Đèn tre Cố đô Huế xuất ngoại

(PLO) - Trước đây làng nghề truyền thống Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) chủ yếu đan các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp là chính. Nhưng từ năm 2008 đến nay, làng nghề Bao La đã dần khẳng định tên tuổi của mình và đưa sản phẩm vươn ra thế giới.

 Nghệ nhân Thái Phi Hùng giới thiệu với du khách về đèn lồng Bao La.
Nghệ nhân Thái Phi Hùng giới thiệu với du khách về đèn lồng Bao La.
Năm 2007, Hợp tác xã mây tre đan Bao La được thành lập với 25 xã viên và với số vốn ít ỏi, hợp tác xã chủ yếu đan các sản phẩm truyền thống phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Thị trường đồ nhựa xuất hiện với nhiều mẫu mã đẹp, giá thành lại rẻ nên sản phẩm đan của các xã viên ngày càng ế ẩm. Để có thể đứng vững với các sản phẩm nhựa trên thị trường và quyết tâm giữ nghề, xã viên Hợp tác xã mây tre đan Bao La đã dày công nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới áp dụng vào sản xuất sản phẩm thực tế.
Với thế mạnh là sản xuất hàng lưu niệm mỹ nghệ truyền thống từ chất liệu tre và mây nên sau một thời gian, Hợp tác xã mây tre đan Bao La đã cho ra đời gần 300 mẫu mã các loại như nông cụ dùng trong nông nghiệp, vật dụng trang trí, đèn lồng… và bước đầu khẳng định sự “hồi sinh” trở lại của Hợp tác xã mây tre đan Bao La. 
Hiện nay, Hợp tác xã mây tre đan Bao La có hơn 80 xã viên, chủ yếu là người trong làng. Phần lớn xã viên trong Hợp tác xã đang tập trung đan đèn lồng bằng mây, tre để phục vụ thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Đèn mây, tre Bao La đa dạng về kiểu dáng như đèn quả lựu, đèn con cá, đèn lục giác, đèn bát giác tổ ong, đèn hoa sen… Ngoài ra, sản phẩm đèn mây tre cũng sắc sảo trong từng đường đan. Mỗi loại đèn có một kích thước khác nhau.
Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Bao La cho biết: “Tất cả mẫu mã từng chiếc đèn ở đây đều do các nghệ nhân trong làng như nghệ nhân Thái Phi Hùng, nghệ nhân Võ Chức tự mày mò, tìm hiểu, thiết kế nên. Những chiếc đèn được làm bằng chất liệu truyền thống lại mang dáng dấp hiện đại này có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm làm bằng chất liệu khác trên thị trường. Đặc biệt trong các kỳ Festival Huế, Hội chợ trưng bày sản phẩm ở Hà Nội, Sài Gòn… đèn mây tre Bao La đều tham gia cạnh tranh”.
 
Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà sản phẩm đèn mây tre Bao La đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các đối tác mua đèn để xuất khẩu ra thế giới như ở Quảng Bình có Công ty Vạn Xuân mua đèn xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản, ở Hà Nội có Công ty tư nhân Anh Thành cũng đặt hàng để xuất qua thị trường Trung Quốc…, ông Dinh chia sẻ.
Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã mây tre đan Bao La đã tạo nhiều công ăn việc làm cho hầu hết bà con trong làng. Thu nhập bình quân của mỗi xã viên từ 1,8 đến 2,2 triệu mỗi tháng. “ Người dân trong làng Bao La chúng tôi chủ yếu là làm ruộng, nhưng từ khi tham gia Hợp tác xã mây tre đan Bao La, hàng tháng lại có thêm nguồn thu nhập, giúp phụ trợ thêm cho con cái học tập. Nay đèn lồng mây tre có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài cũng thấy hào hứng lắm, hi vọng sản phẩm của chúng tôi được nhiều người biết đến hơn”, bà Nguyễn Thị Suối (58 tuổi, xã viên Hợp tác xã mây tre đan Bao La) chia sẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Thái Phi Hùng (64 tuổi, nghệ nhân Hợp tác xã mây tre đan Bao La) cho biết: “Trước khi chưa thành lập hợp tác xã, tôi có làm nghề đan tại gia. Nay đã hơn 30 năm gắn bó với nghề đan lát, quyết tâm giữ nghề nên mới có ngày hôm nay. Khi sản phẩm đèn được nhiều người ưa chuộng, chúng tôi rất vui và phấn khởi vì đó là thành quả từ đôi bàn tay mình làm nên. 
Đèn tre do những người thợ thủ công của làng làm ra có thể sử dụng trong khoảng 10 năm và chủ yếu được treo trong các khách sạn, khu resort nhằm tạo nên sự tinh tế nhưng bình dị. Dù còn nhiều khó khăn nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng nghiên cứu để làm ra nhiều loại đèn lồng có mẫu mã khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài”.
Năm 2011, sản phẩm bộ đèn lồng bằng tre của làng nghề Bao La vinh dự đạt giải nhất trong cuộc thi bình chọn sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu của tỉnh. “Để có thể trưng bày sản phẩm cho du khách tới tham quan, mua sắm, chúng tôi cũng đã gửi đơn lên UBND tỉnh xin mở thêm phòng trưng bày” – ông Dinh cho hay./. 

Đọc thêm