Đây là nội dung Đề án thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện thông qua việc bổ sung chế độ thai sản, chế độ ốm đau và chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em bên cạnh chế độ BHXH tự nguyện hiện hành mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vừa trình Chính phủ. Đặc trưng của 3 gói này là ngắn hạn, linh hoạt và người tham gia có thể thụ hưởng sau thời gian ngắn chứ không phải chờ tới nhiều năm như chế độ BHXH tự nguyện hiện hành.
Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản
BHXH tự nguyện là gì?
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Theo Luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất. Với các chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc.
Tuy nhiên, chính sách này được bắt đầu thực hiện từ năm 2008 nhưng tính đến hết quý III năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện của cả nước chiếm khoảng 0,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đây được đánh giá là một con số khiêm tốn so với dư địa có thể khai thác. Theo đó, một trong những nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra đó là thiết kế chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn đối với người dân.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung thêm chế độ thai sản được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung thêm quyền lợi về thai sản khi người lao động (NLĐ) sinh con.
NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH một lần.
Theo Tờ trình, ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm NLĐ đang trong độ tuổi sinh đẻ, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, nhược điểm của gói này chính là khó cân đối về tài chính nên cần đến sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và không đảm bảo sự tham gia lâu dài, bền vững do có thể phát sinh lựa chọn ngược. Đặc biệt khi NLĐ chuẩn bị mang thai mới tham gia, sau khi sinh con hưởng chế độ sẽ không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau
Gói BHXH tự nguyện thứ 2 được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất là gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau. Theo đó, gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) nhưng bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi NLĐ gặp rủi ro ốm đau (tối đa 30 ngày trong 1 năm) với điều kiện NLĐ đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.
Về ưu điểm, gói này có thể thu hút sự tham gia của nhóm NLĐ có nhiều nguy cơ gặp rủi ro ốm đau, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.
Song nhược điểm của gói này chính là cần đến sự hỗ trợ (bù) của ngân sách nhà nước vì việc quy định NLĐ đóng là không khả thi. Bên cạnh đó, mức độ thu hút phụ thuộc rất lớn vào mức trợ cấp được hưởng và mức độ thuận tiện trong thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ.
Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em
Gói bảo hiểm này được Bộ LĐ-TB&XH thiết kế dựa trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) nhưng bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ 6 tuổi) với điều kiện NLĐ đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm NLĐ có con dưới 6 tuổi, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, nhược điểm của gói này chính là cần sự đóng góp thêm của NLĐ 1,5% và vẫn cần đến sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước (với quy định tỷ lệ đóng 1,5% khó đảm bảo khả năng cân đối do tỷ lệ đóng này được Tổ chức Lao động quốc tế tính toán trên giả định tham gia của phần lớn những người thuộc đối tượng).
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, đây là chính sách mới, phức tạp, quá trình nghiên cứu phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, Bộ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ quan này tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá toàn diện các vấn đề nêu trên để hoàn thiện Đề án, báo cáo Thủ tướng khi đảm bảo đầy đủ căn cứ, cơ sở và tính khả thi trong việc thực hiện thí điểm trong thực tiễn.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu:
Cần vai trò “bà đỡ” của Nhà nước
Từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ số tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia BHXH tự nguyện gồm: 30% với người nghèo, dân tộc thiểu số; 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 10% là chưa đủ hấp dẫn, khuyến khích người dân tham gia. Bởi khác với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Chúng ta đã có chính sách BHYT toàn dân và theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng hướng tới BHXH toàn dân, vì vậy việc hỗ trợ, tăng tính hấp dẫn của chính sách này là điều rất quan trọng.
Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH):
Cần giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu
Mặc dù chính sách BHXH tự nguyện rất có lợi cho người tham gia nhưng công tác triển khai vẫn gặp phải một số bất cập. Nhóm đối tượng này thường có công việc không ổn định nên việc trích từ nguồn thu nhập để tham gia BHXH là rất khó khăn. Trong khi đó, mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện còn thấp, chưa tạo được động lực khuyến khích người tham gia. Chưa kể, để được hưởng lương hưu, ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng BHXH - đây chính là rào cản để người dân chưa thật sự sẵn sàng tham gia chính sách BHXH tự nguyện.
Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:
Có thể “nhập” BHYT tự nguyện với BHXH tự nguyện
Trong giai đoạn đầu rất cần nâng mức hỗ trợ để “kích cầu”, theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ 50% mức đóng khi tham gia BHXH tự nguyện, riêng người thuộc hộ nghèo và cận nghèo thì được hỗ trợ cao hơn. Sự hỗ trợ này sẽ tạo sự bao phủ BHXH tự nguyện trên diện rộng, sau đó sẽ điều chỉnh giảm dần. Chúng ta lấy bài học từ chính sách BHYT, ban đầu hỗ trợ thấp nên rất ít người tham gia, sau đó “nới lỏng” nên tới nay đã gần 90% dân số tham gia BHYT. Có thể “nhập” BHYT tự nguyện với BHXH tự nguyện để người dân chỉ cần mua BHXH tự nguyện đương nhiên sẽ có BHYT.
Quy định về BHXH tự nguyện hiện hành NLĐ cần biết
Mức đóng: Theo Luật BHXH và các quy định liên quan, người tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở hiện nay 1.490.000 đồng x 22%/tháng x 20 lần = 6.550.000 đồng/tháng).
Phương thức và thời điểm đóng: Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng: 1 - Đóng hàng tháng; 2 - Đóng 03 tháng một lần; 3 - Đóng 06 tháng một lần; 4 - Đóng 12 tháng một lần; 5 - Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần; 6 - Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.
Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo một trong 05 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu.
Nơi tham gia: Người dân có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc, thông qua đại lý thu: UBND xã, phường, thị trấn; đơn vị sự nghiệp; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức kinh tế và đại lý thu bưu điện tại nơi cư trú.
Hồ sơ tham gia: (01 bộ)
+ Đối với người tham gia: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); Sổ BHXH (đối với người đã tham gia BHXH trước đó);
+ Đối với đại lý thu: Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS);