Đọc bài viết “Viện cớ đến thăm con để trộm đồ của vợ”, tôi thực sự cảm thông với hoàn cảnh của nhân vật nữ trong bài. Không chỉ bị chồng cũ chây ì trong việc gửi tiền cấp dưỡng nuôi con, chị còn chịu nhiều phiền toái, thậm chí là mất cả tài sản vào tay chồng cũ.
Nhân bài viết này tôi cũng muốn đề cập đến một khía cạnh khác của câu chuyện hậu ly hôn- việc bị ngăn cản quyền thăm con. Đó là một lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình mà không cần biết đến tâm tư, tình cảm của người khác.
Bởi lẽ, phía sau mỗi cuộc ly hôn, người chịu thiệt thòi hơn cả không phải là những ông bố, bà mẹ mà chính là những đứa con của họ. Đang trong cảnh đầm ấm, đông vui, những đứa trẻ đã mất đi một nửa lời ru, em phải xa chị, anh phải xa em. Nhưng có lẽ không gì xót xa và đau khổ bằng việc một người không được quyền nuôi con lại bị người kia cố tình ngăn cản quyền thăm con của mình.
Tôi đã từng chứng kiến và đọc không biết bao nhiêu lá đơn đẫm nước mắt của những bà mẹ bước ra từ cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Hoặc là họ bị gia đình chồng cũ chia cắt tình mẹ con hoặc bị chính người chồng từng đầu ấp tay gối thẳng thừng xua đuổi.
Ảnh minh họa từ Internet |
Minh Châu là công nhân may trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Châu ly hôn chồng khi con trai mới bước qua tuổi mẫu giáo. Lấy lý do cô chưa có nhà cửa ổn định, thu nhập lại không đảm bảo nên Tòa án đã giao con cho chồng cũ của cô nuôi dưỡng và cô có quyền đến thăm con bất cứ lúc nào.
Tuy vậy, chỉ được vài ba lần mẹ chồng cũ của cô còn mở cửa cho vào, đến lần thứ tư thì bà viện đủ mọi cớ để cô phải ra về. Lúc thì “cháu vừa theo ông đi chơi, chẳng biết lúc nào mới về”, khi khác lại “cháu đang học bài với cô giáo, không ai quấy rầy được”. Nhớ con, Châu kiên nhẫn ngồi ngoài cổng đợi, nhưng đợi từ trưa cho đến xế chiều cô vẫn chưa được mở cửa cho vào.
Một lần, vừa thấy bóng cô ngoài cổng, chồng cũ của cô đã xua chó ra đuổi. Vừa chạy, Châu vừa nghe tiếng bà nội của con mình nói vọng sau lưng: Từ giờ cô đừng đến đây nữa.Thằng Cún cũng không muốn gặp cô, nó bảo mẹ nó đã chết rồi!
Chẳng còn cách nào khác, Châu đành nhờ Hội phụ nữ và chính quyền địa phương can thiệp. Trước mặt Châu và chính quyền đoàn thể, họ ngọt ngào hứa sẽ thực hiện nghiêm túc bản án của Tòa, không dám cản trở quyền thăm con của Châu. Nhưng bước chân về đến nhà, những lời hứa kia đã theo gió bay đi .
Không riêng gì Châu, nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng lâm vào cảnh bị gia đình vợ (chồng) cũ “cấm vận” chuyện thăm nom con cái. Thậm chí họ đã phải cầu xin để phía bên kia thương tình cho được ôm con vào lòng, được chơi đùa cùng con trong vài phút. Và tất nhiên những cơ hội đó không có nhiều.
“Có lần tôi đến thăm con, vợ cũ của tôi không những giấu con sang nhà hàng xóm mà còn vênh váo cho rằng, cho thăm hay không là quyền của cô ấy, còn bản án tuyên thế nào là việc của Tòa. Nếu cô ấy đã không thích thì chẳng thiếu gì lý do để ngăn cản quyền thăm con của tôi.
Rốt cục, trong một năm mà cha con tôi gặp nhau chưa đến ba lần. Mỗi lần gặp nhau, con trai của tôi đều tỏ vẻ bất an, cháu nói rất nhớ tôi nhưng không dám thổ lộ với mẹ vì sợ mẹ đánh. Đi gặp tôi cháu cũng giục phải nhanh lên, nếu quá giờ hẹn thì lần sau sẽ không có buổi gặp gỡ như thế này nữa. Nhìn con mà tôi thấy tội nghiệp quá.”- Đào Tuấn, một kiến trúc sư tại Hà Nội tâm sự.
Đằng sau sự trả thù này có thể một bên sẽ thấy hả hê vì tưởng đã làm cho đối phương bị tổn thương.Tuy nhiên họ không ngờ, chính những đứa con của mình mới là người phải chịu thiệt thòi hơn cả.
Sau ly hôn, có thể một bên chồng/vợ được hạnh phúc hơn, nhưng các con của họ sẽ mất đi một nửa hơi ấm tình thương từ cha mẹ. Vậy nhưng nhiều người dường như không nhận ra điều đó, họ vẫn cố tình làm khó cho nhau, gây đau khổ cho người từng là chồng/vợ của mình. Và vô tình họ đã đẩy những đứa con thơ ngây vào một thế giới chỉ có hận thù- ở đó không có sự bao dung và tha thứ./.