giấy không còn thịnh hành, báo mạng đòi hỏi phóng viên phải tập trung lấy những tin giật gân, lạ đời để thành hot, view cao làm nhiều người bỏ cuộc trong đó có tôi. Bản tính như con ngựa hoang, tôi không đủ kiên nhẫn để ngồi im ngày 8 tiếng trong văn phòng máy lạnh chỉ làm mỗi việc gõ nhập dữ liệu. Hai tháng đi làm thêm ở Công ty truyền thông, tôi nhận được 800 ngàn đồng tiền công. Chán nản, tôi nhớ những cung đường tôi đến, những người tôi đã gặp, những câu chuyện của riêng họ và tôi quyết định quay lại.
Tôi xin làm cộng tác viên cho Báo Pháp luật Việt Nam. Bài đầu tiên tôi làm về cuộc sống của những người sống trong các khu nhà tập thể bằng gỗ ven sông Hồng có tuổi đời 70 năm, chỉ trực chờ đổ sập. Bốn trăm ngàn là số tiền nhuận bút lớn tôi kiếm được, thừa thắng xông lên, tôi nhận viết về những góc khuất đằng sau những vụ án “cướp, giết, hiếp”. Một đứa con gái rất sợ ma, ngủ phải bật đèn sáng choang lại nhận viết về mảng đề tài này thật quá liều. Tất cả chỉ vì tôi muốn khẳng định mình, muốn thử sức.
Nhiệm vụ đầu tiên tôi viết về nỗi đau của cha mẹ của cậu bé mang án giết người khi mới chỉ 13 tuổi ở Bắc Ninh. Chẳng ai muốn khơi lại nỗi đau ấy nên họ đuổi tôi ngay từ đầu ngõ nhưng năn nỉ mãi, hứa không ghi âm, chụp ảnh cuối cùng tôi cũng được vào nhà.
Tôi lóng ngóng cài máy ghi âm ngầm thì bị phát hiện, hẳn là tôi sẽ nhận về sự giận dữ khi đã nói dối song tôi lại nhận được một câu hỏi còn cay đắng hơn thế: “Làm nghề báo như các cô cũng nhục nhỉ?”, tôi chết đứng nhưng câu chuyện về cậu con trai được chia sẻ dễ dàng hơn vì họ cũng đang chung một cảm giác “bị xua đuổi” như tôi. Tối hôm đó, tôi bắt đầu viết, khuôn mặt trắng trẻo ngây thơ của cậu bé ấy hiện lên, cái ao nơi cậu ấy bị dìm xuống, sự đau khổ cùng cực đến câm lặng của người mẹ và cả sự tuyệt vọng, trốn tránh của gia đình cậu bé kia đó khiến tôi khóc. Tôi hoàn thành bài viết trong ba ngày và mang về một rổ kinh nghiệm xương máu cùng sự ám ảnh đến mãi sau này.
Lần thứ hai, tôi đi Hải Phòng. Vượt qua cơn bão đang rầm rít, tôi đến nhà một người vợ suốt 5 năm đi kêu oan cho chồng phạm tội hiếp dâm trẻ em. Ngôi nhà ấy quay lưng ra đường. Trước mặt tôi là người đàn bà đang giận dữ, bất lực rồi òa khóc khi phải sống trong cảnh bị làng xóm khinh bỉ, con cái cũng chẳng nên người. Sự đau khổ, bất hạnh, hoài nghi cứ như một vòng luẩn quẩn khiến tôi muốn đi tìm tận cùng sự việc. Tôi đem những nghi ngờ tìm đến cơ quan điều tra và nhận được những cái lắc đầu, đùn đẩy nên sau hai ngày chờ đợi, tôi chán nản bỏ về tay trắng. Vụ đó tôi đành bỏ dở và luôn cảm thấy day dứt với lời hứa sẽ đi đến cùng sự việc.
