Đến Gia Lai xem chia của cho… người chết

(PLVN) - Nhà mồ nơi đây được đổ bê tông cốt thép khá vững chắc, trang trí rất kỳ công, thường xuyên được lau dọn vệ sinh sạch sẽ, có cửa khóa cẩn thận, có rào chắn sắt thép kiên cố; xây dựng bằng những vật liệu đắt tiền như thép không gỉ, inox, đá hoa cương, ngói vảy cá chép... Trông “ngôi nhà”, bên mỗi ngôi mộ, có rất nhiều cổ ghè, miệng ché, cán cuốc, cán dao, thậm chí có cả những tay ga xe máy trồi lên mặt đất.
Bà Rơ Châm H' Plur bên ngôi mộ của chồng ở làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai
Bà Rơ Châm H' Plur bên ngôi mộ của chồng ở làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Chôn của cải cùng người chết

Bà con người đồng bào Jrai xưa nay thường có quan niệm: Con người chết đi không phải là kết thúc tất cả mọi việc, mà sự chết đi là một dấu mốc quan trọng để chuyển hóa từ sự sống trần gian đến sự sống atâu (thế giới của hồn ma). Thế giới atâu cũng mưu cầu hạnh phúc học hỏi, làm ăn, sinh hoạt, quan hệ, tín ngưỡng, du ngoạn, tiêu xài... như thế giới ở trên cõi trần gian. 

Từ quan niệm đó, mà mỗi khi có người chết, đồng bào người Jrai thường tổ chức đánh cồng chiêng, làm thịt trâu bò, lợn gà chăn nuôi tại gia đình cùng muông thú săn bắt được ở trong rừng; và làm cơm, góp rượu để hành lễ kính cáo tổ tiên, anh em quen biết đã chết trước, trời đất cùng các đấng thần linh khác. Sau đó, bà con tổ chức ăn uống, nỗi niềm, chia ly người đã chết trong nhiều ngày liền. 

Tiếp đó, họ công khai, minh bạch phân chia của cải vật chất tài sản trong gia đình, dòng họ, làng xã, rồi mang những của cải vật chất đó ra chôn cất cẩn thận theo người chết. Họ quan niệm việc phân chia của cải đó là để sòng phẳng rõ ràng với người còn sống và người đã chết, làm cho người chết về với thế giới atâu có của ăn của để, có các đồ dùng và phương tiện sử dụng như khi còn sống ở trên trần gian. 

Những việc làm này đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành hủ tục lâu nay. Hủ tục này đã gây lãng phí rất nhiều công của, không phù hợp với đời sống thực tế khó khăn tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, nên đã bị xóa bỏ ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên, ở một số làng của người Jrai thuộc các huyện biên giới Ia Grai, Đức Cơ (Gia Lai) lại tái diễn hủ tục lạc hậu này.

Trong khu nhà mồ của làng Ó (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) có rất nhiều ngôi nhà mồ được xây dựng khang trang kiên cố, nhiều ngôi nhà mồ có giá trị trên 200 triệu đồng. Nhà mồ nơi đây được đổ bê tông cốt thép khá vững chắc, trang trí rất kỳ công, thường xuyên được lau dọn vệ sinh sạch sẽ, có cửa khóa cẩn thận, có rào chắn sắt thép kiên cố; xây dựng bằng những vật liệu đắt tiền như thép không gỉ, inox, đá hoa cương, ngói vảy cá chép... 

Bên trong nhà mồ được bà con bài trí các đồ vật gọn gàng, luôn có hoa quả tươi, bánh kẹo, hương nhang bên cạnh di ảnh chân dung của người đã khuất. Dưới nhà mồ có rất nhiều tài sản có giá trị như xe máy đời mới, xe đạp đắt tiền, quạt điện, nồi cơm điện, quần áo, chăn chiếu, giầy dép, mũ nón, cuốc xẻng, dao kéo... Các loại tài sản này đều được sắp đặt, chôn cất cẩn thận bên cạnh huyệt mộ cùng với người đã chết. 

"Chia của cho người chết là phong tục tập quán lâu đời của dân làng mình, của dân làng khác ở trong vùng này. Chồng mình là ông Rơ Châm Hrú mới chết cũng được gia đình, dòng họ phân chia của cải như chăn màn, ti vi lớn, xe máy Yamaha Sirius đời 2018, quạt điện mới, nồi cơm điện, dao rựa, cuốc thuổng, chiêng ghè... Tất cả các của cải đó đã được dân làng chôn cất xuống đất, bên quan tài ông ấy", bà Rơ Châm H' Plur cho hay.

Những ngôi mộ được thiết kế cửa đóng then cài như những ngôi nhà
Những ngôi mộ được thiết kế cửa đóng then cài như những ngôi nhà

Làm gì để xóa bỏ hủ tục lạc hậu? 

