Để mất rừng, lãnh đạo ngành nông nghiệp Lâm Đồng xin "kiểm điểm rút kinh nghiệm"

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) -  Đó là nội dung đáng chú ý được nêu ra trong Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng về kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Sở qua các thời kì liên quan đến các kết luận thanh tra của UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà ban hành hồi tháng 4/2020.

Hiện trường một vụ phá rừng tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà.
Hiện trường một vụ phá rừng tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà.

Báo cáo nêu trên được ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng ký, vừa được gửi đến UBND tỉnh, Sở Nội vụ Lâm Đồng.

Theo đó, thời gian qua, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng của huyện Đức Trọng, rà soát diện tích rừng, đồng thời cung cấp số liệu cho Sở Tài chính tỉnh tính toán bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng của 16 doanh nghiệp, để xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng và yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường theo quy định.

Hiện đã xác định được giá trị khối lượng lâm sản bị thiệt hại của 15/16 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới có 5/15 doanh nghiệp chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng trên 15 tỉ đồng.

Cụ thể, tại huyện Đức Trọng, từ khi các doanh nghiệp được thuê đất thuê rừng đến ngày 30/6/2019, có 17 dự án để xảy ra phá 677,56 ha rừng, trong đó có 457,11ha/16 dự án chưa xử lý. Tại huyện Lâm Hà, hai dự án của Công ty TNHH thương mại dịch vụ kinh doanh địa ốc Việt Remax (Công ty Việt Remax) và Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai để xảy ra phá 99,96 ha rừng.

Theo Sở NN&PTNT, trách nhiệm chính gây ra thiệt hại tài nguyên rừng thuộc về các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng quy định rõ trong quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đa phần các doanh nghiệp để mất rừng rơi vào tình trạng không thể triển khai bất kỳ hoạt động nào, dẫn đến tâm lý bỏ mặc dự án, thậm chí có doanh nghiệp đã phá sản.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá, đất lâm nghiệp nói trên do các doanh nghiệp buông lỏng quản lý, không đủ nguồn lực để thực hiện dự án và bố trí lực lượng bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương chưa giám sát và kiểm tra chặt chẽ tài nguyên rừng trên địa bàn. Nhiều hộ dân đã lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng để phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp và chờ cơ hội được đền bù.

Hiện trường một vụ phá rừng ở huyện Đức Trọng.

Hiện trường một vụ phá rừng ở huyện Đức Trọng.

Qua thanh tra, Sở NN&PTNT tỉnh, đã yêu cầu các doanh nghiệp được phê duyệt thuê đất, thuê rừng, hoàn thành việc tự giải tỏa diện tích cây cà phê, cây công nghiệp dài ngày đã trồng xen trong diện tích phải trồng rừng. Kiểm tra, thu hồi, bàn giao lại cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước quản lý, xác định giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại và đề nghị bồi thường.

Đồng thời, Sở cũng đã tổ chức họp Hội đồng xét kỷ luật công chức để kiểm điểm trách nhiệm đối với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và các công chức khác có liên quan không hoàn thành nhiệm vụ, để ra những sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn được giao.

Báo báo cũng chỉ ra trách nhiệm của lãnh đạo Sở NN&PTNT qua các thời kỳ (trong đó có 1 người đã mất). Cụ thể, nguyên Giám đốc sở Phạm Văn Án chịu trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tình trạng phá rừng tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư; giao khoán rừng theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135/2005/NĐ-CP; trong giai đoạn từ tháng 12/2003 đến tháng 4/2012.

Ông Lê Văn Minh, Nguyên Phó giám đốc, Giám đốc Sở chịu trách nhiệm người phụ trách lĩnh vực và trách nhiệm người đứng đầu liên quan đến tình trạng phá rừng tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư; giao khoán rừng theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135/2005/NĐ-CP; trong giai đoạn 7/2005 đến 6/2016.

Ông Bùi Văn Hùng, nguyên Phó giám đốc chịu trách nhiệm có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn 2013-5/2015.

Đối với 2 lãnh đạo Sở NN&PTNT đang đương chức, báo cáo xác định trách nhiệm như sau:

Ông Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc chịu trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tình trạng phá rừng tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư; trong giai đoạn 07/2016 đến thời điểm thanh tra năm 2019. Trước thời điểm 7/2016 ông là Phó Giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực Nông nghiệp, do đó không liên quan đến các tồn tại theo Kết luận 2094 và 2096.

Ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc, chịu trách nhiệm của người phụ trách lĩnh vực liên quan đến tình trạng phá rừng tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư; trong giai đoạn 05/2017 đến thời điểm thanh tra năm 2019. Từ 8/2010 đến 4/2017 ông là Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, các nội dung có liên quan đã thực hiện Kiểm điểm tại Chi cục Kiểm lâm.

Sở NN&PTNT tỉnh kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các Lãnh đạo Sở, nguyên lãnh đạo sở qua các thời kỳ.

Đọc thêm