Rồi lại thêm một vụ án mạng, nạn nhân bị giết hại vì tàu lá chuối và gục ngã cách nhà mình 50m. 9h tối, tôi kết thúc buổi phỏng vấn, chạy chiếc xe máy cà tàng, nhông xích thi nhau kêu lọc cọc trên triền đê mà thấy buồn. Miền quê ấy trông thật thanh bình nhưng lại chẳng yên ả khi có hai gia đình bỗng chốc ly tán, đầy bất hạnh. Kể từ đó, ở đâu có “cướp, giết, hiếp” là tôi tới, tôi đã chai lì hơn cho đến một ngày… khi tôi cùng đồng nghiệp chạy tới lấy tin về một vụ án ở Hà Tây mà không hề biết rằng buổi sáng hôm đó đã có người đến lấy tin và để lại sự phẫn nộ tột độ cho gia đình nạn nhân.
Người thân của nạn nhân là người đàn ông đang cởi trần, như con thú lồng lên đòi giết những ai là nhà báo, người làng thì kéo tới ngày một đông. Họ đòi giữ xe, máy ảnh và tra hỏi chúng tôi làm việc cho báo nào. Hóa ra, người bị hại là một người đàn bà không chồng, đã gần 60 tuổi bị một tên trong làng giết và cướp tài sản, nhưng có báo đã đưa tin rằng họ là tình nhân và tên kia phạm tội do ghen tuông.
Bên trong ngôi nhà vọng ra tiếng chửi rủa, đe dọa đi theo là những mảnh gạch vỡ, bên ngoài đám người hiếu kì xen lẫn bức xúc vây quanh khiến tôi cảm thấy kinh hãi. Lúc chạy ra được đường lớn an toàn, tôi đã òa khóc, cảm thấy bất lực và tôi muốn bỏ cuộc. Mẹ tôi biết chuyện đã xuống tận nơi “áp tải” tôi về quê nhà vì bà không muốn con gái bà liều mạng thêm lần nào nữa.
Dự định viết về cuộc sống của những người sống dưới mức nghèo khổ ở khu gầm cầu, những người đi vác hàng thuê ở Chợ đầu mối Long Biên đã không kịp hoàn thành. Tôi bỏ lại sau lưng cả ước mơ dang dở của bố tôi, để rồi ông giận tôi chẳng nói gì suốt nửa năm trời.
|
Đừng là đốm lửa tàn
Bây giờ các phương tiện truyền thông đại chúng đã cởi mở, vai trò của báo chí đã được biết đến nhiều hơn, nhiều đại án hay trọng án có sự góp phần không nhỏ của các nhà báo đã dũng cảm đưa ra ánh sáng, người dân cũng tìm tới nhà báo nhiều hơn vì họ tin nhà báo sẽ giúp được họ. Xong đâu đó, nhiều báo và nhiều phóng viên cũng trở nên cẩu thả, dễ dãi. Họ sáng tạo ra những “đứa con tinh thần” theo mô tuýp “sốc, sex, sến” làm cộng đồng dậy sóng nhưng lại chẳng đem đến ý nghĩa tích cực. Một ngày biết bao tin tức tiêu cực ập đến nhưng kéo dài cả một trang báo phần nhiều là tin tức về giết chóc, đánh ghen, bệnh tật, lộ hàng.. khiến người đọc cảm thấy cuộc sống quá nhiều mệt mỏi, đâu rồi những bài phóng sự, phản ánh chất lượng và sâu sắc, những bài viết mà đọc rồi khiến con người ta muốn sống tốt hơn, tin tưởng vào những điều tốt đẹp đang hiện hữu?
Tôi đã từng muốn là cây cầu nối, đại diện những tiếng nói yếu ớt để đưa tới những nơi cần được nghe và thấu hiểu nhưng tôi không đủ lửa để đeo đuổi điều đó. Tuổi nghề và những trải nghiệm của tôi không nhiều nhưng đủ quý giá để tôi hiểu được rằng, người làm báo phải như ngọn lửa luôn cháy rực rỡ. Nó phải được hun đúc thật nhiều, trau dồi bằng bản lĩnh, làm nghề nghiêm túc, đau đáu với nó rồi dấn thân và không từ bỏ. Là nhà báo thì đừng là những đốm lửa tàn, lóe sáng rồi vụt tắt thật nhanh.