Đến năm 2025, Tiền Giang trở thành điểm sáng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

(PLVN) - Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu phát triển tỉnh Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; GRDP bình quân đầu người đạt 91,5 - 93,5 triệu đồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm khu vực nông, lâm, thủy sản.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền cùng sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế

Công tác quy hoạch, liên kết phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Trong đó, chú trọng kết nối giữa các địa phương trong vùng và các vùng trong tỉnh để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; đồng thời thực hiện liên kết hợp tác với các vùng và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL, tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL, thực hiện ký kết hợp tác với TP.HCM, Long An để từng bước khai thác có hiệu quả cao các lợi thế, góp phần phát triển chung cho cả nước. Đến năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, đạt 169,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,2% so với tổng GRDP của tỉnh.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trước những tác động của hạn mặn và dịch bệnh đầu năm 2020, tốc độ sản xuất công nghiệp tại Tiền Giang vẫn giữ mức tăng trưởng khá, bình quân 13,1%/năm. Đến nay, tỉnh có 4 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 3 khu công nghiệp tổng diện tích lấp đầy trên 71%; 5 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Lĩnh vực thương mại – dịch vụ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 65 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 của ĐBSCL; hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ và phát triển nhanh, gắn với tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững được quan tâm thực hiện. Thực hiện tốt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua bảo hiểm y tế toàn dân, tỷ lệ bao phủ y tế đạt trên 90%, thậm chí 100% xã, phường. Không những thế, công tác cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, dân số, giáo dục trẻ em, thu nhập của người dân được thực hiện chặt chẽ và đạt nhiều kết quả tốt.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Tiền Giang đạt kết quả cao trong nhiệm kỳ vừa qua. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo 153 cùng với các cơ quan nội chính, tư pháp giải quyết những bức xúc của công dân, nhất là các vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài, đặc biệt, đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, đông người kéo dài qua nhiều năm, nhiều nhiệm kì.

Công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, chủ động, coi trọng công tác phòng ngừa là chính. Khi phát hiện các hành vi tham nhũng đều được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm hay ngoại lệ.

Có thể khẳng định trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt và đạt nhiều thành quả quan trọng các chỉ tiêu Nghị quyết mà đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra; năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp được cải tiến; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; mở rộng quan hệ hội nhập quốc tế … góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Tập trung xây dựng sản phẩm chủ lực, vùng động lực để đột phá

Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ Tiền Giang đặt mục tiêu hàng đầu là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng.

Bên cạnh đó, huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2025.

Để thực hiện các mục tiêu đó, tỉnh Tiền Giang đã đề ra 17 chỉ tiêu cho nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó, đáng chú ý về tăng trưởng kinh tế bình quân 7,0 – 7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 91,5 – 93,5 triệu đồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa công nghiệp và xây dựng đứng đầu nền kinh tế (35,6%); kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 20 – 30% xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Với các chỉ tiêu này, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng các khâu đột phá về tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn; Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính. Cùng với đó, xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm: 

Tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh thời kì 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời cụ thể hóa theo hướng nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gia tăng năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo an ninh, quốc phòng và đời sống của nhân dân.

Tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, chế biến nông sản, nhất là trái cây. Xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn và đô thị. Hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước. Đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh, nhất là các sản phẩm nông nghiệp và du lịch.

Thực hiện có hiệu quả về liên kết tiểu vùng, phát triển nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh. Tập trung đầu tư hoàn thành các công trình liên kết với các vùng liên kết, đầu tư công trình phục vụ phát triển kinh tế, phát triển hệ thống cảng chuyên dùng, cảng biển tổng hợp và hệ thống bến thủy nội địa.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung tạo nguồn thu cho thu ngân sách một cách ổn định, tiến tới tự cân đối ngân sách.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phát triển văn hóa, thể dục thể thao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đổi mới hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, biển, khoáng sản và bảo vệ môi trường, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, hệ sinh thái, giảm thiểu sạt lở, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân; tập trung xử lý nước, rác thải tại các khu, cụm công nghiệp, các chợ hay khu dân cư tập trung. 

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI thực hiện theo phương châm “Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Niềm tin – Phát triển”; xác định chủ đề “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao niềm tin trong nhân dân; đổi mới, sáng tạo; bảo đảm quốc phòng an ninh; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tỉnh ủy đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện việc thảo luận, đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, các nhân sĩ trí thức, tầng lớp nhân dân vào dự thảo văn kiện trình Đại hội thông qua nhiều hình thức như tổ chức 62 cuộc hội nghị; điều tra xã hội học; phiếu lấy ý kiến trong các tổ chức, đoàn thể; thực hiện qua đài phát thanh, báo địa phương… để đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh trong 5 năm qua. Qua đó, Tỉnh ủy đã tiếp thu và đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội sắp tới.

Với quyết tâm chính trị cao và sự lãnh đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ cấp huyện và tương đương, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công Đại hội Đảng cấp cơ sở, bầu 4.551 cấp ủy viên, trong đó có 26,43% cấp ủy viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Đại hội Đảng cấp trên cơ sở đã bầu 491 cấp ủy viên, trong đó có 361 cấp ủy viên tái cử; không những thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn 3 Đảng bộ để thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy để rút kinh nghiệm, qua đó phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế trong tổ chức đại hội để triển khai toàn diện.

Đọc thêm