|
Các cụ già ở trại phong coi chị Yên như con gái |
Chị Yên bắt đầu theo cô ruột vào trại phong chăm sóc bệnh nhân khi mới bước qua tuổi đôi mươi. Khi đó, chị được nhiều chàng trai theo đuổi nhưng với suy nghĩ chín chắn cần làm việc có ích cho đời nên chị đã bỏ qua những lời tỏ tình. Sau ba năm làm công việc chăm sóc, giúp đỡ những bệnh nhân phong, chị đã bị trại phong bỏ “bùa yêu”.
Chị dần học theo cách người cô chăm sóc bệnh nhân rồi tình nguyện làm theo. Sau những lần chứng kiến cô thay băng, tâm sự với bệnh nhân, chị thương cảm, xót xa cho những số phận kém may mắn vì họ sinh ra vốn lành lặn mà ông trời lại không cho họ được lành lặn.
Nhiều lần cô gái trẻ rưng rưng hai dòng lệ khi chứng kiến cảnh những cơn đau hành bệnh nhân phong mỗi khi trở trời. “Những khi trở trời khiến các cụ trở nên quằn quại, đau nhức hơn bao giờ hết. Lúc đó, chỉ trong hoàn cảnh người bệnh mới thấu hiểu được mỗi đau mà họ đang trải qua” – chị Yên chia sẻ.
Sau một thời gian đi tập huấn ở một số trại phong miền Bắc, chị Yên xin được giúp các cụ tại trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh), Phú Bình (Thái Nguyên), Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Nhiều người trong xóm lúc đó lo chị đem bệnh tật về cho dân làng nên không đồng tình.
Tuy nhiên, bỏ qua những lời dị nghị, bằng tình thương, chị Yên đã bước đến với bệnh nhân phong trên đôi chân của mình. Đa phần những bệnh nhân phong bị mù mắt, mất một phần chân hoặc một phần tay nên rất khó di chuyển hoặc làm việc.
Nhiều đêm trời trở rét khiến vết thương tái phát, các cụ bệnh nặng thường phải điều trị thêm thuốc, có cụ không ăn được cơm, chị Yên cùng chị em trong khu phải động viên các cụ cố gắng ăn vài thìa cơm để uống thuốc. Bên cạnh việc tâm sự giúp các cụ giải tỏa tâm lý, thời gian còn lại trong ngày chị Yên dành để giặt giũ, quét dọn, tâm sự với mọi người.
Chị Yên thật thà tâm sự, trước khi lựa chọn công việc này, chị đã suy nghĩ đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì gia đình cấm, bạn bè can ngăn, thậm chí anh em từ mặt. Nhưng chị quyết chọn công việc này với mong muốn được góp sức tạo thêm những tiếng cười, niềm vui cho những kiếp già neo đơn trong xóm “cùi”.
Bước qua nửa đời người, chị Yên đã góp sức vào công việc chăm lo, “góp nhặt” hàng ngàn tiếng cười ở hầu khắp các trại phong miền Bắc. Hơn 28 năm làm công tác tình nguyện, chị Yên luôn dành cho các cụ tình cảm chân thành, tiếp thêm nghị lực sống cho hàng trăm bệnh nhân. Mọi người ở đây xem chị như con cháu trong nhà, lũ trẻ thường gọi chị một cách âu yếm là mẹ Yên, người già thì gọi chị là con. Những tiếng gọi ấy tiếp thêm động lực để chị xua tan đi những mệt mỏi, buồn phiền.
Tình thương, sự đồng cảm vượt qua nỗi sợ
Nhiều người bảo chị có sợ bệnh lây lan không, chị thẳng thắn trả lời: “Có lẽ tình thương, sự đồng cảm đã lấn át ý nghĩ về sự lây lan của căn bệnh sang mình. 28 năm được ở trong trại phong là những ngày hạnh phúc, ý nghĩa trong cuộc đời tôi”.
Ngày ngày, chị tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để chăm sóc các cụ được chu đáo. Đôi khi, những cử chỉ quan tâm nhỏ như giúp các cụ lau mặt, giặt đồ hay vệ sinh đôi chân giả cũng khiến các cụ cảm động, dễ xích lại gần nhau hơn.
Trong mỗi trại phong có rất nhiều cụ có hoàn cảnh thương tâm, mỗi người mỗi cảnh. Phần nhiều các cụ vào đây vì không muốn làm phiền đến con cháu, số ít các cụ vào đây vì không có người thân hoặc con cái đi làm xa.
Bên cạnh việc chăm sóc mọi người, chị còn kết nối mọi người trong xóm “cùi” nhỏ. Chị khuyến khích những người con của họ sống theo cách năng động hơn, tăng gia sản xuất, giúp các cụ vơi đi phần nào nỗi buồn. Đến ngày thu hoạch, chị tập hợp cả trại rồi đem luộc nồi ngô, khoai, lạc thật lớn để tất cả mọi người cùng ăn và thi hát văn nghệ.
Và chị hạnh phúc khi nhìn những gương mặt giãn ra thư thái, hòa cùng tiếng cười, lời ca, rũ bỏ mọi buồn tủi, bi quan về bản thân.
Chính tâm huyết của chị với công việc đã góp phần khơi dậy niềm tin trong mỗi bệnh nhân phong. Những hành động của người phụ nữ tuy nhỏ nhưng góp phần xóa bỏ sự kỳ thị, khoảng cách giữa bệnh nhân phong với mọi người. Những hành động, nghĩa cử cao đẹp đó khiến nhiều người cảm phục, trân trọng./.