Cách khu nhà mồ làng Ó khoảng hơn 90km về hướng Tây Nam là khu nhà mồ làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Khu nhà mồ này cũng của người đồng bào Jrai nên kiểu cách trang trí và xây dựng không khác biệt với khu nhà mồ của làng Ó là bao, ngoại trừ việc chôn cất của cải vật chất cho người chết có để một phần lộ thiên trên mặt đất. Minh chứng là trong khu nhà mồ làng Lung Prông có rất nhiều cổ ghè, miệng ché, cán cuốc, cán dao, thậm chí có cả những tay ga xe máy lộ thiên bên các ngôi mộ. 

"Những tay ga xe máy đó là của mộ ông Kpuih Nan, ông đó đã chết nhiều ngày qua. Ông Kpuih Nan được anh em họ hàng chia của cho rất nhiều thứ, trong đó có cái xe máy Honda Dream mới mua hơn 18 triệu đồng. Khi chôn cất xe máy bên ngôi mộ ông Kpuih Nan, bà con đã cài cắm chắc chắn cây sắt ở dưới bánh xe, rồi đổ bê tông kín xung quanh xe để phòng chống trộm ăn cắp, chỉ để lộ tay lái xe máy trên mặt đất", ông Ksor Nil, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Kriêng, cho hay. 

Ông Ksor Nil cho biết thêm: "Trước kia, đời sống vật chất quá khó khăn, bà con nơi đây chỉ chia của cho người chết những thứ như cồng chiêng, ghè ché, cuốc dao, ít có giá trị về tiền bạc. Còn ngày nay đời sống khá hơn, bà con chia của cho người chết nhiều thứ có giá trị cao nên sợ bị mất trộm. Bởi vậy phải chôn cất kỹ lưỡng của cải, rồi thay nhau bảo vệ tài sản cho người chết để yên lòng cho cả người còn sống lẫn người đã chết...". 

Chưa ai biết cụ thể thế giới atâu ra sao, chưa ai tận thấy người đã chết ăn uống, sử dụng các đồ dùng như thế nào. Chỉ thấy rất rõ là thực tế nhiều hộ người đồng bào dân tộc thiểu còn đói nghèo, còn phải nhận sự hỗ trợ hàng hóa, thậm chí Chính phủ thường phải cấp gạo cứu đói cho bà con. Thế mà mỗi khi có người chết, bà con người Jrai lại bỏ bê nhiều công việc cần thiết, tổ chức ăn uống say sưa nhiều ngày liền, chia của cho người chết làm lãng phí rất nhiều công của, thời gian, không phù hợp với việc xây dựng nông thôn mới. 

Ông Siu Mế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Kriêng khẳng định: "Cán bộ các cấp, các ban ngành đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục chia của cho người chết. Kết quả đã hạn chế được rất nhiều hộ chia của cho người chết. Tuy nhiên, hủ tục này vẫn chưa bị xóa bỏ triệt để. Bởi vậy, cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu, tiếp tục tăng cường bám làng, vận động, thuyết phục bà con người đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ triệt để hủ tục lạc hậu này". 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nay Kỳ Hiệp, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai khẳng định: “Phong tục chia của cho người chết đã ăn sâu bén rễ trong tâm trí người đồng bào Jrai. Muốn xóa bỏ triệt để phong tục này thì cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp phải tiên phong đi đầu và tích cực vận động, thuyết phục những người thân thực hiện nghiêm túc các nghị định, quy chế, quyết định, hương ước, quy ước về nếp sống văn minh trong việc tang và lễ hội. Tận mắt thấy những việc làm có ích thiết thực, bà con các làng ắt sẽ dần dần bảo nhau tiết kiệm chi tiêu hợp lý trong việc tang lễ, không phân chia tài sản cho người chết, xóa bỏ tâm lý sợ hồn ma về đòi lại của cải vật chất”.

Mỗi vùng một cách “chia của”

Tại Gia Lai, cũng là việc chia của cho người chết của người Bahnar, Jrai, nhưng ở một số vùng, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt đáng kể trong cách làm: Một số làng của người Jrai Aráp, người ta không chia cho người chết những vật thật, mà là những vật thay thế, được đẽo gọt bằng tay rồi trang trí rất đẹp mắt. Còn người Bahnar ở Đak Pơ và Kbang cũng chia xe máy cho người chết, nhưng không chôn luôn cái xe mà chỉ cạo 1 chút sơn, hoặc cắt 1 khúc dây điện, hay bẻ 1 cái gương… gói vào giấy chôn theo. Với những đồ dùng khác, đồng bào cũng làm tương tự như vậy.

Đọc thêm