Liên quan đến quy hoạch phát triển quản lý báo chí đến năm 2025, Đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TT&TT về kết quả và những giải pháp thực hiện chủ trương lớn này.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4/2019 Thủ tướng ký Quy hoạch báo chí. Tháng 6/2019 Bộ TT&TT có kế hoạch triển khai. Tháng 8/2019, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với từng cơ quan báo chí.
Đến thời điểm này, có 33/33 tổ chức hội ở Trung ương phải quy hoạch thì đã làm xong; có 13 bộ ngành triển khai quy hoạch đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án; có 31 địa phương thực hiện quy hoạch thì còn 1 địa phương đang hoàn thiện. Đến hết năm nay Quy hoạch báo chí sẽ thực hiện xong, sau đó chúng ta sẽ thực hiện tiếp công tác phát triển báo chí, xây dựng các đơn vị báo chí chủ lực, hỗ trợ đặt hàng báo chí…
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (tỉnh Ninh Bình) về khả năng hoàn thành mục tiêu tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 30% vào năm 2020; sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số; giải pháp, cách làm mới, nguốn nhân lực để triển khai Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, để đạt mục tiêu cung cấp 30%dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 vào năm 2020, Bộ TT&TT đã tìm cách làm đột phá là sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến dựa trên nền tảng cơ bản đưa tất cả các dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 lên cùng lúc.
Với cách làm này đã có 2 bộ đạt 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là Bộ Y tế, Bộ TT&TT. Vừa qua chúng tôi thí điểm tại tỉnh Bến Tre, sau 3 tháng thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp 4 từ 6% đã đạt 100%. Sắp tới Bộ TT&TT sẽ triển khai trên diện rộng.
"Khó nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến là kết nối, Bộ TT&TT đã xây dựng trục kết nối chung mà các tỉnh chưa phải đầu tư, Bộ TT&TT cũng hỗ trợ kết nối thanh toán dịch vụ công trực tuyến với các ngân hàng cho các địa phương. Các DN công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã vào cuộc rất tích cực. Vì vậy chúng tôi hoàn toàn tin rằng đến hết năm 2020 tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt hơn 30% và đến năm 2021 chúng ta có thể cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Nói về sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết Chính phủ điện tử là tin học hóa quy trình, cung cấp dịch vụ trực tuyến, còn Chính phủ số hoạt động trên môi trường số, sử dụng dữ liệu ra quyết định, cung cấp thêm dịch vụ mới theo nhu cầu người dân. Trong năm nay Bộ TT&TT sẽ ký chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.
Về nhân lực cho Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng phải có sự thay đổi đối với nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin từ làm trực tiếp sang đặt hàng và giám sát DNthực hiện. Bộ TT&TT cũng đang triển khai chương trình 100 chuyên gia chính phủ điện, hình thành mạng lưới chuyên gia, diễn đàn về chính phủ điện tử. Đối với người dùng thì xây dựng công cụ phần mềm, công khai, dễ dùng như mạng xã hội để không phải đào tạo lại
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT&TT việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam có bị chậm so với các nước không và hiệu quả đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, chúng ta làm mạng 5G không chậm, năm 2019 thử nghiệm kỹ thuật, năm 2020 thử nghiệm thương mại và 2021 triển khai diện rộng. Mạng 2G chúng ta đi cùng nhịp thế giới nhưng 3G, 4G chậm hơn 7-8 năm.
Chúng ta triển khai mạng 5G theo pha trước hết ở thành phố lớn, khu đông người, khu công nghiệp, trường đại học, dựa trên hạ tầng mạng 4G. Bộ đã đề nghị DN xây dựng phương án về dùng chung cơ sở và thiết bị. Làm mạng 5G đồng thời tắt mạng 2G, 3G. Khi triển khai diện rộng sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam sản xuất.